Quản lý vốn lưu động và hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam
Nghiên cứu kiểm định tác động của quản lý vốn lưu động đến hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bài viết phân tích dữ liệu bảng gồm 20 doanh nghiệp ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2008-2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tác động phi tuyến của quản lý vốn lưu động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng tìm thấy tác động của quy mô doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ nợ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tổng quan lý thuyết và thực nghiệm
Quản lý vốn lưu động là một thành phần rất quan trọng của tài chính doanh nghiệp (DN), vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến tính thanh khoản và hiệu quả hoạt động của các DN (Deloof, 2003). Qua quá trình lược khảo kết quả của các nghiên cứu trước như Afeef (2011), Gul và cộng sự (2013), Malik và Bukhari (2014), Mumtaz và cộng sự (2011), Sharma và Kumar (2011), Huynh Phuong Dong và Su (2010), Từ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Uyên Uyên (2014), nhận thấy rằng, có sự ảnh hưởng đáng kể của quản lý vốn lưu động đến hiệu quả hoạt động DN.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này đều nghiên cứu một cách khá chung chung về các DN trong nước, có rất ít nghiên cứu xem xét trong một ngành nghề cụ thể. Các nghiên cứu thực nghiệm này đều chỉ dùng các phương pháp hồi quy thông thường trên dữ liệu bảng để phân tích (như: OLS, GLS). Trong khi đó, theo Driffill và cộng sự (1998), phương pháp hồi quy GMM tốt hơn các phương pháp hồi quy thông thường trên dữ liệu bảng trong việc kiểm tra sự chuyển động của các biến tài chính.
Do vậy, nhóm nghiên cứu lựa chọn ngành Thủy sản để phân tích sự ảnh hưởng của quản lý vốn lưu động đến hiệu quả hoạt động tại các DN này. Việc lựa chọn phân tích một ngành sẽ giúp bài viết đưa ra được kết quả nghiên cứu với những nét đặc thù, từ đó mang lại giá trị thiết thực hơn so với việc phân tích một cách chung chung với dữ liệu của tất cả các ngành nghề như trong các nghiên cứu trước.
Mô hình nghiên cứu
Căn cứ vào kết quả của những nghiên cứu trên có thể thấy, các biến độc lập phản ánh việc quản lý vốn lưu động và có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động (ROA) của DN, bao gồm: Kỳ thu tiền bình quân, kỳ luân chuyển hàng tồn kho, kỳ thanh toán bình quân, chu kỳ chuyển đổi tiền mặt.
Các biến kiểm soát có ảnh hưởng đến ROA của DN, bao gồm: Quy mô DN, tỷ lệ nợ. Bài viết tiến hành bổ sung thêm biến độc lập bình phương của quản lý vốn lưu động (ARit2, INVit2, APit2, CCCit2) nhằm kiểm định tác động phi tuyến của quản lý vốn lưu động đến hiệu quả hoạt động của DN.
Nhóm tác giả bổ sung thêm biến kiểm soát phản ánh đặc điểm của DN (thuế thu nhập DN) và biến kiểm soát phản ánh yếu tố kinh tế vĩ mô (như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái).
