Phòng, chống rửa tiền – Cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý

Theo Gia Nguyễn/diendandoanhnghiep.vn

Trước sự gia tăng số lượng các vụ án về tội phạm có rủi ro về rửa tiền (11.000 vụ/năm), chuyên gia cho rằng, để phòng, chống cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, số lượng các vụ án về tội phạm có rủi ro về rửa tiền là rất lớn (bình quân trên 11.000 vụ/năm), nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Từ năm 2013 đến 2019, cơ quan tố tụng đã khởi tố gần 10.000 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tỷ lệ thu hồi đến 32,6%, có vụ thu hồi 100% như vụ AVG…

Chưa kể, mỗi ngày Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) đã tiếp nhận, phân tích, xử lý hàng nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ, giao dịch có giá trị lớn, giao dịch có giá trị bất thường, giao dịch chuyển tiền điện tử của đối tượng báo cáo theo quy định Luật Phòng, chống rửa tiền.

Chỉ riêng đối với giao dịch đáng ngờ, từ năm 2013 đến tháng 9/2020, qua phân tích, xử lý trên 10.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ, Cục Phòng, chống rửa tiền đã chuyển 857 vụ việc đến cơ quan điều tra, cơ quan Thanh tra, Thuế, Hải quan để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, truy thu thuế và xử lý vi phạm.

Thực tế, những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện và xử phạt nhiều vụ rửa tiền “khủng” lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó, có những vụ án từng gây xôn xao dư luận như: Vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường; Địa ốc Alibaba; hay vụ “Đánh bạc nghìn tỷ” do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu; Vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines),...

Mới đây nhất, tháng 11 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh đã triệt phá thành công một đường dây rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Băng nhóm tội phạm này do Uzoh Emmanuel (37 tuổi, quốc tịch Nigieria) cầm đầu, cùng với đó là bốn 4 đối tượng: Nguyễn Thị Hạnh (40 tuổi), trú tại Đồng Nai; Phạm Thanh Dũng (36 tuổi), Vũ Thành Trung (36 tuổi), cùng trú tại Tiền Giang; Nguyễn Thị Vinh (40 tuổi), trú tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Uzoh Emmanuel và các đối tượng hiện đang ở nước ngoài đột nhập trái phép vào hệ thống máy tính nội bộ của các doanh nghiệp thu thập các tài liệu, thông tin về hoạt động của họ. Từ những thông tin này, chúng tạo các email có đặc điểm gần giống với email của doanh nghiệp mà chúng đánh cắp được thông tin để soạn thảo nội dung, thông báo đến đối tác của họ yêu cầu chuyển tiền mua hàng vào tài khoản của các Công ty do Trung và Dũng làm Giám đốc.

Với thủ đoạn này, đến cuối tháng 8/2021, chúng đã chiếm đoạt của một doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu 236 ngàn Euro (tương đương 6,1 tỷ đồng), số tiền này được chuyển vào tài khoản một công ty do Dũng làm giám đốc. Trong phi vụ này, Hạnh được hưởng hơn 260 triệu, Vinh và Dũng được chia 366 triệu, số còn lại chúng chuyển cho Uzoh Emanuel để đối tượng này chuyển ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực hải quan, Hải quan Việt Nam cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu rửa tiền với nhiều thủ đoạn như: Cư dân biên giới mang vàng, tiền, ngoại tệ vượt định mức bắt buộc phải khai báo hải quan nhưng không khai báo hoặc khai khống; tiền, tài sản được cất giấu trên người, hành lý ký gửi hoặc hành lý xách tay, phương tiện vận chuyển hoặc cất giấu trong container hàng hóa, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của Hải quan.

Theo ThS. Nguyễn Huy Công - Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), lợi dụng quy định ngân hàng không kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ, khách hàng phải tự chịu trách nhiệm, các đối tượng đã mua hồ sơ hoặc lập hồ sơ thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa khống, làm giả con dấu, chữ ký các công ty bán hàng (thường tại Trung Quốc) để lập khống hợp đồng, các phụ lục hợp đồng, lệnh chuyển tiền.

“Sau khi lập hồ sơ khống, các đối tượng dùng hồ sơ này để mua ngoại tệ của ngân hàng và yêu cầu ngân hàng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài tới các địa chỉ theo yêu cầu để thực hiện hợp đồng khống, thực chất biến việc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài thành chuyển tiền hợp pháp qua ngân hàng”, ông Nguyễn Huy Công cho biết.

Trước thực trạng đã nêu, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội về việc chỉnh sửa, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền.

Các chuyên gia cho rằng, đây là một bước khởi đầu quan trọng nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý trong hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam trong những năm tới.

Theo PGS., TS. Trương Hồ Hải - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để hoàn thiện hành lang pháp lý đấu tranh phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam, cần có sự chỉ đạo của các cơ quan cấp cao như: Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục ban hành và hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động trên không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, tiền ảo; hoàn thiện Luật Quản lý thuế, Luật Kinh doanh bất động sản…

“Đồng thời, cần thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt; bổ sung quy định về nhận quà tặng và nộp lại quà tặng có giá trị lớn; xác minh và xử lý tài sản, thu nhập không minh bạch; phát triển hệ thống tình báo và thanh tra tài chính để xác định, phong tỏa và thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền xuyên quốc gia”, ông Hải chia sẻ.

Để nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng, ông Hải cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ sàng lọc và báo cáo tự động các giao dịch đáng ngờ; áp dụng chế tài xử phạt đối với việc vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân thương mại dính líu đến hoạt động rửa tiền.