Phú Yên và Khánh Hòa liên kết vùng, tạo động lực cùng nhau phát triển

Theo Nguyễn Tri/nhadautu.vn

Để tạo động lực phát triển cho hai địa phương, Phú Yên và Khánh Hòa đã "bắt tay" đẩy mạnh liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Ngoài việc giúp khu vực này bứt phá, đây còn là động lực để phát triển cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

KKT Vân Phong đãthu hút được 155 dự án đầu với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD. Ảnh: Tri Thung
KKT Vân Phong đãthu hút được 155 dự án đầu với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD. Ảnh: Tri Thung

Kết nối vùng kinh tế trọng điểm

Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa thuộc vùng kinh tế trọng điểm của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trong đó, Bắc Khánh Hòa có Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, còn Nam Phú Yên có KKT Nam Phú Yên, đây được coi là động lực phát triển cho hai địa phương.

Chính quyền hai tỉnh đã dành mọi tiềm lực để phát triển khu vực này. Không chỉ vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng và cũng chỉ đạo các Bộ, ngành quan tâm, tạo cơ chế cho Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa ngày càng phát triển.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, đến thời điểm hiện tại, KKT đã thu hút được 155 dự án đầu tư (125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD. Trong đó, Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, công suất 1.320MW là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại KKT này. Hiện, dự án này đã giải ngân được 65%.

Ngoài ra, có 98 dự án đã đi vào hoạt động, một số dự án có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nổi bật là Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Hiện, có khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại đây.

Hằng năm, nhà máy đóng góp cho ngân sách của tỉnh hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt, đóng góp khoảng 40% trong tổng tỷ trọng xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, có một số dự án ở khu vực lân cận như: Kho xăng dầu ngoại quan của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các dự án trạm phân phối xi măng, các dự án thứ cấp trong Khu công nghiệp Suối Dầu… hiện cũng đã đi vào hoạt động.

Tại Phú Yên, hiện, trên địa bàn tỉnh có 5 Khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, gồm KCN Hòa Hiệp 1, KCN Hòa Hiệp 2, KCN An Phú, KCN Đông Bắc Sông Cầu 1, KCN Đông Bắc Sông Cầu 2. Lũy kế, tại KKT Nam Phú và các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 117 dự án đầu tư (trong đó có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với diện tích đất đăng ký 449,78ha, vốn đầu tư đăng ký hơn 10.589 tỷ đồng và 35,78 triệu USD.

Để tạo động lực phát triển cho Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Theo đó, có 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển trong cả nước, trong đó có phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hoà - Ninh Thuận) với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất các nội dung liên quan đến điều phối, liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vào quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng kinh tế - xã hội Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh Đề án và phê duyệt theo quy định, nhằm triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến thẩm quyền của địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên kết để tận dụng tối đa tiềm năng

Theo Ban Quản lý KKT tỉnh Phú Yên, cơ sở hạ tầng giao thông trong KKT Nam Phú Yên là một thế mạnh bản lề của KKT này. Theo đó, KKT có cơ sở hạ tầng kĩ thuật quan trọng như: Cảng hàng không, đường cao tốc Quốc gia, hầm Đèo Cả, đường sắt Bắc Nam, cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc, tuyến đường hành lang kinh tế ven biển... liên kết KKT Nam Phú Yên với các vùng kinh tế cả nước và quốc tế.

Đặc biệt là mối quan hệ trực tiếp với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ qua hệ thống quốc lộ 1A, đường sắt Quốc gia. Ngoài ra, KKT này còn kết nối với các tỉnh thuộc Tây Nguyên qua quốc lộ 25 nối với Gia Lai, quốc lộ 29 nối với Đắk Lắk.

Bên cạnh hệ thống đường bộ, đường sắt quốc gia, KKT Nam Phú Yên còn có sân bay Tuy Hoà. Khu vực Nam Phú Yên (KKT Nam Phú Yên) sẽ nối kết với Bắc Khánh Hòa (KKT Vân Phong), hỗ trợ cho nhau trên cơ sở hình thành cụm cảng Vân Phong - Vũng Rô, đây chính là một trong những khu vực cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên.

Ban Quản lý KKT đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung về xúc tiến đầu tư. Theo đó, tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là về kinh tế biển với phương châm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của KKT Nam Phú Yên và các KCN; khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực kinh tế, các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt cho môi trường đầu tư…

Đồng thời, Ban Quản lý KKT cũng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch lớn đã và đang nghiên cứu đầu tư trong KKT Nam Phú Yên như: Khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vũng Rô; Khu đô thị dịch vụ ven biển; Khu công viên chuyên đề kết hợp thương mại - dịch vụ nghỉ dưỡng; Khu du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ…

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Ban quản lý KKT tỉnh Phú Yên cho hay, hiện trên địa bàn KKT tỉnh đang có một số nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án đầu tư như: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN công nghệ cao Phú Yên đang được Công ty CP tập đoàn N&G đề xuất dự án đầu tư với diện tích khoảng 251,6ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.158 tỷ đồng; Dự án Cảng biển Bãi Gốc và Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Tâm đang được Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu đề xuất đầu tư với tổng diện tích khoảng 1.300ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị dịch vụ ven biển thuộc KKT Nam Phú Yên do Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland đề xuất dự án đầu tư với diện tích khoảng 284,3ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 37.606 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong KKT Nam Phú Yên còn có các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn đang tìm hiểu đầu tư như: Tập đoàn Hưng Thịnh, Geleximco, Công ty CP Tập đoàn Kiến Á…

"Trong thời gian tới, UBND tỉnh và Ban Quản lý KKT tập trung xây dựng và phát triển KKT Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, kết hợp với KKT Vân Phong tạo thành Vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn, sức hấp dẫn cao, là động lực thu hút đầu tư của tỉnh", ông Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.