Phối hợp chặt chẽ trong trong điều hành và bình ổn thị trường

Theo Phương Lan/baocongthuong.com.vn

Ngày 29/11, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11. Nội dung chính của phiên họp lần này là phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan để điều hành và bình ổn thị trường hàng hóa, đặc biệt là trong dịp cuối năm.

Trong tháng 12, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. Nguồn: Internet
Trong tháng 12, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. Nguồn: Internet

Thị trường, giá cả ổn định

Bà Lê Thị Hồng - Trưởng phòng cung cầu (Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 11, thị trường hàng hóa thiết yếu tiếp tục chịu tác động của một số yếu tố như tình hình chính trị ở Trung Đông, xu hướng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khai thác của OPEC, nguồn cung dầu thô của Mỹ đã tác động khá mạnh khiến giá xăng dầu thế giới sau khi giảm nhẹ ở đầu tháng đã tăng liên tiếp trong nửa cuối tháng. Giá các loại nông sản biến động trái chiều do ảnh hưởng bởi thời tiết và nguồn cung, đơn cử, giá gạo, đường, thức ăn chăn nuôi… tăng; giá cà phê, ca cao giảm. Biến động giá thị trường thế giới cũng khiến giá cả hàng hóa thị trường trong nước có nhiều thay đổi tương ứng.

Bên cạnh đó, thị trường trong nước tháng vừa qua cũng có sự biến động với các nhóm lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng tại một số địa bàn chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12 (các tỉnh miền Trung). Bên cạnh đó, nguồn cung lúa gạo cũng giảm so với năm 2016 do dịch bệnh và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Cộng với tình hình xuất khẩu khả quan nên giá lúa gạo tại một số tỉnh như Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… tăng. Giá xăng dầu tăng cao từ 6 - 9% so với tháng trước do giá thế giới tăng mạnh.

"Với các diễn biến như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 đạt 334.809 tỷ đồng, tăng 1,79% so với tháng 10. Các nhóm có xu hướng tăng cao nhất là may mặc (do thời tiết lạnh); nhóm lưu trú, ăn uống, du lịch (do tác động của Tuần lễ cấp cao APEC). Tính chung, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng đầu năm đạt 3.600.658 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ năm 2016" - bà Lê Thị Hồng cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng (Hiệp hội Thống kê), tháng 11 vừa qua, cơn bão số 12 ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung khiến giá cả các mặt hàng như rau quả, lương thực, sắt thép xây dựng… tăng mạnh, gấp đôi, gấp 3 so với bình thường. Tuy nhiên, do sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng nên nguồn cung và giá cả hàng hóa nhanh chóng ổn định trở lại, không ảnh hưởng nhiều đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI tháng 11 chỉ tăng nhẹ ở mức 0,13% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, CPI tăng 3,61% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn con số Quốc hội cho phép (4%).

Phối hợp ổn định thị trường

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong tháng 12, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm và chịu tác động của các yếu tố giá một số loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng tăng; Thời kỳ giáp vụ của một số mặt hàng nông sản; Thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên, mức độ biến động giá của các mặt hàng nhập khẩu không lớn, tỷ giá ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) phân tích thêm, giá cả nhóm hàng lương thực thực phẩm dự báo sẽ không biến động do vụ việc heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á khiến người tiêu dùng vẫn khá lo ngại với mặt hàng này. Nguồn cung hàng hóa dồi dào. Tết Nguyên đán năm nay cũng đến muộn nên dự kiến, CPI tháng 12 sẽ không tăng cao đột biến. Tính chung cả năm, CPI nhiều khả năng chỉ tăng khoảng 3,5 - 3,6%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị một số giải pháp.

Thứ nhất, mặt hàng gạo dự kiến sẽ giảm 150.000 tấn so với năm 2016. Do đó, Hiệp hội Lương thực phải phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo thương nhân xuất khẩu trong 6 tháng để sẵn sàng can thiệp khi thị trường có biến động thất thường. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa để báo cáo kịp thời Bộ Công Thương khi có biến động bất thường.

Thứ hai, Sở Công Thương, Sở Tài chính các địa phương và các đơn vị liên quan cần thực hiện đúng tinh thần của Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017 về đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý giá nói chung để đảm bảo ổn định giá mặt hàng này.

Thứ ba, các Bộ, ngành địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.