Quản lý, sử dụng hiệu quả hàng dự trữ quốc gia trong tình hình mới
Trong giai đoạn tới, việc quản lý, điều hành hoạt động dự trữ quốc gia, cũng như tăng cường nguồn lực cho dự trữ quốc gia phải được đổi mới, chủ động hơn, hiệu quả hơn nhằm sẵn sàng chủ động xuất cấp để đáp ứng nhanh, kịp thời trong mọi tình huống bất trắc xảy ra.
Tổng mức dự trữ quốc gia còn thấp so với GDP
Theo ông Nguyễn Quang Khải - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), trong những năm qua, tiềm lực dự trữ quốc gia (DTQG) vẫn còn hạn chế, tổng mức DTQG còn thấp so với GDP. Đến hết năm 2023 mới đạt khoảng 0,17- 0,18% GDP; trong khi đó định hướng chiến lược đề ra đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.
Mức bố trí ngân sách nhà nước để mua tăng hàng DTQG còn phụ thuộc vào cân đối chung, mới đáp ứng được khoảng 50% - 60% so với nhu cầu, dẫn tới mức DTQG một số mặt hàng thiết yếu còn chưa đạt được theo định hướng đề ra như: Lương thực (đạt khoảng 80%); Xăng dầu (đạt khoảng 74%); mặt hàng vật tư, nông nghiệp, y tế tồn kho ở mức thấp.
Đối với các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh tồn kho còn mỏng, thiếu các mặt hàng tiên tiến, hiện đại để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Mặt khác, danh mục chi tiết và phân công cơ quan quản lý còn một số bất cập; số lượng mặt hàng DTQG lĩnh vực quốc phòng, an ninh hiện còn nhiều, một số mặt hàng bảo quản đã lâu năm, phải thường xuyên tăng hạng, thay thế để đảm bảo hiệu quả khi đưa ra sử dụng.
Một số mặt hàng giai đoạn vừa qua không thực hiện xuất cấp theo các mục tiêu DTQG, như xăng dầu, nhiên liệu hàng không, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại màu, cần thiết phải có cơ chế bảo quản đặc thù riêng hoặc xuất bán, giảm dần ra khỏi danh mục hàng DTQG.
Nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho bảo quản vừa qua còn thấp, chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020; nguồn vốn bố trí cho cải tạo, sửa chữa kho còn hạn chế, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhập, xuất, bảo quản...
Công tác xã hội hóa DTQG đã được quy định tại Luật DTQG và Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành, tuy nhiên quá trình thực hiện còn hạn chế, chưa huy động được nguồn lực để phát triển DTQG theo mục tiêu đề ra...
Ông Nguyễn Quang Khải cho rằng, những hạn chế trên là do nguồn lực DTQG được bố trí từ ngân sách nhà nức còn hạn chế, trong khi ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn; Việc cân đối chi cho DTQG còn tùy thuộc vào cân đối chung của ngân sách, chưa được bố trí theo định hướng đề ra (theo tỷ lệ % GDP).
Giai đoạn 2013-2023, mức bố trí chi cho DTQG có tăng hàng năm về số tuyệt đối nhưng mới đáp ứng được khoảng 50% - 60 % so với nhu cầu đặt ra; do đó tổng mức DTQG so với GDP rất thấp, không đạt được mục tiêu Chiến lược đã đề ra.
Mức bố trí NSNN chi cho mua tăng các mặt hàng thiết yếu, chiến lược còn thấp, chưa đạt được mức dự trữ quy định. Đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng kho DTQG còn hạn chế, mới đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu xuất cấp
Trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh tác động tiêu cực đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội đòi hỏi phải có tiềm lực DTQG đủ mạnh, để chủ động xuất cấp ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách phát sinh.
Để tăng cường nguồn lực DTQG nhắm đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong giai đoạn mới, thì nguồn lực DTQG phải được phát triển và củng cố, đảm bảo đến năm 2025, tổng mức dự trữ quốc gia gấp khoảng 2 lần năm 2020 và đến năm 2030, tổng mức dự trữ quốc gia gấp 2 lần năm 2025.
Mức DTQG một số mặt hàng thiết yếu phải tăng dần hàng năm (nhất là mặt hàng lương thực, hàng quốc phòng, an ninh), nhằm đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao trong mọi nhiệm vụ.
Hệ thống kho đến năm 2030 phải cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh theo theo hướng tiên tiến, hiện đại, quy mô lớn, tập trung tại các vùng chiến lược trong cả nước; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và thuận lợi trong quá trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia.
Nguồn vốn đầu tư kho DTQG phải được bố trí theo quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030 và quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG của từng Bộ, ngành.
Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực DTQG bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tăng cường tiềm lực DTQG và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng.
Để đạt các mục tiêu trên, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về DTQG, làm cơ sở để quản lý, điều hành hoạt động DTQG. Bố trí ngân sách nhà nước để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia theo hướng ưu tiên bố trí tăng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm cho DTQG với mức tăng cao hơn mức tăng chi bình quân của NSNN.
Tập trung mua sắm những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách, đồng thời loại bỏ những mặt hàng không còn phù hợp ra khỏi danh mục chi tiết hàng DTQG.
Cùng với các giải pháp trên, ngành DTNN tăng cường quản lý chặt chẽ hàng DTQG đảm bảo về số lượng, chất lượng, phối hợp với các địa phương để chủ động bố trí các nguồn lực chiến lược, quan trọng tại các địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh; sẵn sàng mọi nguồn lực, để triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG cho nhân dân các địa phương khi có tình huống cấp bách xảy ra...
Như vậy, trong giai đoạn tới đòi hỏi việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG, cũng như việc tăng cường nguồn lực cho DTQG phải được đổi mới, chủ động hơn, hiệu quả hơn, nhằm sẵn sàng chủ động xuất cấp để đáp ứng nhanh, kịp thời trong mọi tình huống bất trắc xảy ra.
Giai đoạn 2013-2023, mức bố trí chi cho DTQG có tăng hàng năm về số tuyệt đối nhưng mới đáp ứng được khoảng 50% - 60 % so với nhu cầu đặt ra; do đó tổng mức DTQG so với GDP rất thấp, không đạt được mục tiêu Chiến lược đã đề ra.