Phía sau việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Đi qua 3/4 quãng đường của năm 2019, những diễn biến không thuận lợi đã khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh. Động thái này khiến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán lao dốc là điều có thể đoán trước nhưng cũng phần nào bộc lộ những vấn đề của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh. Nguồn: Internet.
Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh. Nguồn: Internet.

Đã có hơn 100 doanh nghiệp (DN) công bố kết quả kinh doanh quý III cho thấy tình hình không quá xấu, nhưng cũng không nhiều DN có kết quả kinh doanh tốt ngoài dự kiến.

Tính đến hết quý III/2019, số DN báo hoàn thành hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận đang chiếm số ít trên thị trường. Do đó, đây cũng là thời điểm nhiều DN “liệu cơm gắp mắm” điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với từng thời điểm.

Giảm tới 80% kế hoạch lợi nhuận

Có mức điều chỉnh mạnh nhất phải kể đến CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Tp.HCM (Fideco, mã: FDC) với việc giảm đến gần 82% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm so với con số được xây dựng hồi đầu năm. Nguyên nhân được công ty đưa ra do ảnh hưởng từ tiến độ dự án Cần Giờ.

Cụ thể, HĐQT công ty trình cổ đông điều chỉnh kế hoạch doanh thu hợp nhất từ 966 tỷ đồng về 349 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 376,6 tỷ đồng về 69 tỷ đồng; tương ứng tỷ lệ giảm 64% và 81,6%; dự kiến không chia cổ tức.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Fideco đã làm dấy lên hy vọng cho các cổ đông khi đề ra kế hoạch kinh doanh tham vọng, tỷ lệ cổ tức hấp dẫn lên tới 50% vốn điều lệ sau khi lỗ ròng 35 tỷ đồng trong năm 2018.

Nếu kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh được thông qua, Fideco chỉ còn cách chỉ tiêu năm 6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận quý III và quý IV của công ty có thể rất thấp.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của giá bán trên thị trường kim loại thế giới và thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, HĐQT CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã: HGM) cũng xin ý kiến cổ đông giảm chỉ tiêu doanh thu bán hàng giảm từ 125 tỷ đồng xuống 89 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (chưa tính trích lập dự phòng tài chính) từ 45 tỷ đồng xuống 18 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức cũng điều chỉnh giảm từ tối thiểu 15% xuống tối thiểu 8%.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) mới đây đã thông qua phương án điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2019. Cụ thể, điều chỉnh mục tiêu doanh thu về mức 2.950 tỷ đồng giảm 21,9% và lợi nhuận trước thuế về mức 1.100 tỷ đồng, giảm 35,5% so với kế hoạch được ĐHCĐ thông qua.

Một đại diện của nhóm ngành thủy sản là “vua tôm” Minh Phú (mã: MPC) cũng vừa quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế năm 2019 còn 1.430 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 38% so với kế hoạch đầu năm đặt ra.

Cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng của Minh Phú cho thấy tổng sản lượng xuất khẩu đạt 43.464 tấn, giảm 9% cùng kỳ năm trước, chỉ hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Ngoài ra, nhiều DN khác cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm so với đầu năm như Traphaco, Vietnam Airlines...

Gần hết năm, nhiều DN bất ngờ thay đổi kế hoạch kinh doanh theo chiều hướng đi xuống
Gần hết năm, nhiều DN bất ngờ thay đổi kế hoạch kinh doanh theo chiều hướng đi xuống
 

Cổ phiếu giảm, lộ góc khuất dự toán

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu MPC của “vua tôm” Minh Phú đã xuống đáy trong hơn một năm. Tính từ đỉnh gần 50.000 đồng/cp hồi tháng 4/2019, thị giá cổ phiếu MPC đã giảm gần 55% về mức 22.600 đồng/cp như hiện nay. Nguyên nhân được cho là do công ty đặt kế hoạch kinh doanh cao nhưng thực hiện lại không như kỳ vọng.

Tương tự, cổ phiếu FDC cũng lao dốc gần 20,6% từ mức giá 17.250 đồng/cp hồi đầu tháng 10, xuống 13.700 đồng/ cp trong phiên giao dịch ngày 29/10, trong đó không ít phiên giảm sàn, có lúc thị giá rơi về vùng 12.300 đồng/cp.

Cổ phiếu SSI cũng rơi mạnh từ vùng giá 23.000 đồng/cp về mức 21.150 đồng/cp trong những phiên giao dịch vừa qua. Còn cổ phiếu HGM đã duy trì mức “đóng băng” trong suốt nhiều tháng qua…

Thực tế, những thông tin liên quan đến kế hoạch kinh doanh là tương lai của cổ phiếu. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là đầu tư vào kỳ vọng, nên việc điều chỉnh kế hoạch theo chiều hướng giảm sẽ đánh rơi kỳ vọng của các nhà đầu tư, giá cổ phiếu lao dốc là điều đương nhiên.

Có khá nhiều nguyên nhân để lý giải cho động thái giảm kế hoạch kinh doanh như các dự án bất ngờ dừng triển khai, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, kinh tế bất ổn, nhiều chi phí mới phát sinh... Tuy nhiên, đây cũng được xem là một xác nhận chính thức từ phía DN về sự yếu kém.

Tại các thời điểm mang yếu tố mấu chốt, những thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh năm nay, chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh cho năm tới luôn là chất xúc tác kéo giá của nhiều cổ phiếu. Do đó, nhiều lãnh đạo DN đã lợi dụng triệt để những thông tin này để lôi kéo nhà đầu tư.

Đặc biệt trong bối cảnh những năm gần đây thị trường hàng nhiều, tiền ít nên dòng tiền sẽ “gạn đục, khơi trong” kỹ hơn, lựa chọn kỹ càng hơn. Do đó, những cổ phiếu có câu chuyện cụ thể như kế hoạch kinh doanh tươi sáng, tỷ lệ cổ tức cao... sẽ hấp dẫn được đầu tư.

Sau khi đã đạt được mục đích, cuối năm DN sẽ phải điều chỉnh theo sát với kế hoạch thực tế đạt được, dần đánh mất niềm tin từ phía cổ đông.