Phố Wall điều chỉnh, châu Á tăng thận trọng trước loạt dữ liệu kinh tế chủ chốt
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu bước vào tuần mới với tâm lý thận trọng, khi nhà đầu tư cân nhắc rủi ro từ làn sóng thuế quan mới của Mỹ, đồng thời theo dõi sát các tín hiệu chính sách tiền tệ từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Căng thẳng thương mại đè nặng Phố Wall
TTCK Mỹ kết thúc tuần qua trong sắc đỏ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh lập trường cứng rắn trong thương mại, công bố một loạt biện pháp áp thuế mới lên các đối tác kinh tế lớn từ Canada, Liên minh châu Âu (EU) đến Mexico và Brazil. Tuyên bố bất ngờ từ Nhà Trắng đã nhanh chóng khiến thị trường tài chính toàn cầu đảo chiều sau chuỗi phiên tăng mạnh trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/07, chỉ số Dow Jones giảm 279,13 điểm, tương đương 0,63% xuống 44.371,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,71 điểm, tương đương 0,33% còn 6.259,75 điểm, lùi khỏi đỉnh lịch sử. Chỉ số Nasdaq giảm 45,14 điểm, tương đương 0,22% xuống 20.585,53 điểm.
Nguyên nhân của sự giảm điểm này là do tâm lý bất an sau khi bức thư được Tổng thống Trump công bố trên mạng xã hội Truth Social, tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế 35% với hàng nhập khẩu từ Canada kể từ tháng tới với lý do liên quan đến cuộc chiến chống fentanyl. Tổng thống cũng cảnh báo nếu Canada có hành động trả đũa, mức thuế có thể tăng hơn nữa. “Nếu Canada hợp tác với tôi để ngăn fentanyl, có thể chúng tôi sẽ điều chỉnh lại mức thuế này”, ông viết.
Đồng thời, ông Trump tuyên bố áp thuế từ 15%–20% lên hàng hóa từ EU, Mexico và Brazil, với mức 30% dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuyên bố này đã khiến giới đầu tư lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang, có thể kích hoạt lạm phát và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù ông Trump cho rằng các biện pháp này “được thị trường đón nhận tích cực”, thực tế cho thấy các nhà đầu tư phản ứng thận trọng và bắt đầu chuyển dòng tiền sang các tài sản an toàn. Giới phân tích nhận định thị trường hiện vẫn đánh giá rủi ro theo hướng “chưa chắc chắn” bởi các mức thuế này mới dừng ở tuyên bố, chưa rõ mức độ thực thi.
Trong khi đó, khảo sát mới nhất của Wall Street Journal cho thấy, giới chuyên gia kinh tế đang lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ, với dự báo tăng trưởng được nâng lên, nguy cơ suy thoái giảm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Theo đó, dự báo GDP Mỹ quý IV/2025 đã được điều chỉnh tăng từ 0,8% lên 1%, với xác suất suy thoái 12 tháng tới giảm xuống còn 33%. Những cải thiện này phản ánh việc dữ liệu kinh tế Mỹ trong 3 tháng qua nhìn chung tích cực.
Số việc làm tăng trung bình 150.000 mỗi tháng trong quý 2, vượt kỳ vọng hồi tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4,2% trong tháng 5 xuống còn 4,1% trong tháng 6, nằm trong biên độ ổn định. Lạm phát lõi tháng 5 ở mức 2,8% - thấp nhất trong vòng 4 năm. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được sự bền vững trong bối cảnh chính sách thuế quan còn nhiều biến động.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang dần chuyển sự chú ý sang mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2025 của khối doanh nghiệp, để biết được các chính sách thuế quan của ông Trump đang ảnh hưởng đến các công ty lớn của Mỹ như thế nào. Sang tuần tới, trong số những tên tuổi lớn công bố kết quả kinh doanh có JPMorgan, Netflix và Johnson& Johnson.

