Thị trường thờ ơ với mùa công bố kết quả kinh doanh

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 đã chính thức bắt đầu với nhiều doanh nghiệp, nhóm ngành tăng trưởng tốt. Thông thường, dịp này được xem là “liều thuốc bổ” cho thị trường trong giai đoạn vùng trũng thông tin. Tuy nhiên, các chỉ số thị trường vẫn đang có diễn biến phẳng lặng, chưa có sự đột biến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong hơn 2 tuần giao dịch đầu tháng 10, thanh khoản thị trường vẫn chưa có sự chuyển biến so với các tháng trước, duy trì ở mức thấp. Khối ngoại đã có chuỗi bán ròng 15 phiên liên tiếp trên HoSE và 5 phiên liên tiếp trên HNX. Việc thanh khoản sụt giảm từ đầu năm đến nay đang khiến xu hướng của chỉ số Vn-Index không đáng tin cậy.

Lợi nhuận đột biến

Vietcombank (mã: VCB) vừa báo mức lợi nhuận kỷ lục 17.592 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2019, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 86% kế hoạch của cả năm.

Tiếp theo là MB (mã: MBB) với mức lợi nhuận đạt 7.086 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Tại thời điểm 30/9, MB ghi nhận tổng tài sản ở mức 385.516 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm trước; tiền gửi khách hàng đạt 255.627 tỷ đồng, tăng 6,2%; dư nợ tăng 11% lên gần 230.143 tỷ đồng.

Trong khi đó, riêng quý III, Sacombank (mã: STB) ghi nhận 4.019 tỷ đồng tổng thu nhập thuần và 1.030 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 36% và 224% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng ghi nhận 2.491 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 89,5% so với cùng kỳ, đạt tới 94% kế hoạch lợi nhuận cả năm (2.650 tỷ đồng).

Từng là một trong 5 ngân hàng tư nhân lớn mạnh nhất, Sacombank đã đi xuống kể từ sau thương vụ nhận sáp nhập Southern Bank vào năm 2015. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm tái cơ cấu và nỗ lực xử lý nợ xấu (từ 2017 tới nay) đã ghi nhận lạc quan ngoài dự báo của nhiều người.

Cũng là một trong những ngân hàng báo lãi sớm, TPBank (mã: TPB) cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng qua đạt 2.404 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 75% kế hoạch năm.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của LienVietPostBank (mã: LPB) đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, riêng quý III đạt 519 tỷ đồng, tăng 49%. Đặc biệt, Saigonbank gây bất ngờ với lợi nhuận quý III/2019 tăng đột biến đạt 132 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ, giúp lợi nhuận 9 tháng của ngân hàng vượt 220 tỷ đồng.

Ngoài ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng công bố những con số tăng trưởng ấn tượng như CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) với lợi nhuận sau thuế quý III tăng 76%, đạt 317 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 9 tháng là 430 tỷ đồng, tăng 23,4%.

CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO (mã: KDF) cũng cho biết lợi nhuận sau thuế gấp 61 lần cùng kỳ năm trước, đạt 48,8 tỷ đồng. Những công ty khác cũng có mức tăng trưởng cao trong quý III như Cao su Đà Nẵng (mã: DRC), CTCP Phát triển điện Miền Bắc (mã: ND2)…

Tăng chậm vẫn là xu hướng chủ đạo của thị trường giai đoạn này
Tăng chậm vẫn là xu hướng chủ đạo của thị trường giai đoạn này
 

Không đột biến về giá

Thực tế, ngay sau khi kết thúc quý III, nhiều dự đoán về kết quả kinh doanh quý sẽ có mức tăng trưởng tốt đã được đưa ra, bởi nhiều nhóm ngành vẫn có sự cải thiện, trong đó có nhóm ngân hàng. Nhóm này chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết nên khi có sự tăng trưởng sẽ làm cho bức tranh lợi nhuận chung được cải thiện rõ rệt.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cố phiếu ngân hàng cũng giao dịch khởi sắc. Sau khoảng thời gian tăng tốc từ hồi giữa năm, hiện VCB vẫn duy trì quanh vùng giá 85.000 đồng/cp; MBB ghi nhận mức tăng tốt lên 23.200 đồng/cp; TPB duy trì được vùng giá 24.200 đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu STB tăng từ mức giá 10.400 đồng lên hơn 11.000 đồng/cp trong những phiên giao dịch nửa đầu tháng 10; LPB duy trì mức giá 7.500 đồng/cp… Trong khi dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng kết quả khả quan là điều có thể dễ dàng đoán trước được của BIDV, Vietinbank, nên cổ phiếu BID và CTG cũng đang giao dịch khá tích cực.

Thế nhưng, chính sự dễ đoán định lại khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp này giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, dẫn đến việc không có sự đột biến về giá cũng như thanh khoản. Chỉ số Vn- Index từ đầu tháng 10 tới nay vẫn lình xình quanh mốc 990 điểm mà chưa thể bứt phá lên ngưỡng kỳ vọng 1.000 điểm.

Diễn biến này cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc của nhóm cổ phiếu vốn được coi là dẫn dắt thị trường không có tác động nhiều đến thị trường chung. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang chịu sức ép bán chủ đạo từ khối các nhà đầu tư ngoại.

Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), SAB (Sabeco), HPG (Hòa Phát)… vẫn đang có diễn biến khá tệ. Điều này tạo ra sự giằng co và thiếu ổn định về diễn biến cho chỉ số.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia chứng khoán, kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng hay những doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh tuy tích cực nhưng chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh khác thay vì hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đây cũng có thể là nguyên nhân giải thích cho sự thiếu hấp dẫn đối với dòng tiền.

Ông Nguyễn Trung Du – Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, công ty chứng khoán VnDirect, phân tích xu hướng của thị trường trong nhiều tháng qua vẫn vận động theo cách tăng chậm và bấp bênh. Áp lực tâm lý vẫn đè nặng lên thị trường cùng với những biến động thất thường của thị trường quốc tế cũng như áp lực bán ròng đều đặn của khối ngoại khiến thị trường chưa thể bứt phá.

Nhóm ngân hàng hay những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt chưa thể tạo sóng nhưng cũng đã đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường. Theo đó, xu hướng tăng chậm và mức độ phân hóa cao vẫn là chủ đạo trong giai đoạn này.