Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chìa khóa để mỗi quốc gia khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong dòng chảy sôi động của đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Việt Nam xác định khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng của nền kinh tế trong thập kỷ tới.
Theo đó, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị không chỉ là định hướng, mà là Nghị quyết mang tính hành động, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên kinh tế số, kinh tế xanh, và kinh tế công nghệ cao.
Năm 2024, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP hơn 7%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong thu hút FDI, với vốn đăng ký mới đạt 38,2 tỷ USD và vốn giải ngân đạt kỷ lục 25 tỷ USD. Nền kinh tế số Việt Nam đang tăng tốc ấn tượng, với quy mô đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 30% GDP.
Việt Nam đang triển khai các dự án lớn đầu tư vào hạ tầng với quy mô hơn hàng trăm tỷ USD từ nay đến năm 2050, tập trung vào các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc-Nam, sân bay quốc tế, năng lượng tái tạo… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng đang tạo đòn bẩy mạnh mẽ, giúp Việt Nam gia tăng thị phần sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, với sự đồng hành của Trung tâm Đổi mới Quốc gia, nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Samsung, Qualcomm, Meta, Google… đã chọn Việt Nam là trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm công nghiệp mới.
Song song với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế để giải phóng nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn, tiến tới xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế, triển khai Chiến lược, Chương trình phát triển bán dẫn, AI, Blockchain và thúc đẩy ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, startup và nhà đầu tư mạo hiểm.
Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo và nghiên cứu phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đề nghị các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cùng triển khai một số việc sau đây:
Một là, tiếp tục có các khuyến nghị, đề xuất về thể chế, chính sách tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho các Quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các Quỹ có danh mục đầu tư ưu tiên cho các ngành công nghệ mới nổi, công nghệ cao, công nghệ chiến lược.
Hai là, thông qua các diễn đàn kết nối như Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp cần tiếp tục trao đổi cụ thể về định hướng đầu tư kinh doanh, tiềm năng lợi thế của mỗi bên và sớm thiết lập các cơ chế, hình thức hợp tác thiết thực, hiệu quả.
Ba là, các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm đổi mới sáng tạo cần tiếp tục đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy, tạo “sân chơi” thông thoáng, rộng mở cho các doanh nghiệp, quỹ và tổ chức, cá nhân đầu tư vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Về phía Chính phủ, cam kết sẽ luôn sẵn sàng hành động, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các bên tham gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Với ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt là vai trò của các Quỹ đầu tư, tôi kêu gọi chúng ta hãy cùng nhau “củng cố niềm tin”, “nắm bắt cơ hội”, “nhanh chóng quyết định”, “đầu tư mạnh mẽ” để Việt Nam thực sự trở thành “điểm hấp thụ hiệu quả” các nguồn vốn đầu tư tư nhân vào phát triển các ngành công nghệ chiến lược của Việt Nam.