Một số giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội và GRDP bình quân đầu người của Vùng.
Trao đổi về thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua, bài viết kiến nghị một số nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở vùng kinh tế trọng điểm này đến năm 2025.
Tình hình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội và GRDP bình quân đầu người của Vùng. Cụ thể, năng suất lao động xã hội của Vùng tăng từ 36,9 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 67,4 triệu đồng/lao động năm 2016. Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người của vùng cũng không ngừng tăng lên, từ 4,3 triệu đồng năm 2000 lên 20,9 triệu đồng năm 2010 và đạt 39 triệu đồng năm 2016.
Tuy nhiên, xét trên con số thực tế cho thấy, mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp hơn GDP bình quân đầu người của cả nước (GDP bình quân đầu người của cả nước năm 2016 đạt 48,6 triệu đồng). Trong khi đó, năng suất lao động của Vùng thấp hơn năng suất lao động của cả nước (năng suất lao động của cả nước năm 2016 đạt 84,5 triệu đồng/lao động).
Về kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản luôn lớn nhất và đang có xu hướng giảm xuống, từ 72,4% năm 2000 xuống còn 66% năm 2010 và còn 63,2% năm 2016. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp phân theo ngành kinh tế ở vùng này trong giai đoạn 2000-2016 đã chuyển dịch theo xu hướng tích cực, làm cho giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng lên, từ 17,2 triệu đồng/ha năm 2000 lên 120,8 triệu đồng/ha năm 2016.
Tỷ trọng ngành Lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nhất và cũng có xu hướng giảm xuống (từ 2,2% năm 2000 xuống còn 1,1% năm 2016). Ngược lại, tỷ trọng ngành Thủy sản thì có xu hướng tăng nhanh (từ 25,5% năm 2000 lên 33,1% năm 2010 và đạt 35,7% năm 2016). Cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản chuyển dịch theo xu hướng trên là do sự tác động của quy luật giá trị làm cho các yếu tố sản xuất như đất đai, lao động và vốn di chuyển từ ngành Nông - lâm nghiệp sang ngành Thủy sản, nhằm mục tiêu đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Về cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt phân theo nhóm cây trồng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ trọng nhóm cây lương thực trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt luôn lớn nhất và có xu hướng giảm xuống (từ 69,4% năm 2000 xuống còn 67,6% năm 2010 và còn 61,2% năm 2016)... Cơ cấu giá trị sản xuất ngành Trồng trọt phân theo nhóm cây trồng chuyển dịch theo xu hướng trên vừa nhằm khai thác được tiềm năng và lợi thế của vùng, vừa góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng trọt (từ 13,5 triệu đồng/ha năm 2000 lên 61 triệu đồng/ha năm 2010 và đạt 90,5 triệu đồng/ha năm 2016)...
Cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2000-2016 đã chuyển dịch theo xu hướng: Tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản trong giá trị sản xuất thủy sản có xu hướng tăng nhanh (từ 48,1% năm 2000 lên 68% năm 2016). Ngược lại, tỷ trọng ngành khai thác thủy sản thì có xu hướng giảm nhanh (từ 49,2% năm 2000 xuống còn 28,5% năm 2016)...
Đề xuất giải pháp
Trên cơ sở nghiên cứu các hạn chế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua và để cho chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Vùng trong thời gian tới tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực, cần thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Về nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất đối với sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để cơ cấu ngành kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới chuyển dịch theo định hướng nêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nguồn nhân lực như sau:
- Cần chuyển dịch cơ cấu lao động: Việc chuyển dịch cần theo hướng giảm nhanh lao động nhóm ngành nông - lâm - thủy sản về số tuyệt đối và về tỷ trọng trong tổng lao động xã hội, tăng nhanh lao động nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong tổng lao động xã hội. Đồng thời, tốc độ tăng lao động nhóm ngành dịch vụ nhanh hơn so với tốc độ tăng lao động nhóm ngành sản xuất vật chất, làm tăng tỷ trọng lao động nhóm ngành dịch vụ trong tổng lao động xã hội và giảm tỷ trọng lao động nhóm ngành sản xuất vật chất trong tổng lao động xã hội.
