Quan hệ Mỹ - Trung chưa yên
Năm 2019 chứng kiến hai ông lớn Mỹ - Trung Quốc bước vào cuộc chiến thương mại khốc liệt và chỉ tạm yên hồi đầu năm nay với việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn I. Tuy nhiên, dường như dịch Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới đang kích hoạt một cuộc chiến đổ lỗi mới giữa Washington và Bắc Kinh.
Tranh cãi về “quốc tịch” của virus
Khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới và nhiều chính phủ tỏ ra lúng túng trong công tác đối phó, thì trò chơi “đổ lỗi” đang nóng lên. Theo CNN, cuối ngày đầu tuần vừa rồi, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố, chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp “bị ảnh hưởng đặc biệt bởi virus Trung Quốc”, lặp lại những bình luận trước đây của các nghị sĩ Cộng hòa khi gán nguyên nhân làm bùng phát Covid-19 sang phía Trung Quốc, nơi xác định ca nhiễm virus Corona chủng mới đầu tiên. Động thái của người đứng đầu Nhà Trắng thực sự rất đáng nói, bởi trước đây ông chỉ đề cập từ “virus nước ngoài” trong các bài phát biểu của mình. Chính vì vậy, hành động đó bị nhiều nơi, đặc biệt là Bắc Kinh, xem là nỗ lực miệt thị và đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch cho chính mình lẫn thế giới.
Thực tế, theo số liệu hôm đầu tuần, số ca nhiễm virus SARS-Cov-2 bên ngoài Trung Quốc đã vượt quá số người nhiễm ở đây. Các nước châu Á thậm chí còn sợ rằng, đại dịch có thể dội ngược lại châu lục từ những trường hợp đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Hầu như tất cả ca nhiễm mới ở Trung Quốc trong tuần này đều từ bên ngoài vào. Hong Kong hôm thứ Ba đã phải tuyên bố cách ly hoàn toàn những ai vào đặc khu từ nước ngoài.
Hàng triệu người trên khắp Trung Quốc đã vô cùng nỗ lực để ngăn chặn Covid-19 khi dịch bắt đầu, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nơi khen ngợi. Tuy nhiên, có một sự thật cay đắng là họ vẫn bị đổ lỗi, khiến các quan chức Trung Quốc vô cùng phẫn nộ. Sự giận dữ đó đã thúc đẩy các thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus SARS-Cov-2. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đặt câu hỏi trong một dòng trạng thái bằng tiếng Anh trên Twitter rằng: “Bệnh nhân số 0 xuất hiện ở Mỹ lúc nào? Có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Công khai dữ liệu! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích!”. Bình luận trên được đưa ra sau khi ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh quốc gia (CDC) thừa nhận một số bệnh nhân chết vì cúm mùa ở Mỹ có thể liên quan đến Covid-19.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng bảo vệ việc dùng từ “virus Trung Quốc” để chỉ Covid-19 là vì đất nước gấu trúc đã đổ lỗi sự lây lan của dịch bệnh cho quân đội Mỹ - một thông tin hoàn toàn sai lệch. Hơn nữa, ông còn lập luận, virus Corona “đã tới từ Trung Quốc, vì vậy đây là thuật ngữ đúng”.
Các nhà quan sát nhận định, việc hai cường quốc “nói qua, nói lại” về nguồn gốc của virus SARS-Cov-2 có thể khiến Trung Quốc khỏi bị đổ lỗi nhiều hơn trong quá trình xử lý chậm trễ sự bùng phát Covid-19 lúc đầu, trong khi Mỹ tránh bị chỉ trích mạnh trong nước vì kiểm soát dịch kém, cũng như giảm bớt phản ứng dữ dội nếu xảy ra suy thoái kinh tế vì Covid-19.
Hậu quả của kỳ thị
Việc Tổng thống Mỹ tiếp tục đổ lỗi cho Trung Quốc qua phát biểu “virus Trung Quốc” có thể khiến nhiều người Mỹ phải đối mặt với những rủi ro. Thực tế, người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Hoa, đã phải đối phó với sự gia tăng kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử vì virus Corona, bao gồm các cuộc tấn công và xúc phạm công khai. Sự cố tương tự cũng đã xảy ra ở một số vùng của châu Âu.
Trong khi đó, bất cứ virus nào cũng không có quốc tịch. Bản thân WHO đã tránh việc gọi các mầm bệnh mới theo tên khu vực hoặc quốc gia vì lý do này. Bởi việc lựa chọn đặt tên trước đó - như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã dẫn đến “sự kỳ thị các cộng đồng nhất định”. Đối với SARS-Cov-2 hiện nay, dù nó có thể xuất phát đầu tiên ở Vũ Hán, nhưng Trung Quốc đang trên đà chiến thắng virus này trong khi tâm dịch mới chuyển sang châu Âu.
Phản ứng trước phát biểu của Tổng thống, nghị sĩ Ted Lieu, người Mỹ gốc Đài Loan, cảnh báo: “Người Mỹ gốc Á có thể sẽ gặp phải sự phân biệt đối xử nhiều hơn vì tweet của ông ấy”. Ông nói thêm: “Covid-19 đang gây ra bởi virus của Mỹ, virus của Italy, virus của Tây Ban Nha… Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng, vì vậy tất cả nên cùng nhau làm việc”. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York Bill DeBlasio chỉ trích: “Cộng đồng người Mỹ gốc Á của chúng ta - những người mà ông Trump đang phục vụ - đã và đang phải chịu đựng. Họ không cần ông phải bơm thêm dầu vào lửa”. Nhiều người cũng mạnh mẽ phản đối rằng, hành động của Tổng thống sẽ càng khiến cuộc chiến đổ lỗi nặng nề thêm, làm tăng phân biệt và hận thù đối với người châu Á không chỉ ở nước Mỹ mà cả trên thế giới. Thậm chí, có người còn cho biết, họ cần nhà lãnh đạo có khả năng đoàn kết đất nước và thế giới, chứ không phải gây chia rẽ thêm.
Hiệp hội Nhà báo người Mỹ gốc Á nhiều lần kêu gọi các phương tiện truyền thông cẩn thận trong cách viết và đề cập về Covid-19 để tránh gây ra chứng bài ngoại và phân biệt chủng tộc đã xuất hiện kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng có vẻ như điều đó ít ảnh hưởng đến cách thức mà Tổng thống Mỹ và nhiều quan chức nước này bình luận về nó trên mạng xã hội.
Trên trang web chính thức của Nhà Trắng đang có kiến nghị yêu cầu ông Trump xin lỗi vì cách dùng từ của mình. Kiến nghị cho biết: “Tổng thống Trump nợ tất cả người Trung Quốc một lời xin lỗi, vì đã gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc”, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn gốc của Covid-19 còn chưa được khoa học làm rõ. Những dòng tweet của ông ấy không chỉ coi thường khoa học, mà còn khiến người Trung Quốc bị kỳ thị và phân biệt chủng tộc”. Theo luật, Nhà Trắng sẽ phải hồi đáp khi kiến nghị trên thu thập được ít nhất 100.000 chữ ký.