Quản lý thuế chặt chẽ các cơ sở giáo dục

Thùy Linh

Xác định rõ vai trò của việc quản lý thuế các cơ sở giáo dục với ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố nhanh chóng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đầy đủ, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Việc triển khai công tác quản lý thuế đối với các cơ sở giáo dục trong năm 2024 đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Internet.
Việc triển khai công tác quản lý thuế đối với các cơ sở giáo dục trong năm 2024 đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Internet.

Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với các cơ sở giáo dục.

Theo Tổng cục Thuế, việc triển khai công tác quản lý thuế đối với các cơ sở giáo dục trong năm 2024 đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, các địa phương như: TP. Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả công tác đôn đốc kê khai, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước từ các cơ sở giáo dục trong năm 2024 đã tăng 46,8% so với năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cục thuế chưa thực hiện kịp thời công tác quản lý thuế đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Một số đơn vị chưa xử lý hiệu quả các trường hợp không kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc kê khai chưa đầy đủ doanh thu chịu thuế.

Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố nhanh chóng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đầy đủ, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, để chuẩn bị cho công tác quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, các cục thuế cần chủ động rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục đang hoạt động theo loại hình (công lập, bán công lập, dân lập, tư thục) và phương pháp kê khai thuế. Việc rà soát này nhằm xác định các cơ sở thuộc diện phải nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và báo cáo tài chính, từ đó có biện pháp đôn đốc kịp thời.

Song song đó, Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định pháp luật về thuế, hóa đơn điện tử và nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước.

Các cục thuế được yêu cầu chủ động rà soát, phân tích hồ sơ khai thuế, dữ liệu hóa đơn điện tử và báo cáo tài chính của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, cần khoanh vùng các nhóm đối tượng có dấu hiệu rủi ro để tập trung kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định.

Các biện pháp cụ thể được đưa ra như: Rà soát việc đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật; kiểm tra phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với hạch toán kế toán của người nộp thuế; đối chiếu doanh thu kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp với dữ liệu hóa đơn điện tử và báo cáo tài chính; yêu cầu giải trình và truy thu thuế nếu phát hiện chênh lệch lớn.

Tổng cục Thuế khuyến khích các cục thuế áp dụng kinh nghiệm triển khai thực tế từ các địa phương đã làm tốt, đồng thời chủ động phổ biến chính sách thuế đến từng cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cục thuế cần báo cáo kịp thời để được hướng dẫn tháo gỡ, đảm bảo công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực giáo dục ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.