TTCK châu Á phản ứng linh hoạt, tín hiệu nội tại tích cực
Chứng khoán châu Á ghi nhận diễn biến khởi sắc trong phiên đầu tuần, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ từ ngân hàng trung ương cũng như đón nhận một loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc và khu vực.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/7 (tại thời điểm 16h00), Nhật Bản giảm 122,18 điểm, tương đương 0,31%, đóng cửa ở mức 39.447,50 điểm; Hồng Kông tăng 63,75 điểm, tương đương 0,26%, đóng cửa ở mức 24.203,32 điểm; Trung Quốc tăng 9,47 điểm, tương đương 0,27% lên 3.519,65 điểm; Hàn Quốc tăng 26,26 điểm, tương đương 0,43% lên 3.202,03 điểm; Singapore tăng 16,15 điểm, tương đương 0,4%, đóng cửa ở mức 4.103,96 điểm; Malaysia tăng 1,44 điểm, tương đương 0,09% lên 1.537,51 điểm; Thái Lan tăng 19,3 điểm, tương đương 1,72% lên 1.140,43 điểm; Indonesia tăng 42,86 điểm, tương đương 0,61% lên 7.090,29.
Tâm lý thị trường được hỗ trợ phần nào bởi các tín hiệu ổn định từ Trung Quốc. Phát biểu ngày 13/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Zou Lan nhấn mạnh ngân hàng trung ương nước này sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng một cách phù hợp trong nửa cuối năm 2025. Ông cho biết, PBoC sẽ sử dụng linh hoạt và hiệu quả hơn các công cụ mang tính cấu trúc để hỗ trợ các lĩnh vực trọng yếu, cải thiện cơ chế lãi suất theo định hướng thị trường, đồng thời đảm bảo thanh khoản hệ thống dồi dào. Dù không đưa ra thông tin chính sách cụ thể, phát biểu được giới quan sát xem là một sự tái khẳng định cam kết hỗ trợ tăng trưởng của Bắc Kinh trong giai đoạn còn nhiều thách thức.
Ngay sau phát biểu của PBoC, Trung Quốc cũng công bố loạt số liệu thương mại tích cực, góp phần củng cố thêm tâm lý thị trường. Xuất khẩu tháng 6 tăng mạnh 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu đảo chiều tăng 2,3%, lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm. Cán cân thương mại duy trì thặng dư là 743,5 tỷ nhân dân tệ, bất chấp áp lực từ thuế quan của Mỹ.
Tại xứ sở hoa anh đào, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho là đang xem xét nâng dự báo lạm phát cho năm tài khóa hiện tại trong kỳ họp chính sách vào cuối tháng này, theo thông tin từ Bloomberg. Diễn biến giá lương thực và năng lượng tăng nhanh hơn dự kiến đang khiến các nhà hoạch định chính sách cân nhắc điều chỉnh, tuy nhiên BoJ vẫn được kỳ vọng sẽ giữ nguyên mức lãi suất chính sách hiện tại. Thị trường đang theo sát các tín hiệu từ BoJ để đánh giá khả năng điều chỉnh chính sách trong quý IV.
Tại Hàn Quốc, tâm lý thị trường nội địa được cải thiện đáng kể nhờ các chương trình kích thích tiêu dùng của chính phủ. Theo khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, chỉ số kinh doanh bán lẻ quý III/2025 đã tăng vọt lên 102 điểm – mức cao nhất kể từ quý III/2021; phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào các chính sách hỗ trợ, trong đó nổi bật là chương trình phát tiền mặt toàn dân. Chỉ số KOSPI tăng 0,43% trong phiên 14/7, chạm mức cao nhất trong gần 4 năm.
Tuy nhiên, rủi ro từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn vẫn phủ bóng lên triển vọng thị trường toàn cầu. Giới phân tích cảnh báo rằng, nếu không có giải pháp kịp thời, các đòn thuế này có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào chu kỳ giảm tốc mới trong nửa cuối năm. Trong ngắn hạn, giới đầu tư sẽ tập trung theo dõi dữ liệu GDP quý II của Trung Quốc và quyết định chính sách từ BoJ vào cuối tháng để xác định xu hướng dòng tiền trong khu vực.