PMI Việt Nam tăng, tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp tăng tốc
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất Việt Nam đã tăng lên 51,2 điểm trong tháng 10, theo đó tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm.
PMI vượt trên 51 điểm
Theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 51,2 điểm trong tháng 10, vượt lên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng 9/2024. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã mạnh lên suốt 6/7 tháng qua.
Tháng 9 vừa qua, cơn bão Yagi đã ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng. PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống từ 52,4 của tháng 8 xuống 47,3 điểm trong tháng 9.
Nhưng sang tháng 10, ngành sản xuất Việt Nam đã bắt đầu phục hồi với sản lượng và đơn hàng mới tăng trở lại cả về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, tốc độ tăng của từng chỉ số này là chậm hơn so với những tháng trước tháng 9 khi một số công ty tiếp tục gặp phải tình trạng gián đoạn sau bão.
Mặc dù đơn hàng xuất khẩu tăng nhẹ, nhu cầu quốc tế lại có dấu hiệu giảm, các nhà sản xuất đã tận dụng hàng tồn kho để đáp ứng đơn hàng, dẫn đến việc giảm lượng hàng tồn kho thành phẩm. Thị trường lao động lại có dấu hiệu chững lại khi một số công ty tiến hành cắt giảm nhân sự.
Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng sản xuất nhưng tốc độ giảm của hàng tồn kho đã chậm lại so với quý trước. Bên cạnh đó, do giá nguyên vật liệu, nhiên liệu và dịch vụ vận tải tăng cao, các doanh nghiệp đã phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí.
Dẫu vậy, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10 khi tình trạng gián đoạn do bão tiếp tục ảnh hưởng đến khâu vận tải. Tuy nhiên, thời gian giao hàng bị kéo dài với mức độ nhẹ hơn so với tháng 9.
Hoạt động mua hàng đã tăng trở lại trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng và sản lượng dự kiến cũng tăng trong những tháng tới.
Theo S&P Global, mặc dù doanh số tăng và kế hoạch mở rộng kinh doanh mang lại kỳ vọng tích cực về sản xuất trong năm tới, tuy nhiên sự không chắc chắn về tình hình chính trị toàn cầu, đặc biệt là cuộc bầu cử Mỹ, đã khiến niềm tin kinh doanh giảm sút.
Ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - nhận định: “Dữ liệu tháng 10 cho thấy sự phục hồi nhờ vào số lượng đơn đặt hàng mới tăng và doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, một số công ty vẫn đang chịu ảnh hưởng của cơn bão, từ đó tốc độ tăng trưởng bị hạn chế".
Thêm giải pháp “tiếp sức” hiệu quả cho những tháng cuối năm
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.
Để kích cầu tiêu dùng, theo ông Trần Quốc Hùng, nguyên Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF), cần có biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó kích cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần cắt giảm các thuế trực thu và gián thu cũng như phí công cộng để tăng sức mua của hộ gia đình, tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm, để sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể đối với các ngành hàng chế biến, chế tạo, bài toán đau đầu nhất là giảm tỷ lệ phế phẩm và tăng tỷ lệ thành phẩm, nghĩa là giảm được các chi phí tái chế, tái sản xuất, cũng như giảm tỷ lệ lãng phí trong quá trình sản xuất. Giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất.
Đi vào giải pháp cụ thể, về phía Bộ công Thương cũng nêu giải pháp, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời Bộ đẩy mạnh tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.
Về phía Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử...