Quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, gắn với kiểm soát lạm phát
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh gắn với kiểm soát lạm phát.
Năm 2022, thị trường đã phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá xăng dầu và một số hàng hóa nguyên liệu đầu vào tăng từ cuối quý I/2022, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm, thực hiện phương châm điều hành “triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương, địa phương trong điều hành giá, tránh gây tác động cộng hưởng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát”, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã thường xuyên đánh giá, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát.
Bên cạnh đó, xây dựng các kịch bản, kiến nghị các giải pháp điều hành giá cả thị trường, như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu các khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022,...
Hoạt động điều hành giá cả phù hợp với từng mặt hàng, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu Nhà nước quản lý điều hành giá. Thường xuyên cập nhật diễn biến theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, ngoài các biện pháp điều hành thông thường qua các đợt điều chỉnh giá bám sát diễn biến thị trường thế giới, để kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, gồm: Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 áp dụng mức giảm 50%-70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/4/2022; Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với các mặt hàng xăng, dầu từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, thuế xăng (trừ etanol), nhiên liệu bay là 1.000đồng/lít; dầu diesel còn 500 đồng/lít; dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn còn 300 đồng/lít; mỡ nhờn còn 300 đồng/kg.
Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, rà soát, điều chỉnh chi phí định mức trên cơ sở điều kiện thực tế và đảm bảo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để tính giá cơ sở xăng dầu, qua đó góp phần đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Lũy kế đến ngày 15/12/2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện 33 kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, giá mặt hàng xăng có 17 lần tăng, 15 lần giảm và 01 lần giữ ổn định; giá dầu diezen 0,05S có 18 lần tăng, 15 lần giảm; giá dầu hỏa có 18 lần tăng, 14 lần giảm, 01 lần giữ ổn định; giá dầu madut 3,5S có 13 lần tăng, 14 lần giảm và 06 lần giữ ổn định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá; tránh việc lợi dụng giá xăng dầu tăng để kết cấu thêm các khoản chi phí, tăng giá hàng hóa bất hợp lý.
Với các giải pháp đã thực hiện, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của tác động tăng giá trên thị trường thế giới, song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra năm 2022 (không quá 4%).
Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý giá, năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cho ý kiến đối với dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó đã bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật Giá (sửa đổi); Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; làm tốt công tác phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp với từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra giá, kết hợp với thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ thao túng thị trường. Công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng, dầu, cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác; điều tiết hài hòa lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước...