Phục hồi nền kinh tế kéo thị trường bất động sản trở lại
“Nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh, do đó cần sự ưu tiên về chính sách. Làm thế nào cho nền kinh tế vận hành trơn tru thì càng tốt. Bởi, đây là điều kiện tiên quyết giúp cho bất động sản trở lại đà tăng trưởng.”, PGS.TS Trần Đình Thiên thông tin.
Kéo thị trường bất động sản trở lại
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới" của VnExpress tổ chức chiều ngày 6/10, PGS. TS Trần Đình Thiên nói ngắn gọn về bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam trong năm qua với 4 ý chính.
Đầu tiên, bất động sản thường có xu hướng phát triển trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Hiện nay cả nước vẫn chưa thoát khỏi khó khăn bởi các chỉ số tăng trưởng âm. Do đó, những biện pháp giúp hàng hóa, tiền tệ lưu thông cần nhiều thời gian để phục hồi nhưng khá rõ nét.
Thứ hai, thị trường bất động sản thế giới đang có sự phục hồi nhanh, có thể yếu tố giúp cho bất động sản trong nước đi lên. Thứ ba, số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Không chỉ các nhà phát triển chọn thời điểm tung hàng cuối năm mà người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền.
Cuối cùng, nền kinh tế chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh, sẽ cần sự ưu tiên chính sách. “Làm sao cho nền kinh tế vận hành trơn tru thì càng tốt. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cho bất động sản trở lại đà tăng trưởng.”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, quý III, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử với vô vàn khó khăn do dịch COVID-19. Nhưng, ông đánh giá vẫn có những điểm tích cực.
Đầu tiên, về yếu tố dịch bệnh, thời gian đầu tiêm chủng chậm, 40 ngày trở lại đây rất nhanh, đây là điều kiện quan trọng để quay lại trạng thái bình thường. Thứ hai, chiến lược chống dịch thay đổi, là tiền đề quan trọng. Tiếp đến, kinh tế thế giới phục hồi, dù có khó khăn, năm nay tăng tưởng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng dương.
“Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là 6% trở lên và đầu tư bất động sản vẫn còn nhiều kỳ vọng. 2 năm qua, bất động sản ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam vẫn là điểm sáng, thanh khoản tốt. Xét về góc độ người tiêu dùng lại khó khăn vì giá tăng. Điều này phản ánh dịch chuyển về lối sống, sống xanh, sống tốt, vui vẻ, ăn toàn, kéo theo xu thế dịch chuyển bất động sản", chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Về góc độ đầu tư, vị chuyên gia đánh giá giai đoạn vừa qua, việc giải ngân đầu tư công còn chậm. Do đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo rõ ràng về giải ngân đầu tư công và quy hoạch rõ về hạ tầng. Các quy hoạch sẽ trở thành hiện thực, trong đó có sân bay Long Thành, hạ tầng hoàn thiện kéo theo phát triển kinh tế.
“Trước đây các vấn đề về pháp lý, đất đai, luật kinh doanh bất động sản có thể gặp nhiều vướng mắc nhưng hiện nay đã có cải thiện để dự án triển khai nhanh hơn. Chúng ta kỳ vọng có những sức bật trong tương lai", vị chuyên gia này chia sẻ.
Vẫn có hàng vạn giao dịch
Cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, ông cùng các cộng sự thường xuyên bám sát tình hình thị trường, từ khi bắt đầu xuất hiện COVID-19 đến nay.
Từ đợt dịch đầu tiên, ông cũng cảm thấy hoang mang, lo sợ cho thị trường bất động sản. Từ quý I, tỷ lệ giao dịch đã chạm mức thấp nhất kể từ khủng hoảng năm 2013, tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng, sau khi xem xét, đánh giá kỹ lưỡng cùng với tổ nghiên cứu để theo dõi thật chặt, đến cuối năm 2020, ông khẳng định thị trường bất động sản không vướng phải khủng hoảng.
Nhìn chung, ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm. Trong 2 năm xuất hiện COVID-19, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, nhiều nhà đầu tư lấn sân vào bất động sản. Tuy nhiên, nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công...
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong quý III cho thấy, ở 12 điểm cầu vẫn có hàng vạn giao dịch ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra ở một số khu vực. Tuy vậy, nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm bởi đây là đối tượng cần đi trước.
Vì vậy, ông Đính khẳng định, bất động sản có bị tác động tiêu cực đến "sức khỏe" nhưng thị trường này vẫn có sức sống ngay trong bối cảnh dịch bệnh.