Động viên, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn
Qua 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng, động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp của quốc gia, vùng, tỉnh. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu ngành kinh tế
Thời gian qua, các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn. Hoạt động này đã góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu ngành kinh tế, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020.
Hoạt động khuyến công còn giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ Trung ương tới địa phương thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện. Chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương từng giai đoạn được ban hành kịp thời giúp định hướng các hoạt động khuyến công phù hợp với kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên phạm vi quốc gia, vùng, địa phương.
Đặc biệt, nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công ngày càng tăng. Theo Bộ Công Thương, ngân sách cho khuyến công đã tăng từ 188 tỷ đồng năm 2013, đến trên 323 tỷ đồng năm 2022. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn 2013-2022 là 15 %/năm, phát huy hiệu quả vai trò vốn mồi của Nhà nước và thu hút được 10.500 tỷ đồng vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia để phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công thời gian qua còn có một số mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Nghị định số 45/2012/NĐ-CP quy định đa dạng các nội dung hoạt động khuyến công, phù hợp với nhu cầu cần hỗ trợ của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, chưa có sự đồng bộ trong các văn bản quy phạm, nhiều nội dung hoạt động khuyến công không được quy định nội dung chi và định mức chi do vậy có nhiều nội dung không được triển khai.
Tại một số địa phương, đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện nhiệm vụ khuyến công còn thiếu kinh nghiệm; cán bộ khuyến công cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm và cấp xã được chưa hình thành dẫn đến việc khai thác, triển khai các đề án khuyến công còn khó khăn...
Đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, công tác khuyến công phải được đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.
Theo đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách về khuyến công phù hợp với tình hình mới nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn thực chất, hiệu quả, bền vững. Việc hoàn thiện trên cơ sở kế thừa có chọn lọc thành tựu đạt được trong giai đoạn trước; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các Nghị quyết của Chính phủ, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và dựa trên kinh nghiệm về phát triển công nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, cần tăng cường chính sách hỗ trợ đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp tại khu vực nông thôn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới có hiệu quả; chuyển từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển công nghiệp xanh; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm nhằm khai thác hợp lý và giảm tổn thất tài nguyên trong công nghiệp; bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Định hướng hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương. Tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc tiên tiến; hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia.
Cùng với đó, hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp nông thôn. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn. Hỗ trợ có hiệu quả công nghiệp chế tạo, chế biến; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật tư và máy nông nghiệp; sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Hoạt động khuyến công tập trung đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ phù hợp với nhu cầu thị trường. Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các địa bàn huyện nghèo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới trong chính sách khuyến công. Cùng với đó là đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Bên cạnh các nội dung trên, thông qua khuyến công, cần tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển các thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng....