Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nâng cao hiệu lực hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Đây là tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) kết luận Phiên họp đầu tiên Ban Chỉ đạo 389 đến các Bộ, ngành, địa phương… diễn ra mới đây tại Hà Nội. Ban Chỉ đạo 389 được thành lập theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Ban Chỉ đạo127), nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay.

Các bộ, ngành có trách nhiệm cùng với các địa phương thực hiện tốt các chính sách kinh tế, an sinh xã hội. Nguồn: internet
Các bộ, ngành có trách nhiệm cùng với các địa phương thực hiện tốt các chính sách kinh tế, an sinh xã hội. Nguồn: internet

Chống buôn lậu gắn với phát triển kinh tế

Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo 153 TB-VPCP nêu rõ nhiệm vụ và trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chuyên trách…

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt nhận thức, phương châm hành động, xác định hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả tác động tiêu cực nhiều mặt đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của người dân và gắn liền với tệ nạn tham nhũng. Vì vậy, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị mà trực tiếp là các cơ quan chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo 389 ở trung ương và địa phương.

Thông báo 153/TB-VPCP nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả và từng bước đẩy lùi tình trạng này. Bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra, kéo dài thì người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại mô hình tổ chức của các lực lượng chức năng, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, công chức; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các lực lượng chức năng: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, Quản lý thị trường, Thuế phải thực hiện tốt công tác phối hợp, nắm chắc tuyến, địa bàn, đối tượng để chủ động theo sát diễn biến tình hình, kịp thời tổ chức lực lượng, xây dựng biện pháp, kế hoạch ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo, các bộ, ngành có trách nhiệm cùng với các địa phương thực hiện tốt các chính sách kinh tế, an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Xây dựng chính sách phát triển thương mại mậu dịch khu vực biên giới kết hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gắn với giải quyết việc làm để người dân khu vực biên giới có cuộc sống ổn định, không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Trọng trách của Bộ Tài chính

Về cơ cấu Ban Chỉ đạo 389: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Ban thường trực. Các Phó Trưởng Ban do: Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an đảm trách. Ban Chỉ đạo 389 địa phương do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Theo đó, trọng trách của Bộ Tài chính là rất rõ ràng.

Để nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành việc bàn giao nhiệm vụ thường trực và các vấn đề có liên quan; bảo đảm các điều kiện cần thiết để Ban Chỉ đạo 389 sớm đi vào hoạt động ổn định từ tháng 5 năm 2014.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng Ban thường trực khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo 389; phân công công tác các Thành viên; hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389; Quy chế hoạt động của Văn phòng Thường trực theo tinh thần Văn phòng đặt tại Bộ Tài chính, làm việc theo chế độ chuyên trách, cán bộ là lãnh đạo cấp Vụ, Cục có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm về lĩnh vực công tác được các bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo 389 cử biệt phái…

Văn phòng Thường trực, các bộ, ngành, cơ quan, lực lượng chức năng và các địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác hại, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo hiệu ứng đồng thuận trong xã hội, xây dựng niềm tin cho nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để nhân dân thấy rõ tác hại của việc buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả; lên án những hành động sai trái, biểu dương những người tốt, đơn vị làm tốt trong công việc này kịp thời.