Hà Nội: Phạt hơn 37 tỷ đồng các vi phạm an toàn thực phẩm
Năm 2017, Hà Nội kiểm tra 110.930 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; qua đó phát hiện và phạt tiền hơn 7.200/22.562 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 37 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Theo Sở Y tế Hà Nội, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2017, thành phố Hà Nội đã nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra gắn với xây dựng mô hình cung ứng thực phẩm an toàn và tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Trong năm 2017, toàn thành phố đã tiến hành kiểm tra 110.930 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; qua đó đã phát hiện và xử lý 22.562 cơ sở vi phạm, phạt tiền đối với 7.213 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 37 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn. Số lượt cơ sở được kiểm tra tăng 8.286 cơ sở và số tiền phạt vi phạm hành chính tăng hơn 9 tỷ đồng so với năm 2016.
Nhờ đẩy mạnh kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, thành phố Hà Nội đã kịp thời chấn chỉnh vi phạm, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành vi và trách nhiệm của các cấp chính quyền, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nhân lực chuyên trách công tác an toàn thực phẩm còn thiếu. Việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa mạnh mẽ. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động. Nhiều chợ tạm, chợ cóc vẫn hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, trong năm 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của các cấp chính quyền, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Thành phố đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn...
Hà Nội cũng tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng để nâng cao ý thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm với tiêu chí “Người dân Hà Nội không sản xuất, phân phối, tiêu thụ thực phẩm không an toàn; tẩy chay, tố giác các cơ sở sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không an toàn”.