Quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại BIDV chi nhánh Nghệ An
Trong những năm qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đẩy mạnh hiện đại hóa, khai thác thị trường khách hàng cá nhân. Trong xu thế đó, BIDV - Chi nhánh Nghệ An (BIDV Nghệ An) cũng không ngừng đẩy mạnh phát triển dịch vụ này. BIDV Nghệ An đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ cho các cá nhân có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân gặp nhiều khó khăn cần được giải quyết một cách thấu đáo nhằm phát triển sản phẩm dịch vụ này và đảm bảo an toàn tín dụng cho ngân hàng thương mại.
Thực trạng quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại BIDV Nghệ An
Lập kế hoạch cho vay khách hàng cá nhân
Việc triển khai chính sách cho vay khách hàng cá nhân được BIDV Nghệ An nghiêm túc thức hiện trong từng thời kỳ, đảm bảo duy trì tín dụng đối với các khách hàng truyền thống vừa thực hiện mở rộng khách hàng mới, đảm bảo hoạt động đúng quy định.
BIDV Nghệ An cho vay đối với cá nhân đảm bảo các điều kiện: Có nghề nghiệp, thu nhập ổn định: Thời gian làm việc trên 12 tháng, thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng; có nợ vay/tổng tài sản < 70%; có tổng nợ phải trả hàng tháng/tổng thu nhập hàng tháng < 80%; Thu nhập còn lại đủ mức chi tiêu tối thiểu tại địa bàn sinh sống; Khách hàng có hoạt động kinh doanh không bị lỗ trong 2 năm liên tiếp; Các khách hàng chưa từng phát sinh nợ từ nhóm 3 trở lên tại BIDV hoặc tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác; Khách hàng có nơi cư ngụ < 30km so với chi nhánh ngân hàng; Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có thời gian hoạt động ngành nghề hiện hữu và liên tục trên 1 năm; Có lịch sử tín dụng, lịch sử bản thân, quan hệ xã hội rõ ràng, tốt, không phải là người nghiện ma tuý, có tiền án, tiền sự.
Tuỳ vào từng loại sản phẩm, từng giai đoạn và khả năng đáp ứng nguồn vốn của BIDV Nghệ An xem xét cho vay tối đa trong thời gian nhất định. Hiện tại BIDV Nghệ An đang xem xét cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) với thời hạn không quá 20 năm. Mức cho vay đối với khách hàng được BIDV Nghệ An xác định trên cơ sở: nhu cầu thực tế, khả năng hoàn trả và không vượt quá tỷ lệ cho vay đối với từng loại tài sản đảm bảo (TSĐB). Lãi suất cho vay KHCN thường cao hơn lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp (KHDN), thông thường cao hơn khoảng 1,5 lần... Lãi suất cho vay KHCN tại BIDV Nghệ An được áp dụng khá linh hoạt có sự khác biệt giữa các khoản vay dựa theo các tiêu chí: Thời gian càng dài, lãi suất càng cao; số tiền vay càng lớn, lãi suất vay càng thấp. Các khoản vay phục vụ mục đích tiêu dùng thông thường có lãi suất cao hơn các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Công tác lập kế hoạch kinh doanh nói chung, kế hoạch cho vay KHCN nói riêng được thực hiện từ dưới lên. Chi nhánh sẽ đánh giá các căn cứ để xây dựng cho vay KHCN hằng năm sau đó, giám đốc chi nhánh bảo vệ kế hoạch cho vay KHCN (bảo vệ chung với kế hoạch kinh doanh của chi nhánh) với Tổng giám đốc BIDV hoặc người được ủy quyền. Việc tổ chức bảo vệ kế hoạch được thực hiện tại Hội sở sẽ trở thành căn cứ để trình hội đồng quản trị phê duyệt kế hoạch
Sau khi Chi nhánh xác định được kế hoạch và bảo vệ thành công kế hoạch đó trước Tổng giám đốc BIDV hoặc người được tổng giám đốc ủy quyền, kế hoạch đó sẽ được trình lên hội đồng quản trị của BIDV.
Tổ chức thực hiện cho vay khách hàng cá nhân
Số lượng khách hàng cho vay KHCN của Chi nhánh đều tăng trưởng qua các năm. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện sản phẩm cho vay của Chi nhánh tiếp cận được với nhu cầu của khách hàng và đạt được thị phần nhất định. Khách hàng chủ yếu của Chi nhánh tập trung tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, DN lớn, có uy tín trên địa bàn như: Đại học Vinh, Bệnh viện TP. Vinh, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông IV… Đây là những khách hàng truyền thống, có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, số lượng khách hàng tăng trưởng đều, dư nợ tín dụng tiêu dùng trên 1 khách hàng tăng tương ứng nhưng không đáng kể.
Nhìn chung, dư nợ cho vay KHCN của Chi nhánh tăng trưởng qua các năm. Tỷ trọng dư nợ cho vay KHCN trên tổng dư nợ có xu hướng tăng tuy chưa thực sự đột phá. Đạt được kết quả này là do Phòng Quan hệ KHCN đã tích cực chủ động tiếp cận khách hàng đồng thời chi nhánh cũng mở rộng thêm các phòng giao dịch chuyên phục vụ cho vay bán lẻ. Mục đích vay vốn của các KHCN thời gian qua chủ yếu tập trung vào vay vốn thế chấp tài sản dùng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vay vốn thế chấp tài sản dùng để mua nhà đất, xây dựng sửa chữa nhà và tiêu dùng là các khoản mục chiếm tỷ trọng thấp.
Về cơ cấu dư nợ cho vay KHCN theo thời hạn vay, trước đây cho vay KHCN ở chi nhánh tập trung chủ yếu ở các khoản vay trung và dài hạn do các sản phẩm cho vay như mua nhà, mua ô tô… đều là các khoản vay có giá trị lớn, cần nhiều thời gian để khách hàng tích luỹ nguồn trả nợ. Sự thay đổi đáng kể, có dấu hiệu tích cực trong tăng trưởng dư nợ cho vay KHCN tại chi nhánh giai đoạn gần đây chính là việc gia tăng dư nợ ngắn hạn. Tỷ trọng các khoản vay ngắn hạn có xu hướng tăng chứng tỏ ngân hàng đã có sự chú trọng đến các khoản vay này để tăng nhanh vòng quay thu hồi vốn.
Kiểm soát cho vay khách hàng cá nhân
Hoạt động kiểm soát cho vay KHCN luôn được quan tâm. Chủ yếu là kiểm soát các chỉ tiêu cho vay KHCN của Chi nhánh trong kỳ về quy mô và cơ cấu cho vay trong kỳ hoặc tại một thời điểm nhất định. Kiểm tra về việc thực hiện chấp hành lãi suất cho vay, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo. Kết hợp cả kiểm soát thường xuyên và kiểm soát đột xuất. Kiểm soát thường xuyên theo định kỳ hoặc chương trình, kế hoạch được xây dựng từ đầu năm là chủ yếu. Ngoài hình thức kiểm soát thường xuyên, lãnh đạo ngân hàng còn kiểm soát đột xuất tại các phòng giao dịch.
Hiện nay, để thực hiện kiểm soát cho vay KHCN, Chi nhánh sử dụng phương pháp tiếp cận căn cứ vào rủi ro, khác với trước kia chủ yếu dựa trên việc tuân thủ, đảm bảo không có vi phạm pháp luật hay các quy định khác. Tiếp cận trên cơ sở rủi ro tập trung vào các hoạt động và biện pháp QLRR trong cho vay KHCN tại ngân hàng và cách thức QLRR này. Trong quá trình cho vay KHCN, NH thường đối mặt với hai loại rủi ro chính: rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Chất lượng tín dụng có nhiều biến động, tỷ lệ nợ xấu, nợ nhóm 2 đã được kiểm soát dưới 1%, trích dự phòng rủi ro trong năm tăng cao để đảm bảo cho hoạt động tín dụng.
Những kết quả đạt được
Bảng 1: Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của BIDV Nghệ An (ĐVT: Tỷ VND) |
|||
Chỉ tiêu |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Tổng dư nợ |
15.400 |
17.300 |
19.200 |
Dư nợ CV KHCN |
3.147 |
3.685 |
4.457 |
Dư nợ CV KHCN/Tổng dư nợ (%) |
20,4 |
21,3 |
23,2 |
Tốc độ tăng trưởng dư nợ KHCN (%) |
32,6 |
17,1 |
20,9 |
Nguồn: Báo cáo của BIDV Nghệ An |
Bảng 2: Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của BIDV Nghệ An theo nhóm nợ (ĐVT: Tỷ VND) |
|||
Chỉ tiêu |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Nhóm 1 |
3086 |
3623 |
4390 |
Nhóm 2 |
7 |
7 |
10 |
Nhóm 3 |
4 |
1 |
2 |
Nhóm 4 |
0 |
3 |
3 |
Nhóm 5 |
50 |
51 |
52 |
Tổng dư nợ CV KHCN |
3.147 |
3.685 |
4.457 |
Tỷ lệ nợ nhóm 2 |
0,22% |
0,19% |
0,22% |
Tổng dư nợ xấu |
54 |
55 |
57 |
Tỷ lệ nợ xấu |
1,72% |
1,49% |
1,28% |
Nguồn: BIDV Nghệ An |
Với các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua BIDV Nghệ An đã đạt được một số kết quả trong quản lý hoạt động cho vay KHCN như sau:
- Công tác lập kế hoạch đã dựa trên những căn cứ thực tiễn, đã định hướng được cho sự phát triển của ngân hàng.Sự định hướng này thể hiện thông qua các kế hoạch cụ thể về khách hàng… đã vạch ra đường đi cụ thể cho hoạt động cho vay KHCN của Chi nhánh. Việc lập kế hoạch cho vay KHCN của Chi nhánh được thực hiện khá tốt, kết quả đạt được về dư nợ đối với KHCN khá sát với kế hoạch đặt ra.
- Về tổ chức thực hiện kế hoạch cho vay KHCN, dư nợ cho vay KHCN có quy mô tương đối lớn với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao cùng với việc xem xét tỷ trọng dư nợ cho vay KHCN trong tổng dư nợ có thể đánh giá hoạt động cho vay KHCN của BIDV Nghệ An khá phát triển. BIDV Nghệ An cung cấp khá đa dạng các sản phẩm KHCN phục vụ tốt các nhu cầu của người vay vốn. Thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay KHCN đạt mức cao và có sự tăng trưởng tốt, điều này chứng tỏ hoạt động cho vay KHCN tại BIDV Nghệ An đạt được hiệu quả về mặt kinh tế cao.
- Về kiểm tra giám sát hoạt động cho vay KHCN, bên cạnh tập trung tăng trưởng dư nợ cho vay, việc kiểm soát cho vay cũng được Chi nhánh thực hiện tốt trong thời gian qua, việc kiểm soát cho vay được tuân thủ thực hiện ở tất cả các khâu của hoạt động cho vay. Việc kiểm soát tốt thể hiện ở tỷ lệ nợ xấu được chi nhánh kiểm soát luôn bé hơn 1%.
Hạn chế và nguyên nhân
Dư nợ cho vay KHCN của BIDV Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường và vị thế của BIDV. Dư nợ cho vay chưa có tính bền vững cao. Phương pháp phân loại nhóm nợ hiện tại chưa phản ảnh hết được nợ xấu tiềm ẩn. Công tác kiểm tra giám sát mặc dù đã thực hiện khá tốt tuy nhiên vẫn có những khoản vay được kiểm soát sơ sài, mang tính hình thức.
Với các hạn chế nêu trên, có thể đánh giá quản lý cho vay KHCN tại BIDV Nghệ An chưa thực sự đạt hiệu quả cao và xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như sau: Cơ cấu tổ chức hoạt động cho vay chưa bám sát thực tiễn công việc. Trình độ nhân viên còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, BIDV là ngân hàng được đánh giá là có hệ thống đào tạo nhân viên bài bản, tuy vậy thực tế là tại Chi nhánh Nghệ An đa phần đội ngũ nhân viên thực hiện hoạt động cho vay có tuổi đời và tuổi nghề rất trẻ, thiếu kinh nghiệm đặc biệt là nhân sự thực hiện công tác phân tích tín dụng và công tác phát triển khách hàng. Thiếu các công cụ để đánh giá khách hàng. Hoạt động Marketing chưa được chú trọng đúng mức. Về nguyên nhân khách quan, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sự cạnh tranh rất gay gắt. Môi trường văn hoá xã hội Nghệ An có sự khác biệt. Các vấn đề thủ tục hành chính, pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay.
Một số giải pháp đề xuất
Nhằm nâng cao quản lý cho vay khách hàng cá nhân tại BIDV chi nhánh Nghệ An, cần chú trọng các nội dung sau:
Một là, hoàn thiện quá trình lập kế hoạch cho vay khách hàng cá nhân. Thu thập đầy đủ và chính xác thông tin về khách hàng, đa dạng các sản phẩm cho vay. Cơ cấu danh mục các sản phẩm cho vay hợp lý theo hướng tập trung vào khách hàng có tài sản đảm bảo, có uy tín và khách hàng truyền thống với BIDV Nghệ An.
Hai là, hoàn thiện tổ chức thực hiện kế hoạch cho vay khách hàng cá nhân. Nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng trong cho vay khách hàng cá nhân. Hoàn thiện các chính sách Marketing trong cho vay khách hàng cá nhân: Tăng cường bán chéo sản phẩm, đẩy mạnh phát triển khách hàng thông qua các đối tác liên kết, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền quảng bá, tăng cường mở rộng mạng lưới phân phối
Ba là, hoàn thiện kiểm soát cho vay khách hàng cá nhân. Tăng thẩm quyền phán quyết của các chuyên viên phê duyệt tín dụng, tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, tổ chức tốt dự báo những rủi ro tiềm ẩn và có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Bốn là, xây dựng quy trình cho vay và chính sách khách hàng hợp lý hiệu quả. Nâng cao chất lượng tài sản đảm bảo khoản vay, đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng. Thực hiện hiện đại hóa công nghệ ngân hàng trong quản lý cho vạy khách hàng cá nhân tại BIDV Nghệ An.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2010), Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), Thông tư số 39/2016/tTT-NHNN, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2021), Nghị quyết 22/NQ-BIDV phê duyệt chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn 2030.