Việc bổ sung thêm các biến trên nhằm tạo tính mới của đề tài và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, hiệu quả hoạt động của DN không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nội tại của DN như trong kết quả của các nghiên cứu trước, mà còn bị ảnh hưởng khá nhiều bởi tiền thuế thu nhập DN và các yếu tố kinh tế vĩ mô. Do vậy, các mô hình nghiên cứu dự kiến có phương trình như sau:
- Mô hình nghiên cứu 1:
ROAit = β0 + β1ARit + β2ARit2 + β3SIZEit + β4LEVit + β5Tit + β6GDPt + β7INFt + β8EXt + εit
- Mô hình nghiên cứu 2:
ROAit = β0 + β1INVit + β2INVit2 + β3SIZEit + β4LEVit + β5Tit + β6GDPt + β7INFt + β8EXt + εit
- Mô hình nghiên cứu 3:
ROAit = β0 + β1APit + β2APit2 + β3SIZEit + β4LEVit + β5Tit + β6GDPt + β7INFt + β8EXt + εit
- Mô hình nghiên cứu 4:
ROAit = β0 + β1CCCit + β2CCCit2 + β3SIZEit + β4LEVit + β5Tit + β6GDPt + β7INFt + β8EXt + εit
Trong đó:
Việc sử dụng 4 mô hình như trên được các tác giả căn cứ vào nghiên cứu của Afeef (2011), Gul và cộng sự (2013), Malik và Bukhari (2014), Mumtaz và cộng sự (2011), Sharma và Kumar (2011), Từ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Uyên Uyên (2014), đồng thời cũng đảm bảo tính mới của đề tài và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, bài viết đánh giá được một cách rõ nét về sự ảnh hưởng của từng biến độc lập đến hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, việc phân chia thành các mô hình nhỏ như trên cũng tránh được hiện tượng đa cộng tuyến nghiêm trọng trong mô hình nghiên cứu, vì CCCit = ARit + INVit - APit, nên nếu gom chung một mô hình nghiên cứu thì khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến nghiêm trọng là rất cao.
Dữ liệu nghiên cứu
Bài viết sử dụng dữ liệu từ các báo cáo tài chính đã kiểm toán được công bố trên website của 20 DN ngành Thủy sản niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong giai đoạn 2008-2016. Sau khi dữ liệu được thu thập, bài viết thực hiện bước tiếp theo là tính toán các biến dựa trên số liệu thu thập được từ báo cáo tài chính.
Phương pháp phân tích
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng thông qua hồi quy tuyến tính đa biến để lượng hóa sự tác động của các biến độc lập và các biến kiểm soát lên biến phụ thuộc trong các mô hình. Trước tiên, nghiên cứu tiến hành kiểm định hiện tượng tự tương quan và hiện tượng phương sai của sai số thay đổi.
Tiếp đó, nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy GMM để giải quyết các vấn đề nội sinh tiềm ẩn, phương sai của sai số thay đổi, hiện tượng tự tương quan (Doytch và Uctum, 2011). Theo Driffill và cộng sự (1998), phương pháp hồi quy GMM tốt hơn các phương pháp hồi quy thông thường trên dữ liệu bảng trong việc kiểm tra sự chuyển động của các biến tài chính.
Nhóm tác giả sẽ sử dụng kiểm định Sargan nhằm xác định tính chất phù hợp của các biến công cụ trong ước lượng GMM. Kiểm định Sargan với giả thuyết H0: biến công cụ là ngoại sinh, nghĩa là biến công cụ không tương quan với sai số của mô hình. Để kiểm định hiện tượng tự tương quan, nhóm nghiên cứu sử dụng kiểm định Arellano-Bond với giả thuyết H0: không có hiện tượng tự tương quan..
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Thống kê mô tả
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 20 DN ngành Thủy sản niêm yết trên TTCK Việt Nam trong giai đoạn 2008-2016 với các biến số được mô tả cụ thể trong Bảng 2.
Kiểm định giả thuyết nghiên cứu
Kiểm định White cho thấy, cả 4 mô hình đều có hiện tượng phương sai của sai số thay đổi với mức ý nghĩa 1%. Kiểm định Wooldridge cho thấy, mô hình 1, 2 và 3 đều không có hiện tượng tự tương quan với mức ý nghĩa 10%, tuy nhiên mô hình 4 có hiện tượng tự tương quan với mức ý nghĩa 5%.
Kết quả hồi quy và thảo luận
Tiếp theo, nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy GMM để giải quyết các vấn đề nội sinh tiềm ẩn, phương sai của sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan nhằm đảm bảo ước lượng thu được vững và hiệu quả.
Với biến phụ thuộc là hiệu quả hoạt động (ROAit), sau khi dùng phương pháp GMM để giải quyết các vấn đề nội sinh tiềm ẩn, phương sai của sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan, ta có kết quả nghiên cứu như sau: Các biến độc lập kỳ thu tiền bình quân (ARit), kỳ luân chuyển hàng tồn kho (INVit), kỳ thanh toán bình quân (APit) và chu kỳ chuyển đổi tiền mặt (CCCit) tác động ngược chiều và có ý nghĩa thống kê với hiệu quả hoạt động (ROAit).
