Tác động của công nghệ thông tin đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại TP. Cần thơ
Công nghệ thông tin hiện nay rất đa dạng và xuất hiện ở mọi nơi của đời sống. Với các doanh nghiệp tại TP. Cần Thơ, việc đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh sẽ mang lại giá trị thặng dư lớn. Ngoài ra, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Chỉ số năng lực cạnh tranh (NLCT) cấp tỉnh (hay PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp (DN).
PCI được xem là một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn. PCI có nguồn gốc từ Việt Nam do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát triển.
Sau 12 năm công bố chỉ số PCI, được xem là tiếng nói của cộng đồng DN phản ánh chất lượng điều hành kinh tế địa phương, TP. Cần Thơ được đánh giá là rất ổn định và có những cải thiện đáng kể qua từng năm.
Các chỉ số cơ bản đã được cải thiện qua các năm và 5 năm trở lại đây TP. Cần Thơ đều nằm trong tốp 15 tỉnh đứng đầu của cả nước. Kết quả năm 2016 tiếp tục khẳng định tính ổn định trong điều hành kinh tế của chính quyền Thành phố khi hầu hết các chỉ số đều tăng so với năm trước.
Một số chỉ số nổi bật như chi phí về thời gian xếp hạng 6/63 tỉnh; thiết chế pháp lý có thứ hạng 6/63 tỉnh, các chỉ số về tiếp cận đất đai hạng 14, chi phí không chính thức hạng 11... cho thấy những cải thiện lớn tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho TP. Cần Thơ trong thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh.
Với vai trò là đô thị trung tâm của vùng, TP. Cần Thơ cùng những thành phố trung ương khác đang cạnh tranh nỗ lực để tạo sức bật chung cho vùng và những kết quả đang mang lại lợi thế rất lớn trong quá trình phát triển DN và thu hút đầu tư.
Chỉ số gia nhập thị trường DN luôn đánh giá cao điều kiện thuận lợi thành lập DN tại TP. Cần Thơ. Đối với các điều kiện thuận lợi để DN thành lập, mở rộng sản xuất kinh doanh, TP. Cần Thơ có phần vượt trội so với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng với 8,65 điểm, tăng với năm 2015 0,47 điểm.
Trong 5 năm liên tục, TP. Cần Thơ luôn được đánh giá cao hơn các thành phố khác và chỉ xếp sau Đà Nẵng. Cụ thể, thời gian đăng ký kinh doanh giảm còn 7, bằng với Đà Nẵng và rút ngắn so với 11 ngày năm 2014. 100% DN đăng ký kinh doanh hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh đều qua bộ phận 1 cửa, so với năm 2014 là 88,89% và cao hơn Đà Nẵng năm 2016 là 99,04%.
Trong 10 chỉ số cấu thành PCI, bên cạnh những kết quả tăng điểm trong các chỉ số cấu thành, thì từng chỉ số thành phần cũng có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, xét về những chỉ số lớn, thì chỉ số dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và đào tạo lao động là 2 chỉ số yếu nhất của TP. Cần Thơ.
Về dịch vụ hỗ trợ DN, TP. Cần Thơ hiện chỉ có 0,74% DN cung cấp dịch vụ kinh doanh đây là tỷ lệ rất thấp so với TP. Hồ Chí Minh là 3,75%, Đà Nẵng là 1,65% và xếp thứ 41/63 tỉnh về tiêu chí này. Trong số đó TP. Cần Thơ có 64,71% là các đơn vị tư nhân và FDI, thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Mặt khác DN tại TP. Cần Thơ sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường không cao với tỷ lệ 31,48%, thông tin về pháp luật 33,93%; đối tác kinh doanh 24,76%; xúc tiến thương mại 19,05%; đào tạo kế toán tài chính 27,1%; đào tạo về quản trị kinh doanh 21,5%. Những tỷ lệ này đều đang giảm so với những năm trước. Kết quả năm 2016 chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN đạt 5,76 điểm, xếp 22/63 tỉnh và thấp nhất trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương.