- Mở rộng quy mô đào tạo: Tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo nhằm tăng nhanh tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong tổng lao động xã hội; Chú trọng tăng vốn đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo trong từ nguồn vốn NSNN; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành giáo dục và đào tạo ở vùng, nhất là ở bậc dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học; Phối hợp đào tạo với các vùng khác trong cả nước và hợp tác quốc tế...
- Điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo theo hướng phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế: Điều chỉnh cơ cấu trình độ đào tạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng nhanh trình độ đào tạo là trung cấp và dạy nghề, nhất là dạy nghề; Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng, từng ngành nghề như đào tạo chính quy, đào tạo vừa làm, vừa học ngay trong DN, cơ sở sản xuất kinh doanh...
- Nâng cao chất lượng đào tạo: Rà soát lại các chương trình đào tạo; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới nội dung giáo dục - đào tạo theo hướng thường xuyên cập nhật những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; Xây dựng chuẩn đầu ra riêng để đảm bảo người học sau khi ra trường có đủ kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu…
- Thu hút nhân tài: Các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân tài và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đến công tác và làm việc lâu dài ở các địa phương trong Vùng. Các chính sách đãi ngộ như cấp nhà hoặc cho thuê nhà với giá rẻ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho họ phát huy tài năng của mình, có chế độ tiền lương, tiền công tương xứng với công sức mà họ đã cống hiến…
Về huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
Trong thời gian tới, để cơ cấu ngành kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch theo hướng trên cần huy động tối đa mọi nguồn vốn, điều chỉnh cơ cấu đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Thứ nhất, huy động nguồn lực
- Đối với vốn NSNN: Thực hành tiết kiệm nhằm tăng đầu tư phát triển; Kiến nghị Trung ương nên tăng cường đầu tư vào các công trình thuộc kết cấu hạ tầng của sản xuất ở Vùng, nhất là hệ hống đường xá, cầu cống, cảng biển, thủy lợi…; Cần thí điểm cho địa phương vay vốn nước ngoài đầu tư vào hạ tầng quan trọng của Vùng; Mở rộng cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với chính quyền địa phương. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ đất đai.
- Đối với tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ bằng nguồn vốn này cho một số ngành kinh tế cần khuyến khích phát triển, nhất là cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
- Đối với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng danh mục các chương trình, dự án ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA, trong đó xác định rõ mức độ ưu tiên đầu tư sử dụng nguồn vốn này. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương để có thể thu hút nguồn vốn ODA theo quy mô Vùng hoặc tiểu vùng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận động nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ có quy mô tài trợ lớn. Đối với các chương trình, dự án ODA do các bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn Vùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và địa phương nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của toàn Vùng.
- Đối với vốn tự có của các DN nhà nước: Khuyến khích các DN nhà nước đầu tư bằng vốn tự có. Đồng thời, đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới các DN nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa các DN nhà nước nhằm huy động thêm vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.
- Đối với vốn có vay ngân hàng thương mại và vốn vay từ các nguồn khác: Cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn, ban hành hệ thống lãi suất cho vay hợp lý, trong đó đối với tài sản sở hữu hoặc sử dụng (đất đai) hợp pháp của người dân thì Nhà nước cần làm giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản cho người dân nhằm hoàn thiện thủ tục cho vay khi họ đi vay; Khuyến khích mở rộng các hình thức dịch vụ về vốn cho người sản xuất, đặc biệt khuyến khích các DN dịch vụ vốn cho nông dân dưới hình thức ứng trước vốn và thu hồi lại bằng hàng nông sản.
- Đối với nguồn vốn của khu vực tư nhân trong nước: Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước như ưu đãi thuế, tín dụng, giá thuê đất… ; Các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh đối với các DN dân doanh, thể hiện qua việc nâng cao điểm số của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của cả nước, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, nhằm phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2025, trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu và xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư...
