Quản lý, bảo vệ môi trường tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp


Sau 37 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhằm đảm bảo quản lý, bảo vệ môi trường.

Thực trạng quản lý, bảo vệ mội trường Việt Nam

Kết quả đạt được

Về chính sách

Nhận thức được vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã luôn coi bảo vệ môi trường là vấn đề cốt yếu. Năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với các quan điểm cụ thể, trong đó đã xác định trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo vệ môi trường. Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu…”.

Để cụ thể hóa chiến lược của Đảng, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, “Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước” và tầm nhìn đến năm 2050 là “Môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân”.

Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, môi trường, chúng ta đã từng bước hoàn thiện thể chế gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về môi trường. Điều đó thể hiện ở các văn bản pháp luật được ban hành thường xuyên trong thời gian qua, như: Quyết định số 1788/QĐ-TTg, ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020; Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Đặc biệt, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (Luật số 72/2020/QH14 ban hành ngày 17/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), đã quy định rất cụ thể, rõ trách nhiệm của các chủ thể trong các khâu bảo vệ môi trường. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định như: số 54/2021/NĐ-CP, ngày 21/5/2021 quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; số 55/2021/NĐ-CP, ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Một nhiệm vụ rất quan trọng Việt Nam tập trung trong thời gian gần đây là triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên nguyên tắc công bằng, công lý, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030.

Cùng với chính sách được hoàn thiện, trong những năm qua, bộ máy quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường đã được kiện toàn, bổ sung, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, như: hình thành và vận hành tốt mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối tập trung, thống nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu. Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở Trung ương, thì Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường là các tổ chức, cá nhân giúp việc UBND các cấp quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương; riêng đối cấp xã, phường, thị trấn còn có lực lượng công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường (đối với xã).

Về kết quả quản lý, bảo vệ môi trường

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2022, ngành đã hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất tối đa đạt khoảng 1,24 triệu m3 nước thải/ngày đêm.

Ngành tài nguyên và môi trường cũng tập trung nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị ô nhiễm. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn mô hình, công nghệ xử lý, tái chế xử lý chất thải rắn thân thiện môi trường, công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, giảm dần việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp. Đến nay, 11 nhà máy xử lý rác thải theo mô hình đốt rác phát điện được triển khai ở Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Phú Thọ… với công suất trên 16 nghìn tấn/ngày, công suất phát điện 270 MW.

Đặc biệt, số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38% so với năm 2021, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh (từ 12,53% năm 2016 xuống 4,03% năm 2021, xuống còn 1,55% năm 2022), các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 về tái chế kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh, đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỷ lệ che phủ rừng ngày càng tăng cao; dân số ở thành thị sử dụng nước sạch đạt 90%; công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai được chú trọng, trong đó coi trọng tính dự báo, cảnh báo ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, chủ động trong mọi tình huống; công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng ngày càng được quan tâm.

Một số hạn chế

- Các vấn đề liên quan đến môi trường, như: tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đang đặt ra ngày càng gay gắt. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… ngày càng nhanh, với cường độ mạnh, khó lường.

- Việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên, đất đai và xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa… chưa tốt, tác động nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

- Chậm chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

- Các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, như: vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước… chưa được khắc phục triệt để, thậm chí một số nơi còn phổ biến. Cơ chế giám sát của cộng đồng trong phát hiện trong hoạt động xả thái trái pháp luật còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn còn tiếp diễn.

- Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ sản xuất kinh doanh, nhất là các hộ tại làng nghề còn kém. Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa cao, chưa chủ động, vẫn còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường.

- Công tác tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế. Chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá, định giá tài nguyên còn hạn chế.

- Nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường còn chưa tương xứng, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nhất là ở địa phương, cơ sở.

- Chính sách về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được chú trọng hoàn thiện đúng mức, còn có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi gây tổn hại đến môi trường chưa đủ mạnh và mang tính răn đe hiệu quả; có rất ít trường hợp gây tổn hại đến môi trường bị xử lý hình sự, dẫn đến hiệu quả và hiệu lực trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường còn thấp.

Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới

Với những kết quả đạt được và hạn chế trên, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về môi trường. Trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm về việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để các quy định mới của luật đi vào thực tiễn cuộc sống, xem xét sửa đổi các Luật có liên quan nhằm tạo sự đồng bộ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản Luật, như: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản và Luật Đa dạng sinh học. UBND các địa phương cấp tỉnh cần tập trung xây dựng và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm, khu công nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển tất yếu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần xây dựng thể chế pháp lý về mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn, tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn.

Lồng ghép chiến lược về bảo vệ môi trường bền vững, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu thành một nội dung, nhiệm vụ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến cơ sở. Đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có cơ cấu hợp lý; Sắp xếp, bố trí lại số biên chế hiện có và bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, đặc thù của các cơ quan bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương; Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ môi trường, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học và các yêu cầu khác đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương được bổ sung, tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

Thứ ba, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng. Thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong thu hồi, tái chế thủ công, quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Triển khai ngay việc phân loại rác tại nguồn và thu phí theo lượng chất thải rắn phát sinh, đảm bảo tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đến năm 2025 duy trì ở mức 90%. Mở rộng mạng lưới dịch vụ thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn. Thiết lập mạng lưới các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung theo hướng liên vùng, liên tỉnh.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, thực hiện thanh tra thường xuyên về bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường.

Thứ tư, đầu tư bảo vệ và phát triển các nguồn vốn tự nhiên. Tiếp tục đẩy mạnh, thiết lập và quản lý bền vững khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước, cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Bảo vệ môi trường đất, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hóa chất tồn lưu; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, từ đó giúp thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong khâu thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường bằng việc huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong quá trình hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về môi trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021-2022), Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2021, 2022.

2. Bùi Đức Hiển (2022), Bảo vệ môi trường và những vấn đề pháp lý đặt ra theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/825044/bao-ve-moi-truong-va-nhung-van-de-phap-ly-dat-ra-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx

3. Chính phủ (2022), Nghị định số 26/2022/NĐ-CP, ngày 22/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 450/QĐ-TTg, ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5. Tuấn Hưng (2021), Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường: Chức năng, nhiệm vụ cần kèm theo công cụ quản lý, truy cập từ https://tuyengiao.vn/khoa-giao/quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-ve-moi-truong-chuc-nang-nhiem-vu-can-kem-theo-cong-cu-quan-ly-134534.

6. Mai Hương (2022), Nhận diện thách thức và định hướng bảo vệ môi trường, truy cập từ https://tuyengiao.vn/khoa-giao/moi-truong/nhan-dien-thach-thuc-va-dinh-huong-bao-ve-moi-truong-140501.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo