Quan hệ vốn đầu tư công trong nông nghiệp, giao thông, công nghệ thông tin truyền thông với tăng trưởng kinh tế tại Tiền Giang


Bài viết nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa vốn đầu tư công trong nông nghiệp, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông với tăng trưởng kinh tế tỉnh Tiền Giang.

Sử dụng dữ liệu thứ cấp, gồm chuỗi dữ liệu từ năm 1998-2018 thu thập từ Niên giám thống kê tỉnh Tiền Giang, Sở Kế hoạch - Đầu tư Tiền Giang, bằng việc sử dụng mô hình Var và phần mềm xử lý dữ liệu Eview 8.1, kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ giữa vốn đầu tư công trong công nghệ thông tin truyền thông, nông nghiệp đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tiền Giang. Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy vào tăng trưởng kinh tế tại Tiền Giang.

Giới thiệu

Trong 21 năm (từ 1998-2018), tỉnh Tiền Giang đã theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước với tỷ lệ vốn đầu tư công (ĐTC) ở mức 66,98%.

Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa vốn ĐTC trong nông nghiệp, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTTTT) đến tăng trưởng kinh tế tại Tiền Giang. Tác giả lựa chọn 3 nguồn vốn ĐTC dành cho ngành Nông nghiệp, Giao thông, CNTTTT để nghiên cứu, vì những ngành này đóng góp lớn nhất cho GDRP của tỉnh Tiền Giang.

Qua khảo sát các nghiên cứu trước đây cho thấy, ở các nước đều có bằng chứng cho rằng, ĐTC có tác động đến tăng trưởng kinh tế Ibrahim và Alagidede (2017), Siddique và ctg (2017), Sapkota và Bastola (2017) Bakari và Ahmadi (2018), Sepehrdoust (2018), Golitsis và ctg (2018)... Đa số các nghiên cứu trên cho thấy, ĐTC tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ĐTC cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Tại Việt Nam, một số công bố nghiên cứu định lượng về tác động của ĐTC lên tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Tô Trung Thành (2011) sử dụng mô hình vector hiệu chỉnh sai số VECM để ước lượng các hàm phản ứng với các biến đầu tư khu vực nhà nước, đầu tư tư nhân và GDP. Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư và Lê Hoàng Phong (2014) nghiên cứu về tác động ĐTC với tăng trưởng kinh tế đã sử dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL). Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu tại Việt Nam đều sử dụng số liệu quốc gia để nghiên cứu, chưa nghiên cứu chuyên sâu ở góc độ vi mô về ĐTC tại một tỉnh, thành cụ thể, chưa nghiên cứu quy trình quản lý các dự án ĐTC tại Việt Nam

Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu liên quan

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm), bản chất của tăng trưởng là phản ánh sự gia tăng về mặt lượng của một nền kinh tế. Với ý nghĩa này, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu theo đuổi của mọi quốc gia, mọi nền kinh tế trước yêu cầu tồn tại và phát triển. Phát triển kinh tế được hiểu là quá trình biến đổi cả về lượng lẫn về chất của nền kinh tế.

Trong những năm qua, ĐTC là biến số duy nhất góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong việc thúc đẩy sự phát triển như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia và nhiều quốc gia khác (Ali, G. 2015). Phần lớn các tài liệu thực nghiệm về hiệu quả kinh tế của ĐTC đều tập trung vào đóng góp dài hạn của nó vào mức độ hoặc tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập hoặc năng suất. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ tích cực, đặc biệt trong trường hợp đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ngược lại, các khoản đầu tư đến từ các khoản đầu tư cộng đồng thường mang giá trị tích lũy (Keefer và Knack, 2007). Flyvbjerg (2003) cho rằng, chi phí lớn vượt trội, thiếu hụt, lãng phí và tỷ lệ hoàn thành thấp là phổ biến trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở các nước đang phát triển và có thể được quy cho việc lựa chọn, giám sát và đánh giá kém. Theo cách tương tự, Collier và Venables (2008) cho rằng, lợi tức đầu tư ở nhiều nước thu nhập thấp bị giảm do thông tin và năng lực thẩm định hạn chế.

Có nhiều nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đầu tư nói chung và ĐTC nói riêng đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, một số nghiên cứu của các tác giả cho thấy, ĐTC có tác động dương đối với tăng trưởng như Bukhari và cộng sự (2019), Eruygur (2009).

Một số nghiên cứu khác lại cho thấy, ĐTC tác động âm đến tăng trưởng như nghiên cứu của Ghali và Khalifa (1998); Có nghiên cứu lại không tìm thấy mối quan hệ giữa ĐTC và tăng trưởng kinh tế như: Roache (2007), Swaby (2007). Nghiên cứu của Badawi (2003), Ellahi và Kiani (2011) cho kết quả ĐTC có tác động âm đến tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng lại có tác động dương trong dài hạn.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này, tác giả tiếp cận theo phương pháp phân tích quan hệ nhân quả (Granger) và được kế thừa từ các nghiên cứu vấn đề tương tự của Jibir và Abdu (2017), Gingo và Demireli (2018), Bakari (2018), Bakari, Fakraoui vàTiba (2019) để nghiên cứu mối quan hệ tác động qua lại giữa giữa các biến số vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Để xác định mối quan hệ giữa vốn ĐTC trong nông nghiệp, giao thông, CNTTTT và tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang, nghiên cứu này sử dụng mô hình vectơ tự hồi quy (VAR) và sử dụng phân tích quan hệ nhân quả (Granger). Nghiên cứu sử dụng chuỗi dữ liệu thời gian từ năm 1998 đến năm 2018 với 42 kỳ (quan sát tính theo nửa năm). Nguồn dữ liệu được thu thập từ Niên giám thống kê tỉnh Tiền Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tiền Giang.

