Quản lý giá xăng dầu: Công khai, minh bạch, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính
(Tài chính) Xăng dầu là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược đối với sản xuất, tiêu dùng, do vậy việc điều hành giá xăng dầu đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới nền kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngành Tài chính luôn ý thức được vấn đề này và đã đảm bảo điều hành giá xăng dầu công khai, minh bạch, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Đảm bảo công khai, minh bạch
Nghị định 84/2009/NĐ-CP (Nghị định 84) ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã xác định nguyên tắc cơ bản là “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Nhà nước thực hiện giám sát kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký với cơ quan nhà nước.
Có thể thấy rằng việc điều hành kinh doanh xăng dầu thời gian qua đã theo đúng các quy định tại Nghị định 84 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo chia sẻ hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mỗi khi thị trường có biến động mạnh dẫn đến phải điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đều có thông báo công khai về giá cơ sở theo cách tính của Nghị định 84, mức tăng, giảm giá và cũng như việc sử dụng các công cụ tài chính (thuế, quỹ bình ổn giá) linh hoạt để đảm bảo hạn chế tác động đến nền kinh tế.
Bên cạnh việc quản lý, điều hành giá xăng dầu theo những quy định hiện hành, Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguyên tắc điều hành và về mức điều chỉnh giá của các lần điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương, tích cực, quyết liệt, trong quản lý giá, góp phần tích cực vào việc kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và an sinh xã hội. Từ tháng 5/2012 đến tháng 7/2012, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc thực hiện đăng ký giá và các yếu tố hình thành giá bán xăng dầu; kiểm tra việc chấp hành thuế và chi trả thù lao đại lý của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính
Để đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực của biến động giá đến nền kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, Nhà nước và doanh nghiệp, trong năm 2012, Bộ Tài chính đã sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính (thuế, quỹ bình ổn giá) để góp phần bình ổn giá xăng dầu.
Cụ thể, trong quý I/2012, khi giá dầu thế giới ở mức cao trong tháng 1 và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 2 và tháng 3, Bộ Tài chính đã hai lần giảm thuế nhập khẩu để ổn định giá xăng. Lần thứ nhất, ngày 21/2, giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 4% xuống 0% đối với các mặt hàng xăng động cơ nhập khẩu (bao gồm cả xăng pha chì, không pha chì, xăng máy bay…), đồng thời cho phép doanh nghiệp tiếp tục trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít (kg). Đối với dầu diesel, thuế suất được giảm từ 5% xuống 3%. Lần thứ hai, ngày 8/3, Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm thuế nhập khẩu diezel từ 3% xuống 0% . Như vậy, trước áp lực giá xăng dầu thế giới tăng, để hạn chế tác động đến giá dầu trong nước, giảm nhẹ thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thuế nhập khẩu tất cả các mặt hàng xăng dầu đã giảm về 0%. Nhờ những nỗ lực sử dụng các công cụ tài chính, mặc dù giá xăng thế giới tăng vọt trong 4 tháng đầu năm, giá xăng trong nước chỉ tăng 2 lần, (vào ngày 7/3 và ngày 20/4) với tổng mức tăng là 3.000 đồng, trong khi theo các chuyên gia, nếu không có những hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng việc giảm thuế, giá xăng phải tăng tới 6.000 đồng mới bảo đảm doanh nghiệp không bị lỗ.
Sau đó, khi giá dầu thế giới bắt đầu giảm nhiệt trong quý II, chỉ trong vòng hơn 2 tháng Bộ Tài chính cũng đã chủ động liên tiếp 5 lần giảm giá xăng với tổng mức giảm là 3.200 đồng mỗi lít, đồng thời khôi phục dần lại thuế nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. Đặc biệt tất cả các lần điều chỉnh giảm này đều do liên bộ chủ động ra thông báo, chứ không phải do doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh.
Khi giá xăng thế giới tăng mạnh trong tháng 7 và tháng 8 và tiếp tục dao động ở mức cao trong tháng 9, trước sức ép tăng giá xăng trong nước, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá, đồng thời cho nâng mức trích quỹ bình ổn giá từ 300 đồng lên 500 đồng/lít xăng, mặt khác kịp thời điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu. Với những công cụ tài chính này, đồng thời với việc yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu không tính lợi nhuận định mức của doanh nghiệp trong giá cơ sở, giá xăng đã được giữ ổn định từ giữa tháng 8 mặc dù giá thế giới vẫn tiếp tục tăng cao.
Và gần đây, khi giá xăng bắt đầu giảm từ cuối tháng 10, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng từ 500 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít từ ngày 30/10, và ngưng trích quỹ bình ổn giá từ ngày 8/11. Ngày 11/11, Bộ Tài chính đã công bố giảm giá bán 500 đồng/lít xăng.
Như vậy, có thể thấy Bộ Tài chính đã luôn theo dõi sát sao tình hình giá xăng dầu thế giới, sử dụng kịp thời các công cụ tài chính như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá để hạn chế những biến động lớn về giá xăng dầu gây bất ổn đến nền kinh tế.
Tiếp tục giữ ổn định giá xăng dầu
Để bảo đảm ổn định giá xăng dầu từ nay đến cuối năm và trong dịp Tết nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có Chỉ thị yêu cầu các cơ quan trong ngành Tài chính, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Đối với giá xăng dầu, Bộ sẽ tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/NĐ-CP, theo đó:
- Bám sát diễn biến thế giới để kịp thời có phương án điều hành giá xăng dầu; Việc điều hành tiếp tục đảm bảo nguyên tắc kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá;
- Chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá đối với mặt hàng xăng dầu.