Quá trình phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều trở ngại

PV.

2 tháng đầu năm 2016, tình hình các nền kinh tế trên thế giới gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cùng với tình trạng giá dầu và giá cả hàng hóa giảm mạnh là những yếu tố cản trở sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng kinh tế gặp khó

Trong Báo cáo về Tình hình kinh tế tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2016.

Một trong những nền kinh tế chủ chốt là Mỹ tuy đã dần hồi phục nhưng chưa thực sự vững chắc. Quý 4/2015, GDP của Mỹ chỉ tăng 1,8%, thấp hơn quý trước đó. Chỉ số PMI tháng 2 giảm còn 51 điểm so với mức 52,8 điểm trong tháng trước nhưng vẫn đang duy trì được mức ngưỡng trên 50 điểm. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng đầu năm 2016 đã giảm xuống còn 4,9%, lạm phát tăng 1,4%. Đây có thể là tín hiệu hỗ trợ cho việc tăng lãi suất trong thời gian tới. Thâm hụt ngân sách 4 tháng đầu năm tài khóa 2016 đạt 165 tỷ USD, giảm 29 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân do thuế thu nhập cá nhân và một số khoản thu khác khả quan giúp tổng thu ngân sách tăng 3% so với cùng kỳ trong khi chi ngân sách ổn định.

Khu vực Châu Á, nền kinh tế Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng kinh tế nước này giảm 0,4% trong quý 4/2015 do chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu giảm mạnh. Trong quý 4/2015, tiêu dùng tư nhân vốn chiếm tới 60% GDP đã giảm 0,8% - mức giảm sâu hơn so với mức dự đoán 0,6% trước đó của thị trường và giảm mạnh so với mức tăng 0,4% của quý trước đó; kim ngạch xuất khẩu giảm 0,9% sau khi tăng 2,6% của quý trước.

Trong khi đó, nền kinh tế đang gây nhiều quan ngại hiện nay là Trung Quốc khi tăng trưởng kinh tế quý 4/2015 chỉ đạt 6,8%. Mặc dù chỉ số CPI trong tháng 1/2016 tăng 1,8% (mức cao nhất trong 5 tháng qua) nhưng chỉ số sản xuất lại giảm 5,3%, là tháng giảm thứ 47 liên tiếp do giá dầu lao dốc và nhu cầu còn chưa hồi phục. Chỉ số PMI tháng 1 ở mức 48,4 điểm mặc dù cao hơn mức 48,2 điểm của tháng trước đó nhưng vẫn đang ở dưới mức ngưỡng 50 điểm cho thấy sự khó khăn vẫn còn hiện hữu với nền kinh tế nước này. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại cùng việc thực hiện chính sách giảm thuế, tăng đầu tư công, chi tiêu quốc phòng, dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2016 của Trung Quốc là 3% GDP, cao hơn so với mức 2,3% GDP năm 2015.

Ảnh hưởng của giá hàng hóa giảm mạnh

Trong 2 tháng đầu năm 2016, giá dầu tiếp tục giảm 15,7% với mức giá thấp nhất là 26,21 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 11/2, khiến nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây áp lực đến cân đối ngân sách các nước xuất khẩu dầu. Trong năm 2016, giá dầu vẫn chưa thế phục hồi mạnh mẽ khi các nước xuất khẩu dầu lửa vẫn tiếp tục gia tăng mức sản lượng. Các tổ chức quốc tế lớn vẫn đưa ra mức dự báo giá dầu trung bình dưới 40 USD/thùng. EIA (37,6 USD/thùng); WB (37 USD/thùng), Credit suisse (37 USD/thùng). Giá hàng hóa cơ bản trong tháng 1/2016 giảm mạnh, giá năng lượng giảm 15,5% so với tháng trước; giá các mặt hàng nông nghiệp giảm 2,2%; giá thực phẩm giảm 1,1%; nguyên liệu thô giảm 1,9%; kim loại giảm 2,1%.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, giá dầu giảm mạnh thời gian qua cộng thêm tình trạng giá hàng hóa trên thế giới cơ bản vẫn tiếp tục xu hướng giảm sâu là những yếu tố đang gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới. Những yếu tố này cxng sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là FED. Cơ quan này vẫn chưa có những tuyên bố chính thức về việc liệu nước này có thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2016 hay không. Tuy nhiên, sự sụt giảm trên thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, cũng như việc thị trường chứng khoán vẫn chưa lấy lại được đà tăng điểm đang là những rào cản lớn đối với FED trong lần ra quyết định này.

Trong khi đó, chính sách “Lãi suất âm” đã được nhiều NHTW áp dụng như: Nhật Bản, ECB, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch hoặc có kế hoạch áp dụng như: Canada, Nauy, Isarel, Anh với mục đích khuyến khích các ngân hàng tăng lượng cho vay. Chính sách này tuy được đánh giá là sẽ không mang lại quá nhiều hậu quả xấu cho nền kinh tế, nhưng sẽ không thực sự hiệu quả hoặc thậm chí là bị vô hiệu hóa nếu niềm tin vào thị trường và nền kinh tế toàn cầu chưa được phục hồi, dẫn đến tín dụng sẽ không tăng như kì vọng.