Hai kịch bản thị trường chứng khoán
Nếu vượt mạnh qua 1.000 điểm, thì VN-Index sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn. Ngược lại, chỉ số này có nguy cơ về 980 điểm.
Việc Mỹ và Trung Quốc đạt được một phần thỏa thuận trong cuộc đàm phán thương mại kéo dài từ 10- 11/10 vừa qua đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu.
Chưa có cú bứt phá mạnh
TTCK Việt Nam mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (14/10) cũng không nằm ngoài xu thế chung. Dòng tiền ngay từ đầu đã tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu Bluechips như: BVH, FPT, GAS, REE, VNM, VJC, MWG, PNJ, VIC…, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Có được điều này là nhờ vào thông tin NHTMCP Quân đội công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý III/2019, tăng mạnh hơn 41% so với cùng kỳ. Việc MBB và VCB công bố lợi nhuận quý III tích cực đã giúp cho nhà đầu tư (NĐT) có nhiều kỳ vọng hơn vào KQKD của nhóm cổ phiếu này.
Mặc dù vậy, về cuối phiên, áp lực từ nhóm cổ phiếu lớn lại xuất hiện khi VCB, GAS, HPG, VHM, BVH, MSN... quay đầu giảm, khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,17 điểm, đóng cửa tại mốc 993,57 điểm. Chỉ số HNX-Index có mức cao hơn, tăng 0,75 điểm đóng cửa tại mốc 106,05 điểm, nhờ cổ phiếu ACB, SHB. Với mức tăng này, VN-Index vẫn giao dịch trong vùng hẹp 980-1.000 điểm.
Điều này đồng nghĩa thị trường chưa thực sự tạo ra một sự đột phá cả hai chiều hướng tăng hay giảm. So với tuần giao dịch 7-11/10, thì điểm cộng với thị trường là khối ngoại từ bán ròng có xu hướng mua ròng trở lại. Thanh khoản có tín hiệu tăng lên, đặc biệt nhóm cổ phiếu đầu cơ và nhóm Ngân hàng.
Kỳ vọng nhóm ngân hàng
Những cổ phiếu có KQKD tích cực đều đã tăng rất mạnh và khó tạo nên đột biến như MWG, FPT… Do đó, vào lúc này, nhóm cổ phiếu Ngân hàng được kỳ vọng sẽ tạo cú bứt phá cho thị trường, nhưng dường như áp lực bán ra cũng rất lớn. Giới phân tích tin rằng, MBB, VCB, TCB và VPB có mức tăng trưởng lợi nhuận quý III cao nhất, nhưng giá cổ phiếu lại tăng không tương xứng. Như vậy, khi mùa báo cáo KQKD qua đi, thì thị trường gần như không còn động lực nào tăng điểm.
Trong bối cảnh hiện nay, TTCK có thể sẽ có 2 kịch bản. Ở kịch bản khả thi nhất, VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm, nếu kèm theo là thanh khoản tăng mạnh thì hoàn toàn kỳ vọng vào mốc 1.020-1.025 điểm.
Nhưng ở kịch bản kém khả quan hơn khi thị trường không phá vỡ thành công mốc 1.000 điểm, thì dòng tiền sẽ có dấu hiệu yếu đi, nếu những cổ phiếu tăng giá có dấu hiệu chốt lời thì cần lưu ý tới mốc 980 điểm. Nếu như mốc điểm này bị đánh gãy bởi tín hiệu bán mạnh, thì câu chuyện chinh phục mốc 1.000 điểm là rất xa vời. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra trong tuần giao dịch tới, chí ít cũng phải đến khi thị trường rơi vào vùng trũng thông tin cuối tháng 10 tới đây.