Một chỉ số được xem là điểm yếu lớn nhất của TP. Cần Thơ là đào tạo lao động. Đánh giá về chất lượng dịch vụ đào tạo phổ thông và dạy nghề, TP. Cần Thơ nằm ở tốp cao, mức độ hài lòng với lao động so với nhu cầu của DN cũng rất tốt đạt 94,35%, tỷ lệ chi phí bỏ ra cho đào tạo và tuyển dụng cũng hợp lý tương ứng 4,18% và 3,65%.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động tốt nghiệp trường nghề trong tổng số lao động chưa qua đào tạo còn rất thấp, mới đạt 5,22%; tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng trên tổng lực lượng lao động chỉ đạt 6,6%. Điều đó cho thấy, lao động tại TP. Cần Thơ tỷ lệ đào tạo thấp và chưa được nhân rộng.
Thực trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP. Cần Thơ, hiện nay có hơn 96% DN được điều tra là có sử dụng máy tính phục vụ cho công việc (bao gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy tính bảng). Tỷ lệ lao động thường xuyên sử dụng máy tính cho công việc bình quân là chiếm 60%; trong đó, tập trung cao (>70%) (Bảng 1).
Trong 10 ngành có lao động thường xuyên sử dụng máy tính chiếm tỷ lệ cao nhất, thì ngành: cung cấp dịch vụ thông tin; lập trình máy tính; dịch vụ tư vấn và một số ngành hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT) có tỷ lệ cao nhất (>99%); có hai ngành tưởng chừng có nhiều lao động sử dụng máy tính, nhưng lại xếp cuối bảng xếp hạng là ngành nghiên cứu thị trường và viễn thông (<80%), qua phân tích có thể thấy rằng các ngành này có sử dụng nhiều lao động tại hiện trường hoặc kỹ thuật nên tỷ lệ sử dụng máy tính có thấp hơn các ngành khác khi lao động chủ yếu làm việc ở văn phòng. Tập trung thấp (<50%) (Bảng 2).
Hiện nay, TP. Cần Thơ có các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, SPT… trong đó số lượng DN có kết nối Internet ngày càng tăng (Bảng 3). Các DN đã ý thức được tầm quan trọng của việc kết nối Internet trong hoạt động kinh doanh. Do đó, chỉ tiêu kết nối Internet phản ánh một khía cạnh quan trọng của tình hình ứng dụng CNTT, đặc biệt là mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử (TMĐT).
Mức độ tiếp cận Internet của DN TP. Cần Thơ nói chung đã tăng qua các năm. Năm 2013 đã có 58,98% DN kết nối Internet, đến năm 2014 là 60,07% và 100% qua các năm 2015 - 2016. Những con số này thể hiện nhiều DN đã từng bước nhận thức được vai trò và hiệu quả của ứng dụng Internet với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
Cũng theo Cục Thống kê TP. Cần Thơ, mục đích sử dụng Internet của các DN là để giao dịch với cơ quan khác, tìm kiếm thông tin, học tập, nghiên cứu... là chủ yếu (Bảng 4). Theo Cục Thống kê TP. Cần Thơ, hiện nay chỉ có 23% DN đã có cổng thông tin/trang thông tin điện tử riêng.
Theo Phòng thương mại và công nghiệp TP. Cần Thơ, xét nội dung về thương mại điện tử, chỉ có 22,84% DN sử dụng Website để bán hàng qua mạng. Các DN khác chủ yếu sử dụng Website để giới thiệu về công ty (87,31% DN sử dụng), giới thiệu sản phẩm (81,73% DN sử dụng) và trao đổi thông tin với khách hàng (61,42% DN sử dụng).
Đánh giá tác động của công nghệ thông tin đến năng lực cạnh tranh
DN TP. Cần Thơ đã đầu tư vào hạ tầng máy tính khá đầy đủ. Tỷ lệ DN có ứng dụng phần mềm cũng tương đối cao nhưng chủ yếu ứng dụng các phần mềm cơ bản dùng trong văn phòng. Về các phần mềm chuyên dụng hiện nay, chủ yếu vẫn là phần mềm kế toán tài chính, các phần mềm kế toán hiện được DN ưu chuộng như: Misa, Bravo, SIS, Tsoft, ACsoft… Tuy nhiên, đa phần các DN lựa chọn sử dụng các phần mềm kế toán đơn giản.
