Hà Nội: Cảnh báo hàng hóa nhập lậu theo hình thức hàng xách tay
Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách miễn thuế đối với trường hợp nhập cảnh mang hàng hóa ở dạng hàng hóa miễn thuế nhập khẩu với số lượng theo quy định, sau đó đem đi bán, ký gửi tại cơ sở kinh doanh hoặc đi mua gom lại để bán kiếm lời với số lượng không lớn gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Thời gian qua, công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, phát huy được sức mạnh của các lực lượng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là phối hợp giữa Công an Thành phố và Quản lý thị trường trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá, pháo, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Phối hợp giữa Công an Thành phố và Hải quan trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng vàng trang sức, ngà voi, động vật quý hiếm; Phối hợp giữa lực lượng Thuế và Công an Thành phố trong thanh tra, xử lý việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra; Phối hợp giữa Quản lý thị trường và Y tế trong thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; Phối hợp giữa Quản lý thị trường và Nông nghiệp trong thanh tra, kiểm tra các mặt hàng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra, kiểm soát gia cầm nhập lậu,...
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong kinh doanh thương mại được đặc biệt quan tâm, duy trì thường xuyên, liên tục, trong đó có công tác tổ chức ký cam kết không buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm tuyên truyền, cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe người tiêu dùng từ các hàng hóa không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật thương mại; Qua đó nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn một số tồn tại, khó khăn như sau: Một số văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý.
Công tác xử lý đối với các hành vi buôn lậu còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Điều 153 Bộ Luật Hình sự quy định tội buôn lậu có hành vi “Buôn bán trái phép qua biên giới” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Thực tế để chứng minh hành vi “qua biên giới” là rất khó cho nên phần lớn các vụ buôn lậu lớn nhưng không khởi tố, truy tố được các đối tượng phạm tội mà chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Do hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật không xem xét xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất và pháo nổ vì thế gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.
Công tác nhận định, dự báo, đánh giá tình hình thị trường, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị đôi lúc chưa có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ việc và thời điểm. Các đối tượng thường hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân quản lý địa bàn, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị, lực lượng liên tuyến, liên tỉnh còn hạn chế, dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình... nhằm trốn tránh việc phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.
Các đối tượng hoạt động phạm tội trên các lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó, có các đối tượng ở ngoại tỉnh, có đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nên việc xác minh lý lịch của các đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Các đối tượng lại thường hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân quản lý địa bàn, sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trên tuyến còn hạn chế dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình ảnh hưởng đến công tác khám phá, bắt giữ... Mặt khác, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hay quy định cụ thể nào về thời hạn, quy trình, quy định việc tổ chức xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng ở nước ngoài.
Hiệu quả công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ phụ thuộc rất lớn từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền sản xuất trong nước còn chưa đủ mạnh, phần đông doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chưa sản xuất được các mặt hàng có chất lượng và mẫu mã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác chống hàng giả để bảo vệ thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp mình. Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với cơ quan chức năng còn chưa được thường xuyên.
Một trong những phương thức vận chuyển hàng lậu gây nhức nhối cho xã hội đó là các đối tượng thương binh tham gia vận chuyển hàng lậu, chống đối quyết liệt khi các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.
Các đối tượng thường đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng bằng cách sử dụng rất nhiều hóa đơn: Hóa đơn quay vòng, hóa đơn ghi giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của hàng hóa (các đầu xuất bán hóa đơn - thường là các hộ ở đường biên, các đối tượng đều đã rút kinh nghiệm và mở bảng theo dõi việc nhập, bán hàng đầy đủ…) gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh, xử lý.
Ngoài ra, các đối tượng hoạt động theo đường dây, ổ nhóm thường rất manh động, khi bị bắt giữ thường có hành vi chống đối, tuy nhiên phương tiện kỹ thuật trang bị cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ còn hạn chế, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, nên khi các đối tượng có hành vi chống trả quyết liệt thường gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn; Tăng cường công tác bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; Tăng cường công tác chống buôn lậu đối với mặt hàng gỗ quý hiếm, mặt hàng gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới, mặt hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, các mặt hàng phân bón, xăng, dầu, chất dinh dưỡng Ensure, thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, thuốc lá, xăng dầu, dược liệu…
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường để nắm tình hình và trao đổi thông tin diễn biến thị trường đặc biệt là hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp.
Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, lập danh sách, giám sát chặt chẽ các đường dây, ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện buôn lậu, gian lận thương mại; Các kho tàng, bến bãi tập kết hàng lậu. Tập trung đấu tranh xóa bỏ các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm hoạt động chuyên nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân.