Quản lý tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng
Tài sản công trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng giữ vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nhà trường, học viện. Giá trị tài sản công tại các đơn vị này khá lớn, hầu hết được đầu tư từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên, việc quản lý các tài sản này đến nay còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp. Trong bối cảnh đó, cần áp dụng nhiều giải pháp, trong đó nội dung về nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tài sản công được coi là trọng tâm.
Thực trạng quản lý tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong quân đội chịu sự giám sát quản lý trực tiếp của nhiều đơn vị khác nhau như các quân, binh chủng và Bộ Quốc phòng. Các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng gồm: Học viện Quốc phòng, Học viện Hậu cần, Học viện Chính trị, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Lục quân, Trường sĩ quan Chính trị, Trường sĩ quan Lục quân 1 và 2.
Những năm qua, các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào chiến lược an ninh quốc phòng. Để duy trì hoạt động, thực hiện các mục tiêu của ngành, các cơ sở này hiện đang sử dụng tài sản công cố định hữu hình rất lớn, như: Nhà cửa, vật kiến trúc, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị văn phòng, thiết bị truyền dẫn, máy móc thiết bị động lực, máy móc thiết bị chuyên dùng, thiết bi đo lường thí nghiệm…
Các cơ sở GDĐH trong quân đội, hoạt động theo cơ chế bao cấp hoàn toàn không tự chủ và không được tự chủ. Các cơ sở GDĐH lớn mang tính chất chiến lược, trực tiếp Bộ Quốc phòng quản lý, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thuộc nhóm có tính chất đặc thù với cơ chế riêng.
Những năm qua, các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào chiến lược an ninh quốc phòng. Để duy trì hoạt động, thực hiện các mục tiêu của ngành, các cơ sở này hiện đang sử dụng tài sản công (TSC) cố định hữu hình rất lớn, như: Nhà cửa, vật kiến trúc, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị văn phòng, thiết bị truyền dẫn, máy móc thiết bị động lực, máy móc thiết bị chuyên dùng, thiết bi đo lường thí nghiệm… Tuy nhiên, với khối lượng tài sản lớn, chủng loại đa dạng, việc quản lý tài sản công tại các cơ sở giáo dục này đã và đang gặp phải những hạn chế, bất cập sau:
Thứ nhất, thể chế, chính sách quản lý TSC dành riêng cho các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng chậm được ban hành. Hiện nay, Bộ Quốc phòng chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về TSC chuyên dùng cho lĩnh vực đào tạo, trong đó có các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các cơ sở GDĐH hiện nay đang áp dụng cơ chế quản lý TSC tương tự như lực lượng vũ trang, trong khi hoạt động của các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng có sự khác biệt nhất định.
Những TSC không chỉ sử dụng để hoạt động cho các công tác quản lý của đơn vị mà còn cho các hoạt động sự nghiệp công. Điều đó dẫn đến cách thức quản lý TSC chưa bao hàm các quan hệ về tài sản, như quyền của đơn vị trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản để tổ chức các hoạt động đào tạo và nghiên cứu như thế nào?...
Thứ hai, mặc dù đã ban hành và áp dụng quy định chi tiết về tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC trong các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng, song về tiêu chuẩn, định mức cho các chức danh hoặc các hoạt động còn thiếu nhiều so với quy định.
Thứ ba, chưa có cơ chế khuyến khích các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng đẩy mạnh hoạt động có thu. Mặc dù các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng đã được Nhà nước và Bộ Quốc phòng cho phép tận dụng năng lực dôi dư để thực hiện hoạt động có thu, nhưng mới chỉ dừng lại ở các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học mà chưa thể tận dụng tài sản chuyên dùng. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế rõ ràng trong huy động nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân; nguồn tài chính từ các dự án hợp tác, hỗ trợ…
Thứ tư, hệ thống cơ sở dữ liệu TSC trong toàn hệ thống đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được xây dựng. Theo khảo sát thực tế tại các đơn vị, có đến 21,73% đánh giá chưa chủ động cập nhật thông tin dữ liệu. Trong khi đó, yêu cầu về thống kê và báo cáo về những tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản, đây là loại tài sản chiếm tỷ trọng khá lớn về số lượng và tổng giá trị trong tổng cơ cấu về tài sản của các cơ sở GDĐH. Do đó, các đơn vị có chức năng quản lý tài sản của nhiều cơ sở GDĐH không nắm được đầy đủ tài sản thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến những sai phạm trong mua sắm, sử dụng và thanh lý.
