Quản lý thuế đối với thương mại điện tử tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Là quốc gia có dân số trẻ, đang phát triển, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới, nên cơ quan thuế sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý và thu thuế đối với lĩnh vực này. Do vậy, việc đề xuất, kiến nghị giải pháp quản lý hiệu quả thương mại điện tử, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Thực trạng quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Đến nay, các loại hình kinh doanh thương mại điện tử mới nhất trên thế giới đều đã xuất hiện tại Việt Nam. Trong thời gian ngắn trở lại đây, tại Việt Nam đã xuất hiện các mô hình kinh doanh mới nhất như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải Uber, Grab, đặt phòng trực tuyến khách sạn Agoda, Traveloka, quảng các trực tuyến trên Google, Facebook...
Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook... hay các cá nhân kinh doanh qua Facebook hàng năm đang thu được một nguồn lợi khá lớn từ thị trường Việt Nam, thì cơ quan thuế vẫn rất khó khăn trong việc tìm ra giải pháp để buộc các tổ chức, cá nhân này đóng thuế theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân là do hoạt động thương mại điện tử rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng nên đã có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành Thuế phải giải quyết như: Làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như là lợi nhuận của những DN hoạt động trong nền kinh tế số; Xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập để quản lý thuế...
Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không chỉ là bài toán khó đối với cơ quan Thuế mà còn là thách thức đối với hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới.
Do vậy, việc quản lý thuế đối với hoạt động này đã được đưa vào chương trình nghị sự nhiều phiên họp của Bộ trưởng Tài chính các nước. Năm 2017, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) cũng đã đưa nội dung này vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC. Nội dung về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử cũng là 1 trong 15 chương trình hành động của Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các nước G20.
Thời gian tới, Việt Nam cũng đang chuẩn bị các cơ sở pháp lý để tham gia chương trình hành động để hợp tác về hành chính, về quản lý, chống xói mòn nguồn thu và chống chuyển lợi nhuận ra các “thiên đường thuế”, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là một trong những nội dung tăng cường hợp tác với các cơ quan thuế quốc tế.
Tại Việt Nam, xu hướng kinh doanh thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ số. Tại Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 được công bố mới đây, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhận định từ năm 2018 thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn thứ ba với tốc độ phát triển nhanh và ổn định.
Trong giai đoạn này, giao dịch trực tuyến sẽ tăng cao cả số lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch. Nếu như ở các giai đoạn trước, việc thu thuế đối với thương mại điện tử ít có ý nghĩa thực tế, thì từ nay việc quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh này vừa có tác động lớn tới sự phát triển, vừa mang lại nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, một số địa phương đã tiến hành thanh tra nhiều DN, cá nhân và các loại hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới như: Facebook, Google, Uber… Tuy nhiên, việc phát hiện các hành vi gian lận về thuế của cá nhân, DN kinh doanh thương mại điện tử là bài toán khó với các ngành chức năng. Mới đây, sự kiện một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội Facebook bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phát hiện có hành vi “gian lận” kê khai thuế và truy thu, xử phạt số tiền lên đến 9,1 tỷ đồng phần nào cho thấy “lỗ hổng” lớn cần phải lấp đầy.
Trước phản ánh của một số cơ quan, đơn vị về việc tổ chức, cá nhân có hoạt động mua, bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... ngày 16/06/2017, Tổng cục Thuế cũng đã có Công văn số 2623/TCT-CS về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, để triển khai việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt hiệu quả, tăng cường công tác quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo người nộp thuế nắm rõ được chính sách thuế để tự thực hiện kê khai, nộp thuế; Rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuê tại địa phương.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với các DN có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vào nề nếp…
Trước tình hình phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong xu thế kinh tế số, tháng 11/2017, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Tờ trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế hiện hành, mặc dù đã được sửa đổi bổ sung ba lần, tạo tiền đề áp dụng quản lý thuế điện tử, song chưa đảm bảo được cơ sở pháp lý cho việc chuyển hẳn sang áp dụng rộng rãi. Do đó, cần sửa đổi Luật Quản lý thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến quản lý thuế điện tử.
Điểm thay đổi căn bản của Luật sửa đổi là bổ sung 1 chương về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, bao gồm quy định cơ quan thuế phải xây dựng được “Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử” với vai trò tiếp nhận, kiểm soát hồ sơ thuế (đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế…) và kiểm tra tự động, trả thông báo tự động cho người nộp thuế.
Việc Bộ Tài chính công bố dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tháng 5 tới và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 hoặc từ ngày 01/7/2020 được coi là bước khởi đầu quan trọng trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Một số rào cản cần tháo gỡ
Là một loại hình kinh doanh mới phát triển, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử hiện nay của cơ quan thuế đang đối mặt với không ít rào cản:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử còn có những nội dung chưa đồng bộ và hoàn thiện. Do đây là loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ vốn rất khó kiểm soát, nên hiện nay ở nước ta các quy định thuế liên quan đến hoạt động thương mại điện tử vẫn “chung chung”, chưa bám sát được thực tiễn phát sinh.