- Đối với vốn khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Hiện nay, vốn FDI chỉ chiếm có 7% vốn đầu tư trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để thu hút mạnh vốn FDI ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài; cải cách thủ tục hành chính. Xác định mức giá cho thuê đất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận được các nguồn vốn; tăng cường đào tạo công nhân kỹ thuật có chất lượng. Chính quyền cần thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các dự án đang hoạt động mở rộng đầu tư…
Thứ hai, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp với Vùng
Cơ cấu đầu tư phải gắn và phục vụ cho định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Vì vậy, cần phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến và một số ngành dịch vụ động lực như ngành vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... nhằm phát huy những tiềm năng và lợi thế so sánh tĩnh hiện có của vùng. Đồng thời, tạo lập những lợi thế so sánh động trong tương lai, từng bước nâng cấp cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thì trong việc xác định phương án phát triển, lựa chọn dự án đầu tư và công nghệ phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản.
Về khoa học và công nghệ
Để khoa học và công nghệ trở thành động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng nêu trên, cần thực hiện một số biện pháp cơ bản, chủ yếu sau đây:
- Đối với hoạt động khoa học và công nghệ: Đầu tư củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học trong Vùng, đặc biệt ưu tiên cho các cơ sở nghiên cứu về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đưa nhanh các kỹ thuật tiến bộ phục vụ cho việc sản xuất nông, lâm, thủy sản. Cần nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ sông Mê Kông.
- Đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất: Cần có chính sách khuyến khích (ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ vốn từ ngân sách địa phương…) các DN, cơ sở sản xuất ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, cải tiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ. Phát triển năng lực nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ ở các DN...
- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần khuyến khích ký hợp đồng nghiên cứu và triển khai giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học trong vùng và ngoài vùng với các DN, cơ sở sản xuất trong vùng. Đây là giải pháp tốt nhất để khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở vùng trong thời gian tới.
Về mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ
Để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, cần thực hiện một số biện pháp cơ bản, chủ yếu sau đây:
- Các cơ quan, các DN trong Vùng cần nâng cao trình độ dự báo các nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài để định hướng đúng loại sản phẩm cần sản xuất cả về quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển.
- Tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các DN cần xây dựng trang web trên mạng internet để xúc tiến thương mại.
- Phát triển mạng lưới lưu thông hàng nông - lâm - thủy sản ở vùng hợp lý. Đồng thời, cần khuyến khích các DN ký hợp đồng về tiêu thụ hàng nông - lâm - thủy sản với nông dân theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, hình thành ngày càng nhiều các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ở Vùng, liên kết từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ hàng nông - lâm - thủy sản.
- Duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu hiện có, mở rộng các thị trường mới cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Vùng như: Gạo, rau quả, thủy sản, hàng may mặc và giày dép. Việc đa phương hóa thị trường xuất khẩu này nhằm giảm thiểu rủi ro và tạo ra sự tăng trưởng ổn định cho xuất khẩu...
Về cơ chế, chính sách
Cơ chế, chính sách của Nhà nước có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một nền kinh tế. Để cơ cấu ngành kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới chuyển dịch theo định hướng nêu trên, cần thực hiện một số giải pháp về cơ chế, chính sách chủ yếu như sau:
Đối với quy hoạch
- Đối với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt ngày 19/07/2012 cần: Bổ sung bối cảnh mới ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Vùng trong thời gian tới; Xác định đầy đủ, đúng đắn và đảm bảo tính khả thi của các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Vùng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Tổ chức, giám sát thực hiện Quy hoạch một cách nghiêm túc...
- Chú trọng thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp vùng như Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...
Đối với các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng
Cần ban hành chính sách ưu đãi về thuế như miễn thuế, giảm thuế vì thuế là một trong những công cụ để xác lập cơ cấu đầu tư, tạo ra động lực khuyến khích hoặc hạn chế sự phát triển của các ngành kinh tế. Ban hành chính sách tín dụng ưu đãi với nhiều hình thức khác nhau như: Lãi suất ưu đãi, thời hạn tín dụng phù hợp...
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2002), Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia;
- Cục Thống kê 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long các năm, Niên giám thống kê từ năm 2000 đến năm 2017;
- Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2017, Hà Nội, NXB Thống kê;
- Tổng cục Thống kê (2017), Niên giám thống kê 2017, Hà Nội, NXB Thống kê.