Thứ năm, việc đầu tư trang bị cho các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng còn hạn chế, chưa theo kịp nhu cầu sử dụng thực tế tại các đơn vị. Các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành, phòng thí nghiệm đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo như mô phỏng vũ khí, trang bị thế hệ mới (các trường đào tạo sỹ quan chỉ huy, kỹ thuật), kỹ thuật mô phỏng ngoại khoa (Học viện Quân y), mô phỏng tài chính, kế toán đơn vị dự toán, doanh nghiệp, ngân hàng (Học viện Hậu cần)...
Thứ sáu, phân cấp mua sắm TSC các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng còn nhiều bất cập, mua sắm tập trung diễn ra phổ biến, kể cả những mặt hàng thông dụng. Bộ Quốc phòng chưa mạnh dạn phân cấp cho các cơ sở GDĐH để các đơn vị chủ động mua sắm, trang bị tài sản. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng có đến 18,8% các ý kiến từ đơn vị cơ sở không đồng ý, đánh giá không hợp lý với cách thức và mức phân cấp mua sắm TSC hiện nay Bộ Quốc phòng đang áp dụng.
Thứ bảy, việc xử lý TSC tại cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng chưa thực sự hiệu quả. Quản lý quá trình kết thúc việc sử dụng TSC tại cơ sở GDĐH chính là quản lý quá trình xử lý tài sản đó với các hình thức khác nhau, như điều chuyển, thu hồi, thanh lý hoặc bán.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại chưa nắm hết được số thu được từ việc bán, thanh lý tài sản, nên đã gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách. Ngược lại, có những tài sản không còn sử dụng được nhưng lại chưa được xử lý, khiến các cơ sở GDĐH không tận dụng được nguồn thu từ bán, thanh lý mà ngược lại còn phải tốn kém chi phí lưu kho tài sản.
Giải pháp quản lý hiệu quả tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cơ quan quản lý TSC cần chủ động trong khảo sát, đánh giá, nghiên cứu, ban hành cơ chế quản lý TSC phù hợp với đặc thù hoạt động đào tạo trong các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng. Như cơ chế, quy định quản lý TSC, những văn bản đó cần thực sự sát với tình hình thực tế của các đơn vị cơ sở; công tác hạch toán kế toán TSC phải có quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về TSC, đồng thời cần được bổ sung vào luật.
Hai là, cần ban hành cơ chế, chính sách phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng TSC (Như các cục của các tổng cục với các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó, Cục Tài chính là nòng cốt để xây dựng, tư vấn, phản biện, ban hành cơ chế, chính sách quản lý TSC).
Ba là, thống nhất nhận thức và nâng cao trình độ của cán bộ, nhân viên về công tác quản lý TSC trong các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nhận thức về tầm quan trọng trong quản lý TSC còn hạn chế, thực tế này xuất phát từ cơ chế bao cấp, "xin-cho" đối với các đơn vị được trang cấp. Đồng thời, cần làm tốt công tác bồi dưỡng về trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý TSC sẽ nâng cao khả năng tham mưu, đề xuất về xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý TSC.
Bốn là, duy trì công năng sử dụng của tài sản trong quá trình quản lý và sử dụng TSC ở các đơn vị cơ sở. Có những TSC chưa hết khấu hao đã hỏng hóc, có tài sản dùng liên tục với cường độ cao nên nhanh hỏng hơn tiêu chuẩn sản xuất. Như vậy, có thể thấy các quy định về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản mặc dù đã được ban hành tương đối đầy đủ và chi tiết, nhưng khi triển khai thực hiện lại phát sinh rất nhiều vấn đề sai lệch, thiếu quy chuẩn cần phải giải quyết kéo theo việc tăng chi phí, giảm kết quả và hiệu quả sử dụng TSC.