Đánh giá một cách khái quát, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được các DN TP. Cần Thơ quan tâm, bước đầu giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, CNTT từng bước được các DN đầu tư, khai thác hiệu quả. Nhiều DN đã ứng dụng tiếp thị điện tử trong hoạt động nghiên cứu thị trường; đã sử dụng nhiều hình thức quảng cáo trực tuyến để mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, các DN bước đầu đã quan tâm đầu tư đào tạo công nghệ thông tin cho đội ngũ lãnh đạo, nhất là đội ngũ làm công tác quản trị DN. Một số DN đã nhận thức được việc đào tạo CNTT cho đội ngũ quản lý và nhân viên nhằm nâng cao năng lực quản trị DN là cần thiết. Tuy mức chi cho đào tạo còn chưa cao nhưng cũng thể hiện bước thay đổi lớn trong nhận thức của chủ DN và đây sẽ là cơ sở cho những ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các cơ quan nhà nước, thông qua hệ thống Internet tốc độ cao và các phần mềm chuyên dụng giúp các DN tham gia các diễn đàn kinh doanh trực tuyến, đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai thuế, khai báo hải quan… hoàn toàn trực tuyến, đem lại nhiều lợi ích cho chủ DN, giảm được chi phí đi lại nộp hồ sơ và bổ sung hồ sơ, tiết kiệm được thời gian.
Qua khảo sát, các DN tại TP. Cần Thơ vẫn chưa hào hứng quảng cáo trên website là vì các nhà phát triển còn thiếu các công cụ để hỗ trợ DN kiểm soát sự quan tâm của khách hàng đến nội dung quảng cáo.
Hơn nữa, quảng cáo trên website vẫn chưa thực sự hiệu quả vì tính đơn điệu của thông điệp quảng cáo, những hình ảnh quảng cáo một chiều chưa thể hiện được tính tương tác của môi trường Internet. Đồng thời, các DN chưa nhận thức đúng đắn giá trị của marketing điện tử, vì vậy chi phí dành cho marketing trực truyến chiếm một phần rất nhỏ, thậm chí còn không có trong chi phí marketing.
Năng lực quản trị DN của các nhà quản lý DN tại TP. Cần Thơ còn thấp so với các thành phố lớn khác, nhiều DN chưa thoát khỏi phương pháp quản lý theo kiểu DN gia đình, truyền thống. Do đó, trình độ quản trị DN cũng như trình độ ứng dụng CNTT vào quản trị DN còn hạn chế. Vấn đề đào tạo CNTT cho đội ngũ lãnh đạo ở DN vẫn chưa được đầu tư hợp lý.
Trong đó, hình thức đào tạo tại chỗ cho cán bộ là chủ yếu, chỉ một tỷ lệ nhỏ DN kết hợp được một cách bài bản các hình thức đào tạo khác nhau như mở khóa huấn luyện, gửi nhân viên đi học và đào tạo theo công việc. Trong khi có khá nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ DN ứng dụng CNTT của Nhà nước, của các Hiệp hội nghề nghiệp nhưng các DN chưa tận dụng hết những lợi ích đó để nâng cao trình độ, giải quyết khó khăn về chi phí đào tạo.
Bên cạnh đó, các DN chưa tìm được hình thức tham gia TMĐT phù hợp với nguồn lực, hiện trạng kinh doanh và bối cảnh thị trường. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực còn hạn chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập, DN chưa có đủ thông tin và chưa thực sự coi TMĐT là phương tiện kinh doanh hữu hiệu.
Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp
Để nâng cao tác động CNTT đến các yếu tố cấu thành NLCT của DN, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các DN cần tăng cường ứng dụng CNTT để mang lại hiệu quả cao trong quản lý và điều hành DN. Điều tra thị trường qua mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, bán hàng qua mạng… là những phương thức mới giúp tiết kiệm chi phí cho DN và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Đẩy mạnh kết nối số trong DN là một xu hướng tất yếu của thời đại; ứng dụng TMĐT với một chi phí đầu tư ban đầu nhỏ hơn nhiều so với thương mại truyền thống, các công ty có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm, tiếp cận người cung cấp, khách hàng và đối tác trên khắp thế giới. Việc mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, khách hàng cũng cho phép các tổ chức có thể mua với giá thấp hơn và bán được nhiều sản phẩm hơn.
Thứ hai, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các DN trong thời đại kỹ thuật số. Cụ thể, những hoạt động tài chính sử dụng các phương thức phi truyền thống (như thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến) giúp nâng cấp nền tảng tài chính điện tử, dựa trên các thiết bị di động, áp dụng phương thức thuê dịch vụ, chia sẻ tài nguyên số… là những hướng đi mới để nâng cao thị trường tài chính của các DN theo xu hướng hiện nay. Ngoài ra, DN có thể ứng dụng CNTT để quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán an toàn cho các nhà cung cấp, tận dụng uy tín của người mua để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…
Thứ ba, sử dụng Internet để thực hiện marketing trực tuyến. Thông qua các sàn giao dịch điện tử, các tờ báo điện tử, các trang mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm… để tiến hành các hoạt động quảng cáo qua internet nhằm tiết kiệm tối thiểu chi phí và đem lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với phương pháp gửi quảng cáo bằng thư truyền thống: không tem, không bao bì, không tốn giấy và các chi phí khác.
Trên cơ sở dữ liệu về người tiêu dùng, DN marketing có thể gửi hàng triệu email chỉ bằng một lần nhấp chuột, hoặc có thể sử dụng chương trình tự động gửi email cho từng nhóm khách hàng hoặc từng khách hàng với những nội dung phù hợp với đặc điểm nhóm này.
Thứ tư, lãnh đạo DN cần chủ động nâng cao trình độ và năng lực quản lý của mình dựa trên nền tảng CNTT và những xu hướng, cách thức triển khai phương pháp bán hàng trực tuyến và marketing hiện đại vào DN; cần chú trọng phát triển những kiến thức, kỹ năng chủ yếu, như: Năng lực về ngoại ngữ; kiến thức cơ bản về văn hoá, xã hội, lịch sử trong kinh doanh quốc tế; giao tiếp quốc tế và xử lý sự khác biệt về văn hoá trong kinh doanh; thông lệ và luật pháp quốc tế trong lĩnh vực, ngành kinh doanh.
Thứ năm, lãnh đạo DN phải có quyết tâm, có chiến lược rõ ràng và lộ trình đầu tư ứng dụng CNTT để tránh đầu tư dàn trải và kém hiệu quả; chú trọng đầu tư đồng bộ từ nguồn nhân lực, hạ tầng CNTT, triển khai các phần mềm ứng dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu, website/cổng thông tin và các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, DN phải chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực và phương tiện để tham gia vào sân chơi chung toàn cầu, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được triển khai trên phạm vi toàn thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Anh Đức (2015). “Nâng cao năng lực quản lý của giám đốc DN nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội”, Luận án Tiến sỹ - Đại học Kinh tế quốc dân;
2. Hiệp hội Thương mại điện tử (2017), “Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam” (từ 2015-2017”;
3. Lê Thị Hằng (2013), “Nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ thông tin di động của các công ty viễn thông Việt Nam”, Luận án TS - Đại học Kinh tế quốc dân;
4. Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam” (từ năm 2013-2016);
5. Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”( từ năm 2014-2017);
6. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ (2017), “Báo cáo Vietnam ICT Index” (từ năm 2015-2017);
7. UBND Thành phố Cần Thơ (2010), Chiến lược phát triển CNTT-TT TP. Cần Thơ giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử TP. Cần Thơ giai đoạn (2010-2015).