Phòng, chống tội phạm tài chính – nhiệm vụ không của riêng ai

Mai Anh

Tội phạm tài chính được coi là một ngành công nghiệp với doanh thu nghìn tỷ USD mỗi năm. Cụm từ tội phạm tài chính không phải là mới mà cái mới là sự tinh tế của tội phạm tài chính và khả năng sử dụng công nghệ để “rửa tiền”. Sự gia tăng tội phạm tài chính công nghệ để đánh bại hệ thống giám sát tài chính và cung cấp các mạng lưới tội phạm quốc tế luôn là bài toán hóc búa đối với cơ quan quản lý.

Ứớc tính thu từ hoạt động ngầm khoảng 2,4 nghìn tỷ USD/năm

Hàng năm, ước tính khoảng 2,4 nghìn tỷ USD thu được từ các hoạt động ngầm thông qua các thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng toàn cầu, trong đó chỉ có khoảng 1% vốn của tội phạm thông qua hệ thống tài chính quốc tế bị đóng băng hoặc tịch thu bởi các cơ quan thực thi pháp luật.

Tội phạm tài chính sử dụng tiền ảo không chỉ bởi đặc tính giải quyết giao dịch nhanh chóng và mức độ ẩn danh cao mà các giao dịch không liên quan đến ngân hàng hoặc các bên trung gian thứ ba cũng như kiểm soát của cơ quan quản lý trong xử lý thanh toán, tiện lợi cho tội phạm toàn cầu.

Hiện nay, tiền ảo chưa được coi là đồng tiền hợp pháp của nhiều quốc gia, do đôi khi bị coi là nguồn tài chính cho khủng bố, rửa tiền và các giao dịch bất hợp pháp. Tội phạm mạng luôn tìm kiếm những lỗ hổng trong các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, việc thiếu định nghĩa chuẩn về tội phạm mạng đã làm hạn chế khả năng hợp tác liên ngành hiệu quả hơn và khiến cho việc xây dựng luật cụ thể về tội phạm mạng trở nên khó khăn hơn.

Tiền ảo mang lại nhiều lợi ích tiềm tàng như tốc độ thực hiện thanh toán và chuyển khoản nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới. Cho tới thời điểm này, theo báo cáo nguồn mở cho thấy tội phạm tài chính tham gia hoạt động rửa tiền quy mô lớn vẫn đang trong giai đoạn “thích nghi” với tiền ảo, dường như chưa sử dụng trên quy mô lớn, bởi chúng chưa thực sự nắm bắt được liệu người dùng có chấp nhận tiền ảo rộng rãi hơn không.

Sử dụng tiền ảo để tài trợ khủng bố - Hình thức mới và đầy rủi ro

Sử dụng tiền ảo để tài trợ khủng bố được coi là hình thức mới và đầy rủi ro, các chuyên gia lo ngại rằng các tiến bộ Blockchain, chẳng hạn như sử dụng “hợp đồng thông minh” có thể cho phép các tổ chức khủng bố tài trợ cho các cuộc tấn công.

Theo các chuyên gia, khi tiền ảo còn ở quy mô nhỏ, rủi ro đối với việc thực hiện chính sách tiền tệ dường như ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong môi trường các công nghệ mới được sử dụng rộng rãi, tần suất các giao dịch xuất hiện không rõ ràng và hoạt động ngoài hệ thống tài chính thông thường, khiến giám sát của cơ quan chức năng trở nên khó khăn thì rủi ro ổn định tài chính xuất hiện. Có nhiều hành vi phạm tội trước đây chỉ kết nối trong thế giới vật chất nhưng trong những năm gần đây đã chuyển vào thế giới ảo do công nghệ ngày càng hiện đại.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng các tiền ảo có thể phát triển như thế nào trong các kiểu hình tội phạm trong thời gian dài hơn. Tiếp cận trên khía cạnh pháp lý cho rằng tiền ảo là vấn đề chủ yếu của tội phạm là thách thức lớn mà cơ quan chức năng phải đối mặt.

Nhận thức rõ vai trò của mình trong cuộc chiến chống tội phạm tài chính, FATF đã xây dựng hướng dẫn về tiền ảo và các khuyến nghị khung chính sách, tiêu chuẩn tài chính trong phòng chống hoạt động phạm tội tài chính trên cơ sở áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro tiền ảo. Hướng dẫn của FATF xem xét các rủi ro về tài chính liên quan đến các sản phẩm và dịch vụ thanh toán tiền ảo.  

Tiền ảo và các công nghệ liên quan cung cấp nền tảng công nghệ giao dịch phi tập trung. Để phòng chống các tội phạm về tài chính, FATF định hướng tiếp cận hài hòa giữa lợi ích của tiền ảo và rủi ro được quản lý một cách tương xứng. Phương thức tiếp cận hài hòa có thể giúp đảm bảo rằng các nỗ lực trong chia sẻ thông tin và phát triển ứng dụng tiền ảo trong các diễn đàn về tội phạm tài chính để hiểu rõ hơn các rủi ro. 

Tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo. Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì xây dựng các quy phạm pháp luật, thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản pháp luật về thuế với loại tiền này. Theo Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung, từ ngày 01/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

NHNN cũng đã có khuyến cáo “các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngoại hối, Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.