PPP với vịnh Hạ Long - Nên hay không?
(Tài chính) Mới đây, Tập đoàn Bitexco đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh Đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long trong 50 năm. Bitexco đưa ra “viễn cảnh tươi sáng”: Doanh thu du lịch từ vịnh Hạ Long sẽ đạt ngưỡng 5 tỷ USD thay vì 10 triệu USD hiện tại và vịnh Hạ Long sẽ trở thành thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế, điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á.
Ngay sau Bitexco, Tập đoàn Tuần Châu - doanh nghiệp “trong nhà” của Quảng Ninh - đã đề nghị được tham gia đấu thầu quyền quản lý, khai thác vịnh Hạ Long.
Dù tất cả mới chỉ ở dạng “ý tưởng” song câu chuyện vịnh Hạ Long thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi việc giao một di sản thiên nhiên thế giới cho doanh nghiệp tư nhân khai thác, kinh doanh- mô hình mới cả về hợp tác công tư (PPP) lẫn nhượng quyền thương hiệu- chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Và, hình như các nhà quản lý bị bất ngờ và đang lúng túng?
Lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ nói chung chung rằng, chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là thực hiện hình thức hợp tác công tư, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác vịnh Hạ Long và Bái Tử Long...
Tầm cao hơn, có nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ, người lo lắng việc giao tư nhân quản lý một di sản thiên nhiên thế giới có thể gây ra hệ quả khôn lường, nhà nước mất quyền kiểm soát...
“Sàng lọc” trong những ý kiến đó, quan điểm cá nhân của “tư lệnh” ngành du lịch rất đáng chú ý: Nên tách bạch chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ bởi đó là hai việc khác nhau. Những gì thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước thì không giao cho doanh nghiệp. Còn việc tổ chức hoạt động kinh doanh, dịch vụ nên giao cho tư nhân theo nguyên tắc ai làm tốt hơn thì tạo điều kiện. Tuy nhiên phải quản lý, giám sát, không được làm lu mờ vai trò quản lý nhà nước.
Thực tế, dù là khu du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam nhưng vịnh Hạ Long đóng góp rất ít vào ngân sách của tỉnh Quảng Ninh. Việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác “mỏ vàng” này được đặt ra bức thiết. Tuy nhiên, tìm mô hình nào thực thi có hiệu quả lại là điều hết sức khó khăn.
Để có một mô hình PPP đúng nghĩa, hiệu quả đối với vịnh Hạ Long, cần dỡ bỏ một rào cản: Nhà nước làm thay nhiệm vụ của doanh nghiệp. Đó chính là thay đổi tư duy, quan điểm, nên sẽ đụng chạm đến những lợi ích, thói quen, suy nghĩ của nhiều người. Nhưng, nếu không có doanh nghiệp tiên phong, không có nhà quản lý dũng cảm thay đổi tư duy, thì làm gì có đổi mới?
Di sản thiên nhiên tồn tại vĩnh cửu, chỉ có con người luôn phải thay đổi tư duy. Câu chuyện vịnh Hạ Long là một ví dụ.