Quản lý, sử dụng nguồn thu phí, lệ phí: Hiệu quả và minh bạch
(Tài chính) Số liệu mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ phí, lệ phí trong thời gian từ năm 2011-2013, như sau: Năm 2011 đạt 42.023 tỷ đồng (bằng 5,8% tổng thu NSNN); Năm 2012 đạt 29.112 tỷ đồng (bằng 3,9% tổng thu NSNN) và năm 2013: 31.271 tỷ đồng (bằng 3,8% tổng thu NSNN). Điều quan trọng nhất đó là việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí và lệ phí thực sự hiệu quả và minh bạch.
Thu, nộp, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số thu phí, lệ phí được để lại
Theo quy định hiện hành, phí và lệ phí thuộc NSNN được quản lý sử dụng như sau: Một là, các tổ chức thu đã được NSNN bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí thì phải nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí thu được vào NSNN; Hai là, các tổ chức thu chưa được NSNN bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí, lệ phí hoặc tổ chức thu được ủy quyền thu phí, lệ phí thì được để lại một phần trong số tiền phí, lệ phí thu được để trang trải chi phí thu phí, lệ phí, phần còn lại được nộp vào NSNN.
Qua theo dõi của Bộ Tài chính về tình hình thu nộp, quản lý sử dụng phí, lệ phí cho thấy, các khoản thu phí, lệ phí về cơ bản đã được nộp kịp thời vào NSNN và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Phần phí, lệ phí để lại cho các đơn vị sử dụng được quản lý, hạch toán, và quyết toán theo đúng quy định.
Đối với phí không thuộc NSNN, tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả thu phí là khoản thu không thuộc NSNN. Tiền thu phí được xác định là doanh thu và đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí công khai, minh bạch
Theo Bộ Tài chính, sự công khai minh và minh bạch trong việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí thể hiện ở 2 mặt: Một là, công khai với đối tượng nộp phí, lệ phí, và hai là, công khai minh bạch trong cơ quan thu phí, lệ phí.
Cụ thể, đối với đối tượng nộp phí, lệ phí, việc công khai, minh bạch là nhằm tạo điều kiện cho người nộp phí, lệ phí nắm vững quy định của pháp luật và tham gia vào quá trình giám sát các cơ quan thu phí, lệ phí bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong việc tổ chức thực hiện, cơ bản các tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết hoặc thông báo công khai tại địa điểm thu về tên phí, lệ phí, mức thu, chứng từ thu, phương thức thu và cơ quan quy định thu, cơ quan thu (hoặc được ủy quyền thu) theo đúng Pháp lệnh Phí và lệ phí cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều ý kiến cho rằng, cách làm như vậy đã tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước được nghiêm túc, đồng thời ngày càng phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dan tại các địa điểm cung cấp các dịch vụ công cũng như trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Đổi mới hướng đến xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động và tự chủ
Sau khi Chính phủ ban hành một số nghị định (gồm: Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 hướng dẫn về phí, lệ phí, theo đó sửa đổi theo hướng đổi mới cơ chế quản lý phí, lệ phí gắn với xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động, tự chủ cho các đơn vị, cụ thể như sau:
Một là, phần phí, lệ phí mà tổ chức thu được sử dụng để trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí, lệ phí được chi dùng cho các nội dung sau đây: Khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí; Sử dụng phần phí, lệ phí trích lại theo chế độ quy định cho phù hợp với cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị (như: chi bổ sung thu nhập cho lao động, chi khen thưởng, phúc lợi, trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập cho lao động trong đơn vị), sau khi đảm bảo trang trải chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ, thu phí, lệ phí theo quy định. Có thể nói, những quy định trên đã và đang tạo thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan hành chính có thu có điều kiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ theo quy định.
Hai là, việc in, phát hành và sử dụng các loại chứng từ thu phí, lệ phí thông nhất trong toàn quốc được thực hiện từ năm 2005 theo Quyết định số 85/2005/QĐ-BTC ngày 30/11/2005 bao gồm Biên lai thu tiền phí, lệ phí (không có mệnh giá) và chứng từ thu tiền phí, lệ phí (có in sẵn giá thanh toán cố định) nhằm tạo điều kiện cho việc nộp phí, lệ phí được nhanh chóng thuận tiện. Ngoài ra, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ngày 17/9/2012, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 153/2012/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc NSNN để đáp ứng yêu cầu về quản lý thep quy định của Luật Quản lý thuế nhằm thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp, đề cao vai trò tự giác, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế, phí và lệ phí.