Phòng vệ thương mại: Hiểu đúng để bảo vệ quyền và lợi ích cho sản xuất trong nước
Mặc dù phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thiết lập môi trường cạnh tranh.
Phòng vệ thương mại - quy tắc tất yếu khi tham gia FTAs
Tại hội nghị trực tuyến “Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) dành cho các cơ quan báo chí”, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/11/2021, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do kể cả song phương và nhiều bên, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Theo ông Trần Quốc Khánh, số lượng các vụ việc PVTM trong những năm gần đây của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng (giai đoạn 2005 – 2010 mới có 25 vụ việc thì đến giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ, giai đoạn từ 2016 đến tháng 9/2021 là 109 vụ). Lý do chính của việc gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng rất nhanh trong thời gian qua nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Báo chí song hành cùng doanh nghiệp
Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết thực thi hàng chục FTA, nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ở nước ta vẫn còn thụ động trước các biện pháp phòng vệ thương mại, dẫn đến chịu thiệt hại xảy ra khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc khi bị nước ngoài điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí trên cơ sở tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến kiến thức liên quan đến phòng vệ thương mại nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Trần Quốc Khánh khẳng định, PVTM tiếp tục có tác động lên nhiều mặt, lâu dài lên nhiều ngành, nghề sản xuất cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung. Các biện pháp PVTM có thể xuất hiện ở cả chiều xuất khẩu và chiều nhập khẩu nên cũng không ngạc nhiên khi thời gian vừa qua, PVTM thu hút được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan báo chí và doanh nghiệp. Nắm bắt xu thế này, Bộ Công thương đã có nhiều hoạt động cung cấp thông tin về PVTM cho các cơ quan báo chí, vì đây là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, là kênh thông tin rất hiệu quả để tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nói chung và PVTM nói riêng.
Theo đó, để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về các biện pháp PVTM thì vai trò của cơ quan báo chí là rất quan trọng.
Nâng cao vai trò của báo chí trong phổ biến phòng vệ thương mại
Tại hội nghị, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, trong thời gian qua, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp thông tin, sự hiểu biết về PVTM cho doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời. Đặc biệt, thông tin để doanh nghiệp nắm được khi có những vụ việc xảy ra thì cần liên hệ cơ quan chức năng nào để có hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý và cơ quan báo chí chưa thực sự hiểu rõ về PVTM, do đó công tác tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hiểu đúng, đủ về công cụ quan trọng này để đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững.
Do đó, ông Phan Xuân Thủy đề nghị cơ quan báo chí cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình tuyên truyền, thông tin về PVTM đúng định hướng tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”.
Ông Phan Xuân Thủy đề nghị Bộ Công thương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có nhiều thông tin chính xác, đầy đủ để phản ánh kịp thời những chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực PVTM.
Đồng thời, Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tài liệu, văn bản, ấn phẩm, đề cương hướng dẫn thông tin, tuyên truyền; biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin cơ bản, chuyên sâu, chính xác và có tính hệ thống về PVTM cho các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên để giúp các cơ quan báo chí tổ chức, triển khai thông tin, tuyên truyền các biện pháp PVTM, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp
Bộ Công thương đang đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phát triển công nghiệp sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng – địa phương; đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay theo định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Dự thảo đề xuất các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp như sau: Phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến, kết nối thị trường.
Ngoài ra, dự thảo Luật Phát triển công nghiệp cũng đề xuất chính sách “Quy định về quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp”.
Dự thảo luật quy định rõ phân cấp thẩm quyền trong quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, trong đó kèm theo các điều kiện về công nghệ, nghiên cứu và phát triển; nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của dự án; nâng cao giá trị sản xuất trong nước và đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ cao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ… Dự thảo luật cũng quy định về tác động bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển công nghiệp, từ đó kéo theo việc phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm hoàn chỉnh.