Phối hợp thu thuế đúng với giá chuyển nhượng bất động sản
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chủ động chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành thu thuế đúng với giá chuyển nhượng.
Tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến thuế chuyển nhượng bất động sản tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng.
Về giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.
Bộ trưởng thông tin, thời gian đầu tháng 1/2022, qua kiểm tra 85 nghìn bộ hồ sơ và cho kê khai lại đã tăng thu 222 tỷ đồng tiền thuế. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo Luật Thuế để xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề đấu giá đất, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải siết lại quy định về đấu giá đất để bảo đảm đấu giá một cách chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như về việc xác định năng lực của nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án, nộp tiền sử dụng đất. Thực tế, nhà đầu tư tốt mới có khả năng nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó là cần phải nâng tiền đặt cọc. Theo Bộ trưởng, hiện tại quy định về tiền đặt cọc đang thấp. Tiền đặt cọc phải vào tài khoản do hội đồng đấu giá quản lý, trong trường hợp bỏ cọc thì tiền đặt cọc sẽ mất. Đồng thời, cần phải cam kết thực hiện mục tiêu của việc đấu giá, tránh trường hợp đấu giá đất xong để hàng năm trời không sử dụng, gây ảnh hưởng, lãng phí. Cần phải hài hòa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, trong đó mục tiêu lâu dài là khi đấu giá xong, công trình được hoàn thành thì sẽ thu hút lao động, tạo việc làm, tăng GDP và đóng nộp ngân sách đầy đủ.
Về giá khởi điểm, Bộ trưởng lưu ý, giá khởi điểm của đấu giá đất xác định theo đúng Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Nghị định và Thông tư này cần sửa đổi để xác định giá đất chính xác và nhất quán. Nếu không sửa hai văn bản này thì cán bộ vẫn cứ vi phạm, các đoàn kiểm tra vẫn ra các kết luận khác nhau.
Vấn đề giao đất cũng được Bộ trường đề cập. Theo Bộ trưởng, hiện nay, theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, giao đất cho nhà đầu tư xong mới thu tiền. Nếu nhà đầu tư thu tiền của dân và đưa tiền đó đi đầu tư, trong trường hợp rủi ro, bị thua lỗ thì không thể giải quyết được quyền lợi cho hàng trăm hàng nghìn, thậm chí hàng vạn hộ dân. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây chính là lỗ hổng cần phải được xác định một cách chính xác để "bịt" lại.
Về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, Bộ trưởng cho rằng, Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá, không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất; đất không sử dụng, không đầu tư, nhưng để lâu vẫn lên giá. Đồng thời, kiểm soát các dự án đầu tư phải khả thi, xác định lộ trình dự án để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế. Cùng với đó là tính toán cân bằng cung - cầu của thị trường bất động sản.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng bắt tay ngầm trong đấu giá đất; thổi giá đất để trục lợi cá nhân. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá còn có hiện tượng dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể như: Trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng quân xanh, quân đỏ, đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.