Đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, xử lý tài sản công
Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng tài sản công một cách chủ động, đồng bộ gắn với hiện đại hóa và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công.
Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 929 cơ sở nhà, đất. Lũy kế đến 30/6/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 29.224 cơ sở nhà, đất của các Bộ, cơ quan trung ương.
Công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất theo quy định tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích; tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ; chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới một số trụ sở của các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Trong quản lý, sử dụng xe ô tô, Bộ Tài chính tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng, sắp xếp lại, xử lý xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo thẩm quyền của 9 bộ, cơ quan trung ương; 04 địa phương.
Trong quản lý tài chính đối với đất đai, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp thực hiện chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết của Chính phủ. Trên cơ sở các chính sách tài chính về đất đai đã được ban hành, Bộ Tài chính đã kịp thời hướng dẫn hoặc trình Bộ xử lý theo thẩm quyền các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước như: xác định nghĩa vụ tài chính về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất; ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án cần ưu đãi đầu tư; khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp...
Nhờ đó, thu ngân sách từ đất đai 6 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả tốt. Tổng số thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, thuê mặt nước đạt 93,76 nghìn tỷ đồng, trong đó: tiền sử dụng đất là 78,8 nghìn tỷ đồng (đạt 70,7% so sới dự toán), tiền thuê đất, thuê mặt nước là 14,96 nghìn tỷ đồng (đạt 61,3% so với dự toán).
Công tác hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công cũng được Bộ Tài chính chú trọng triển khai. Trong đó, tiếp tục triển khai Dự án Nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nhằm tổng hợp quản lý các tài sản công được quy định; nghiên cứu xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng,…) đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công.
Ban hành kịp thời cơ chế phân cấp quản lý tài sản công
Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn có điểm chưa hợp lý như chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm do có một số nội dung còn phải xin ý kiến thỏa thuận hoặc thẩm định của các cơ quan (như: việc sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết; việc mua sắm tài sản công tại một số bộ, địa phương…), dẫn tới thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài.
Việc ban hành tiêu chuẩn, định mức tài sản công chuyên dùng của một số lĩnh vực còn chậm; tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, xe ô tô chậm cả ở khâu lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện phương án; nhiều trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa lập Đề án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiến độ kiểm kê, phân loại, giao tài sản hạ tầng giao thông, thủy lợi cho đối tượng quản lý không hoàn thành theo đúng tiến độ quy định…
Do đó, để tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công; phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng (diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô chuyên dùng, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý); phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập và phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định; rà soát, đánh giá các quy định về phân cấp đã ban hành đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tài sản công; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công theo quy định pháp luật; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công (nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị) để quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định. Tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công. Bộ Tài chính xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng,…) đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công.