Năm là, chuẩn hóa chế độ cập nhật và báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC. Để quản lý tốt TSC thì một trong những yêu cầu là phải có hệ thống thông tin đầy đủ và cập nhật. Do vậy, chế độ báo cáo TSC lên các cơ quan quản lý cần chủ động thực hiện, tránh chỉ khi nào cơ quan chủ quản hoặc đơn vị cấp trên có yêu cầu thì mới lập báo cáo. Nội dung báo cáo phải thể hiện sự biến động tăng giảm tài sản, đánh giá chi tiết, cụ thể tình hình quản lý, sử dụng; đặc biệt các tài sản chưa được mã hoá, dán tem.
Sáu là, duy trì nền nếp mở sổ chi tiết theo dõi đối với từng loại tài sản, số lượng, chất lượng, chủng loại tại nơi sử dụng. Phần lớn tại các đơn vị, kế toán tài sản đều do phòng quản trị hoặc phòng vật tư theo dõi nên tổng hợp số liệu để báo cáo định kỳ hay đột xuất cho các cơ quan quản lý thường chậm trễ, số liệu thiếu chính xác, chắp vá, mang tính chất đối phó.
Bảy là, nâng cao năng lực hệ thống kiểm soát nội bộ, tăng cường tính minh bạch và công khai trong quản lý tài sản công: Hệ thống các nhà trường, học viện là nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động quản lý các tài sản công, đặc biệt quá trình hình thành khai thác sử dụng tài sản nên hoạt động kiểm soát nội bộ được quan tâm, thiết kế chuẩn theo quy định của từng đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tài sản công có sự giám sát lẫn nhau, kết hợp với việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý tài sản công sẽ có tác động tích cực tới quá trình quản lý, giúp cho việc hình thành, khai thác các tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
(i) Thiết kế và nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ
Thiết kế và nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ trong chu trình quản lý tài sản công các nhà trường và học viện trực thuộc Bộ Quốc phòng có những đặc thù khác nhau. Trong điều kiện đó, việc hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ nói chung và kiểm soát tài sản công nói riêng của các nhà trường, học viện càng trở lên cần thiết. Hệ thống kiểm soát được coi là công cụ, phương tiện quản lý các Tài sản công, do vậy khi xây dựng, thiết kế hệ thống và quy trình kiểm soát nội bộ trong quản lý Tài sản công phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ tại các nhà trường và học viện phải đánh giá được tính hiệu quả của các hoạt động quản lý tài sản công trong đơn vị và phải tìm được các biện pháp để nâng cao hiệu quả kiểm soát quá trình quản lý tài sản công;
- Xây dựng hệ thống dữ liệu, tài liệu chi tiết về tài sản công đủ tin cậy làm căn cứ cho các quyết định về Tài sản công phục vụ việc ra quyết định cho các cấp có thẩm quyền.
(ii) Tăng cường tính minh bạch và công khai trong quản lý tài sản công
Để tăng cường khả năng giám sát và công khai, minh bạch tài sản, hạn chế sai phạm trong quản lý tài sản công các nhà trường, học viện cần tăng cường công khai tài sản, tài chính gắn với trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin đối với từng loại tài sản. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý cấp trên đối với nhà trường, học viện về việc thực hiện công khai, minh bạch tài sản. Bên cạnh đó, quy định rõ các báo cáo về tài sản công cần được gửi đến các cơ quan đầu mối trong nội bộ cũng như những người quan tâm một cách công khai với tính chất.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2008), Quyết định số 161/2008/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng;
2. Chính phủ (2009), Nghị định số 106/2009/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân;
3. Bộ Quốc phòng (2015), Thông tư số 120/2015/TT-BQP quy định chế độ quản lý, tính hao mòn và chế độ báo cáo tài sản công là tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng;
4. Bộ Quốc phòng (2017), Thông tư số 50/2018/TT-BQP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;
5. Bộ Quốc phòng (2017), Thông tư số 191/2017/TT-BQP quy định một số nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong Bộ Quốc phòng;
6. Quốc phòng (2002), Quyết định số 162/2002/QĐ-BQP về việc ban hành tiêu chuẩn trang bị Ngành Văn thư, bảo mật, lưu trữ;
7. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019.
(*) Nguyễn Việt Bắc – NCS Học viện Tài chính.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2021.