Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất
Thị sát, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ và thăm hỏi người dân tại tỉnh Bắc Kạn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc cần phải làm ngay là sớm có giải pháp hỗ trợ ổn định chỗ ở, lương thực thiết yếu và đảm bảo an toàn cho người dân.
Chiều 10/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đến thị sát, kiểm tra tình hình ứng phó và khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã đi bộ, lội nước hơn 1km để vào Tổ 6, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, nơi đang bị ngập úng nặng và thiệt hại nhiều về tài sản, nông nghiệp.
Đến thăm nơi bà con ở, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc động viên tình hình từng gia đình, người dân về cuộc sống trong những ngày mưa bão vừa qua. Chia sẻ với những mất mát, tổn thất của bà con, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng mong bà con cùng nhau cố gắng vượt qua và khẳng định, Đảng, Chính phủ, Nhà nước luôn quan tâm, theo sát hỗ trợ người dân.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng về tình hình thiệt hại tại tỉnh Bắc Kạn sau đợt mưa lũ từ ngày 6/9 đến 9/9, ông Nguyễn Đăng Bình – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, đến thời điểm hiện tại, có 2 người bị thương do mưa bão, ngập nước; 1.343,75ha lúa, ngô, hoa màu, thủy sản, 45 công trình thủy lợi và 160m kè bờ sông bị hư hỏng. Bên cạnh đó, giao thông bị đình trệ do sạt lở hơn 300.000 m3 đất, đá trên nhiều tuyến đường tỉnh lộ. Tình trạng ngập úng cục bộ tại một số vùng trũng thấp (Nam Mẫu, Khang Ninh - Ba Bể, Nam Cường - Chợ Đồn, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, huyện Chợ Mới) hiện vẫn rất nặng nề. Dù mưa đã ngớt, nhưng nhiều tuyến đường tiếp tục sạt lở.
Kết quả rà soát cho thấy, có 1.256 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở, ngập nước..., trong đó, 214 nhà phải di dời khẩn cấp; 20 nhà bị cô lập do nước lũ, 08 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 299 nhà bị ngập nước, 210 hộ đã di dời đến nơi an toàn, 20 hộ còn lại, ở lại nhà do nước mới ngập đến sàn nhà... Ước tính, thiệt hại sơ bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khoảng 160 tỷ đồng.
Theo Lãnh đạo Tỉnh, lo lắng nhất hiện nay là tình trạng sạt lở, bởi hàng trăm hộ dân đang di dân trở về vẫn có thể gặp nguy cơ sạt lở bất kỳ lúc nào.
Từ những khó khăn trên, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Trung ương trước mắt hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do thiên tai. Cụ thể: Lương thực: 150 tấn; 4000 lít nước uống; Các nhu yếu phẩm khác (chăn, màn…) 1300 bộ; dụng cụ nấu ăn cho 400 học sinh; 2.400 bạt che; 5.000 lít hoá chất khử trùng… Về lâu dài, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai; cơ sở vật chất trường học, lớp học, Y tế... để Bắc Kạn sớm ổn định và khôi phục sau bão.
Báo cáo thêm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác, bà Phương Thị Thanh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn đề nghị, Trung ương đặc biệt quan tâm hỗ trợ khắc phục các tuyến đường quốc lộ đi qua Cao Bằng để tránh ảnh hưởng đến giao thông toàn tuyến. Bên cạnh đó, hỗ trợ nguồn kinh phí tái ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân phải di dời do sạt lở và ứng phó với dịch bệnh sau lũ trong khi các nguồn kinh phí dự phòng của địa phương có hạn.
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo Tỉnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của chính quyền, nhân dân Bắc Kạn trong phòng, chống bão lũ nên không để xảy ra thiệt hại về người, đảm bảo an toàn tài sản, an ninh trật tự cho người dân. “Chúng ta rất đau lòng trước những thiệt hại mà bà con phải gánh chịu khi cơn bão quét qua. Do đó, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bởi diễn biến thời tiết còn khó lường, không loại trừ còn mưa kéo dài”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng lưu ý.
Đặc biệt nhấn mạnh sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Tỉnh khẩn trương hỗ trợ cho người dân chỗ ăn, chỗ nghỉ an toàn, bảo đảm hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, Tỉnh cần huy động nguồn kinh phí từ xã hội hoá, vận động sự đóng góp của các mạnh thường quân, doanh nghiệp. Trước mắt, cần tập trung nỗ lực toàn diện khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; Kiểm tra ngay các điểm sạt lở, dựng biển để cảnh báo người dân các khu vực nguy hiểm. Trong bối cảnh vẫn còn khả năng tiếp tục mưa lũ, cần đặc biệt quan tâm kiểm tra gia cố lại hệ thống cầu treo qua sông, suối, hệ thống đê đập để đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với việc đóng lưới điện sau mưa lũ, cần rà soát trước khi cấp lưới điện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân; chú trọng đảm bảo an toàn cho trường học và cơ sở y tế để hoạt động trở lại...
Đối với các đề xuất của Tỉnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc co biết, Đoàn công tác sẽ ghi nhận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết ngay. Trước mắt sẽ đề nghị cấp 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để giải quyết các vấn đề cấp bách, đồng thời giao Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với đơn vị liên quan xuất cấp thuốc men cho tỉnh làm sạch môi trường chống dịch bệnh sau lũ...