Quan hệ vốn đầu tư công trong nông nghiệp, giao thông, công nghệ thông tin truyền thông với tăng trưởng kinh tế tại Tiền Giang - Ảnh 1

Kết quả nghiên cứu

Kiểm định tính dừng, tính ổn định và độ trễ cho mô hình

Kết quả kiểm định tính dừng cho thấy, biến tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang (LNGDRP) và vốn ĐTC trong CNTTTT (LNCNTT) dừng ở bậc 1 và biến vốn ĐTC trong nông nghiệp, vốn ĐTC trong giao thông dừng ở bậc 0. Trên cơ sở kiểm định nghiệm đơn vị, nghiên cứu tiếp tục thực hiện xác định độ trễ cho mô hình. Kết quả lựa chọn độ trễ tối ưu cho mô hình được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau như: LR, FPE, AIC, SC, HQ. Trong nghiên cứu này, tác giả căn cứ theo tiêu chuẩn thông dụng AIC thì độ trễ tối ưu của mô hình là 2. Vì vậy, tác giả chọn độ trễ tối ưu cho mô hình VAR trong nghiên cứu này là 2.

Quan hệ vốn đầu tư công trong nông nghiệp, giao thông, công nghệ thông tin truyền thông với tăng trưởng kinh tế tại Tiền Giang - Ảnh 2

Từ kết quả kiểm định tính ổn định tổng quát của mô hình bằng nghiệm nghịch đảo của đa thức đặc tính VAR cho thấy, tất cả các nghiệm của đa thức đều nằm trong vòng tròn đơn vị, chứng tỏ mô hình VAR được ước lượng có tính ổn định. Kết quả kiểm định tương quan chuỗi của phần dư cho thấy, không có tồn tại tương quan chuỗi của phần dư trong mô hình. Vì vậy, ước lượng VAR được xem là đáng tin cậy.

Kết quả kiểm định quan hệ nhân quả Granger

Kết quả từ mô hình VAR và sử dụng kiểm định quan hệ nhân quả Granger cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang có quan hệ nhân quả hai chiều với vốn ĐTC trong nông nghiệp và vốn ĐTC ngành CNTTTT. Bộ số liệu trong nghiên cứu này không cho thấy có tác động nhân quả hai chiều của vốn ĐTC trong lĩnh vực giao thông đến tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang. Nghiên cứu cũng không tìm thấy tác động nhân quả hai chiều của vốn ĐTC trong giao thông và vốn ĐTC trong CNTTTT, cũng như tác động tương tự đối với vốn ĐTC trong nông nghiệp đến vốn ĐTC trong ngành Giao thông ở cả hai chiều.

Kết luận

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ tương tác qua lại giữa tác động của vốn ĐTC trong CNTTTT và nông nghiệp đến tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang. Do đó, việc phân phối và cân đối 2 nguồn vốn này cũng là quyết định cẩn trọng, bởi sự phát triển kinh tế cần sự phát triển đồng đều giữa các ngành để tạo nên sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư phân bổ chồng chéo, trùng lắp, nên gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý cần xem xét lại các tiêu chí phân bổ vốn ngân sách, quy trình duyệt và phê duyệt cấp ngân sách nhà nước đến các huyện, xã nhằm mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Tô Trung Thành (2012), Đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân? Góc nhìn từ mô hình thực nghiệm VECM, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách;

2. Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư và Lê Hoàng Phong (2014), Tác động của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam: Góc nhìn thực nghiệm từ mô hình ARDL, Tạp chí Phát triển và hội nhập, Số 19 (29), tháng 11,12/2014;

3. Ali, G. (2015), Gross Fixed Capital Formation & Economic Growth Of Pakistan, Journal of Research in Humanities, Arts and Literature Applied, 1(2), 21-30;

4. Badawi, A. (2003), Private capital formation and public investment in Sudan: testing the substitutability and complementarity hypotheses in a growth framework, Journal of International Development: The Journal of the Development Studies Association, 15(6), 783-799;

5. Bakari, S., et al. (2019), "Domestic Investment, Export, Import and Economic Growth in Brazil: An Application of Vector Error Correction Model”;

6. Collier, P., & Venables, A. J. (2008), Trade and Economic Performance: does Africa’s fragmentation matter?;

7. Eruygur,(2009), A. Public Investment And Economic Growth: A Vecm Approach;

8. Flyvbjerg, B., Skamris Holm, M. K., & Buhl, S. L. (2003), How common and how large are cost overruns in transport infrastructure projects?, Transport reviews, 23(1), 71-88;

9. Golitsis, P., et al. (2018), "Remittances and FDI effects on economic growth: A VECM and GIRFs for the case of Albania," Journal of East-West Business 24(3): 188-211;

10. Roache, S. K. (2007), Public Investment and Growth in the Eastern Caribbean.

(*) ThS. Lâm Thái Bảo Ngọc - Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.