Hải quan Lạng Sơn:
Phối hợp các lực lượng để không phát sinh đường dây buôn lậu lớn
Theo đánh giá của Cục Hải quan Lạng Sơn, trong năm 2017, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại trên địa bàn nhìn chung không có sự biến động nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Với sự cố gắng trong công tác chỉ đạo của Cục và công tác triển khai thực hiện của các đơn vị, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại vẫn được kiểm soát tốt, không để hình thành các đường dây, tụ điểm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan.
Trong năm 2017, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là thời điểm dịp cuối năm, tết nguyên đán Bính Thân, dịp lễ hội đầu năm Đinh Dậu do nhu cầu mua bán, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao.
Tuy nhiên, xác định nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục nên các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, nâng cao trách nhiệm, tổ chức kịp thời đấu tranh ngăn chặn, cho đến nay tình hình địa bàn vẫn được kiểm soát tốt, không để phát sinh đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn.
Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là: Hàng hóa tiêu dùng; Các mặt hàng có thuế suất thuế nhập khẩu cao, hàng tạp hóa quần áo, hàng tiêu dùng, hàng cấm (pháo nổ, ma túy, vũ khí thô sơ, đồ chơi bạo lực, gia cầm sống và sản phẩm phụ gia cầm, nội tạng động vật nhập lậu …) và hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, phải kiểm tra chất lượng nhà nước, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, …
Đối tượng trọng điểm tập trung chủ yếu là các đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia bảo kê cho việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu; Các đối tượng lao động tự do, cư dân biên giới vận chuyển hàng nhập lậu qua biên giới để vận chuyển vào nội địa; Các chủ đầu nậu bao gồm người địa phương và người từ các tỉnh khác thường không trực tiếp tham gia buôn lậu, chúng thường thuế, khoán gọn cho các lực lượng trên, gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý, truy xét hành vi vi phạm. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu: Đối tượng vi phạm thường là các doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, các DN mới được thành lập có độ rủi ro cao.
Phương thức, thủ đoạn và dấu hiệu vi phạm được phát hiện: Các đối tượng thường tập kết hàng hóa ở các điểm sát biên giới, lợi dụng đêm tối, thời gian nghỉ giao ca của các lực lượng chức năng để vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua các lối mòn, đường tắt hai bên cánh gà cửa khẩu Cốc Nam, tân Thanh, Chi Ma, Hữu Nghị… Sau đó dùng xe gắn máy vận chuyển, tập kết tại các nhà dân, các kho tàng trong khu vực biên giới như Chợ Tân Thanh; Thị trấn Đồng Đăng; Thị trấn Lộc Bình… Từ đó, hàng hóa nhập lậu được găm vùi, vận chuyển bằng tàu hỏa, ô tô tải nhỏ, xe khách tuyến cố định đi vào nội địa để tiêu thụ.
Trong lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Một số doanh nghiệp thường lợi dụng chính sách thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu được hệ thống phân luồng xanh, vàng để khai báo sai về số lượng, chủng loại, trị giá, mã số hàng hóa, xuất xứ, chính sách quản lý hàng hóa để thực hiện các hành vi nhập lậu, gian lận thương mại. Doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu hàng hóa được ưu tiên phân luồng xanh để bốc thêm hàng hoặc găm vùi những mặt hàng hóa khác để gian lận, buôn lậu. Hàng hóa thường bị làm giả đói với các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài, các mặt hàng thường bị làm giả nhãn hiệu chủ yếu là quần áo, giầy dép, túi xách, đồ điện gia dụng, …
Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia buôn bán vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Thực hiện tốt công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, sưu tra đối tượng, đồng thời làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông tin cho người khai Hải quan, người nộp thuế nhằm giảm thiểu các sai phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước.
Các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm soát chống buôn lậu tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, quản lý tốt địa bàn, chủ động phối kết hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, vi phạm pháp luật hải quan.
Báo cáo, tham mưu, đề xuất kịp thời các phát sinh, khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại với các cấp có thẩm quyền, cấp trên để có sự chỉ đạo kịp thời, thống nhất, hiệu quả trong công tác, hoạt động chống buôn lậu trên tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.
Kết quả, trong năm Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 636 vụ vi phạm, với trị giá tang vật ước tính: 17,5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ như ; Vụ Công ty TNHH KD&DN xuất nhập khẩu, xác định lại trị giá tang vật vi phạm khoảng 197,318 triệu đồng, đã xử phạt vi phạm hành chính 205 triệu đồng được phát hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu nghị ;
Chuyển hồ sơ 03 vụ việc: 01 vụ vi phạm của Công ty Liên Minh Châu Âu vi phạm hàng giả mạo tên địa chỉ của thương nhân khác, tang vật vi phạm 3.000 chiếc máy say sinh tố trị giá 328,53 triệu đồng; 01 vụ vận chuyển hàng cầm đồ mỹ nghệ được chế tác từ Ngà voi có tổng trọng lượng 43 kg…
Trong thời gian tới, nhất là dịp thời tiết chuyển mùa, cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng phục vụ Tết, lễ hội của nhân dân sẽ tăng lên, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại sẽ có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu vần lã các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, hàng có thuế suất cao như: đồ điện dân dụng, điện tử, hàng tạp hóa, hàng may mặc và các loại hàng cấm như: ma túy, tiền giả, pháo, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, …
Phương thức thủ đoạn chủ yếu là vận chuyển qua các đường mòn, lối tắt, khu vực hai bên cánh gà các cửa khẩu, lối mở, hàng hóa găm, trộn lẫn, vùi trong các hàng hóa nhập khẩu, cất giấu trong hầm, cốp xe chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu, … Do đó, đòi hỏi công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa cần tiếp tục được tăng cường nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi không để tạo thành các đường dây, điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan.
Chỉ đạo các đơn vị tích cực điều tra, nghiên cứu nắm tình hình, sưu tra nắm chắc đối tượng buôn lậu. Xây dựng, quản lý và sử dụng tốt cơ sở bí mật. Chủ động, tích cực thu thập thông tin, tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ kịp thời, xử lý đúng quy định, chú trọng tới các khu vực, địa bàn trọng điểm là các đường mòn, đường tắt, khu vực cánh gà cửa khẩu, lối mở, địa điểm tàng trữ hàng hóa nhập lậu trong chợ cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu.
Phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong việc chia sẻ thông tin và tổ chức ngăn chặn, kiểm tra, xử lý. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng cấm, hàng giả, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ vi phạm để răn đe.
Tăng cường công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn, hành khách xuất nhập cảnh, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, chấp hành nghiêm pháp luật về hải quan, không tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, trốn thuế, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.
Thường xuyên chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ kiểm soát hải quan cho lực lượng cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu đạt hiệu quả cao.