Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay trả lương cho người lao động
Theo Bộ Tài chính, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg đã bỏ quy định "đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” tại điều kiện vay vốn và "bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động” quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay được thuận tiện hơn.
Ngày 01/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nghị quyết đã bám sát thực tiễn, thể hiện tính nhân văn của chính sách với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.
Tuy nhiên, cử tri TP. Hải Phòng phản ánh, quá trình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh còn có vướng mắc.
Cụ thể, đối với các hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh phải có Thông báo đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 thì cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra doanh nghiệp mới ban hành thông báo quyết toán thuế. Thực tế trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan thuế không thể thực hiện kiểm tra hết các doanh nghiệp.
Cử tri kiến nghị xem xét sửa đổi một số nội dung tại Điều 38 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên không cần phải có Thông báo quyết toán thuế tại thời điểm vay vốn để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, ngày 06/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong đó, tại khoản 22, khoản 23 Điều 1 quy định, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg cũng quy định điều kiện vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg; áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Theo đó, người sử dụng lao động trong các trường hợp trên được vay vốn trả lương cho người lao động phải có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp phải tạm dừng hoạt động.
Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, điều kiện được vay vốn là có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo - hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg còn sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 40 về hồ sơ đề nghị vay vốn. Theo đó, hồ sơ có bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
Trường hợp đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì cung cấp thêm bản sao Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Hồ sơ còn có bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng toàn bộ hoặc một phần hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chi thị số 16/CT-TTg; áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Như vậy, điểm b khoản 2 Điều 38 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg đã bỏ quy định "đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” và "bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động” quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, do vậy đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay được thuận tiện hơn.