Thứ hai, phương thức thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử đòi hỏi những yêu cầu rất khác so với thanh tra, kiểm tra theo phương thức truyền thống. Chẳng hạn, để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, cán bộ thuế cần phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ và phải giỏi về các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ để truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch làm bằng chứng đấu tranh đối với các hành vi vi phạm của người nộp thuế. Trình độ công nghệ của cán bộ thuế hiện nay chưa thể thực hiện để bao quát được nhiệm vụ này.
Thứ hai, giao dịch thương mại điện tử có những đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, tính rộng lớn, tính quốc tế, dễ dàng tiếp cận, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Ngoài ra, quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý như khó xác định chính xác được người nộp thuế, doanh thu phát sinh... nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh, nắm bắt toàn bộ quá trình giao dịch...
Thứ ba, khó quản lý do sự phát triển nhanh của kỹ thuật công nghệ. Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện qua các phương tiện công nghệ thông tin như: Điện thoại di động, máy tính, có thể phát sinh mọi lúc, mọi nơi, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống (có cửa hàng, địa chỉ DN...). Ngoài ra, thông tin của người mua và người bán thường không hiển thị cụ thể, cơ quan thuế muốn tìm kiếm cũng rất khó khăn.
Với tốc độ phát triển internet như hiện nay, hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng gia tăng, kéo theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử cũng sẽ ngày càng phát triển đa đạng và phức tạp. Nếu cơ quan thuế không kịp nắm bắt và có biện pháp quản lý phù hợp sẽ không quản lý được DN, tạo ra sự mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh và mất nguồn dư địa thuế dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về thu ngân sách như hiện nay.
ý thức tuân thủ pháp luật thuế của một bộ phận kinh doanh thương mại điện tử chưa cao, việc quản lý thu thuế trên thực tế hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, các hình thức thu thuế vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước.
Lợi dụng quy định này, hầu hết các cá nhân và DN kinh doanh qua mạng Internet tìm mọi cách để “lách”, để tránh nộp thuế, cho dù ngành Thuế đã có nhiều giải pháp tìm cách quản lý nhằm giảm thất thu ngân sách nhà nước.
Thứ năm, trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đòi hỏi cán bộ thuế phải tường tận nghiệp vụ cả về chuyên ngành Thuế, kinh tế, công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Do đó, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ thuế.
Đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả đối với hoạt động quản lý thuế thương mại điện tử, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, rà soát lại các văn bản pháp luật thuế hiện hành để kịp thời có những hoàn thiện, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển cũng như tình hình thực tế hoạt động của DN kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, chú ý rà soát lại các thông tư liên tịch hiện hành về trao đổi thông tin với các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại điện tử để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý thuế.
Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cần rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực thuế để tăng cường tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cố tình trốn thuế, tránh thuế.
Hai là, cần nghiên cứu, nhận diện và phân nhóm người nộp thuế theo các loại hình thương mại điện tử điển hình để tập trung nguồn lực quản lý.
Trước mắt nên chú trọng vào các loại hình thương mại điện tử đang phát triển mạnh và rủi ro cao như: Kinh doanh trò chơi trực tuyến; Cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến; Sàn giao dịch thương mại điện tử; Cung cấp sản phẩm số (nhạc, phim qua internet)… sau đó tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh này.
Ba là, nghiên cứu đề xuất với các cơ quan chức năng có phương án kết nối, trao đổi thông tin điện tử với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng, các công ty bưu chính, chuyển phát, để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động thương mại điện tử.
Bốn là, cơ quan thuế tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cụ thể, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử mở tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, các tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông... có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển của tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử...
Năm là, nhằm trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử cho công chức thuế, Tổng cục Thuế cần tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo trong và ngoài nước, đào tạo kiến thức về thương mại điện tử và kỹ năng tìm kiếm, truy lần dữ liệu...
Sáu là, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn giúp cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế. Phối hợp với các cơ quan báo chí về việc thông tin đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử qua mạng có hành vi trốn thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của cơ quan quản lý Nhà nước.
Bảy là, tăng cường phối hợp, hợp tác quốc tế trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử với các nước không chỉ nhằm quản lý thuế tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử, hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tạo sự công bằng cho các DN làm ăn chân chính. Việc quản lý hoạt động thương mại điện tử rất cần phải có sự phối hợp với cơ quan thuế các nước trên thế giới.
Trước mắt, chủ động tham gia chương trình hành động hợp tác về hành chính, về quản lý, chống xói mòn nguồn thu và chống chuyển lợi nhuận ra các “thiên đường thuế”, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử mà hiện nay Việt Nam đang cam kết tham gia. Ngoài ra, tích cực hợp tác với các DN chuyên về hoạt động thương mại điện tử như các trang mạng: Amazon, Google, Facebook, Youtube… nhằm đề ra cơ chế kiểm soát hợp lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2017), Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi);
2. Tổng cục Thuế (2017), Công văn số 2623/TCT-CS ngày 16/06/2017 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử;
3. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (2018), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018;
4. Sông Hương (2017), Quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử: Lấy công nghệ ‘chống’ công nghệ, Báo Kinh tế Đô thị điện tử;
5. Nhật Minh (2017), Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua Facebook: Cần những giải pháp đồng bộ, Thời báo Tài chính Việt Nam;
6. Hà An (2017), Lúng túng quản lý thuế thương mại điện tử, Báo Đấu thầu.