Các biến độc lập kỳ thu tiền bình quân bình phương (ARit2), kỳ luân chuyển hàng tồn kho bình phương (INVit2), kỳ thanh toán bình quân bình phương (APit2), chu kỳ chuyển đổi tiền mặt bình phương (CCCit2) tác động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với hiệu quả hoạt động (ROAit).
Điều này phản ánh rằng, có tác động phi tuyến của quản lý vốn lưu động đến hiệu quả hoạt động của DN. Ngoài ra, nhóm tác giả còn tìm thấy tác động cùng chiều của biến kiểm soát SIZEit, Tit và GDPt đến hiệu quả hoạt động (ROAit), tác động ngược chiều của biến kiểm soát LEVit lên hiệu quả hoạt động (ROAit).
Một số giải pháp
Với kết quả nghiên cứu trên, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của DN ngành Thủy sản như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản lý các khoản phải thu.
Tăng cường công tác thẩm định tài chính của khách hàng trước khi đưa ra quyết định bán chịu. Việc đánh giá này thường dựa trên các thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh trong thời gian qua. Các thông tin về tình hình ngân quỹ của khách hàng cần được quan tâm và đưa ra các chính sách tín dụng thương mại hợp lý.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả sử dụng hàng dự trữ, tồn kho.
Sau khi tính toán lượng hàng dự trữ thì DN sẽ phải tính toán để phân bổ hàng cho từng kho, căn cứ vào nhu cầu của từng nơi. Đối với những hàng hoá phải qua nhiều lần vận chuyển, nhập kho, thì tốt nhất là giảm số lần nhập kho đến mức thấp nhất có thể. Làm được điều này sẽ giảm bớt chi phí bốc dỡ và chi phí tồn kho.
Việc tính toán thời điểm đặt hàng chính xác là một điều hết sức quan trọng. Thời điểm đặt hàng đúng lúc sẽ làm cho các chi phí tồn kho, dự trữ giảm xuống và có thể giao hàng cho khách hàng của mình đúng lúc, đảm bảo uy tín trong kinh doanh. Phải tính toán sao cho thời gian nhận hàng và thời gian vận chuyển hàng là vừa khít với thời gian lấy hàng của khách.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân quỹ.
Thay vì dự trữ hoàn toàn bằng tiền mặt thì DN có thể nắm giữ một phần chứng khoán có tính thanh khoản cao. Số tiền mặt trong ngân quỹ không phải một lúc là có thể dùng tất cả cho việc xuất quỹ mà có những khoản tiền nhàn rỗi chưa dùng đến. Hơn nữa, mức tiền dự trữ còn bao gồm cả mức dự trữ an toàn, có thể có những kỳ hoạt động DN không dùng đến số tiền đó.
Số tiền mặt nằm tại quỹ không có khả năng sinh lời, thậm chí là khả năng sinh lời âm. Nếu thay bằng việc dự trữ chứng khoán, trong lúc chưa dùng đến một khoản tiền thì khoản tiền đó được đầu tư và sinh lời, đem lại thu nhập từ hoạt động tài chính cho DN.
Thứ tư, xây dựng và phát triển các mô hình dự báo tiền mặt.
Tính toán và xây dựng các bảng hoạch định ngân sách giúp DN ước lượng được khoảng định mức ngân quỹ là công cụ hữu hiệu trong việc dự báo thời điểm thâm hụt ngân sách để DN chuẩn bị nguồn bù đắp cho các khoản thiếu hụt này.
Nhà quản lý phải dự đoán các nguồn nhập, xuất ngân quỹ theo đặc thù về chu kỳ tính doanh, theo mùa vụ, theo kế hoạch phát triển của DN trong từng thời kỳ. Nhà quản lý DN ngành Thủy sản có thể gia tăng hiệu quả hoạt động của DN mình, tạo ra giá trị gia tăng cho nhà đầu tư thông qua việc quản lý vốn lưu động hợp lý.
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ IUH trong đề tài mã số 171.3031
Tài liệu tham khảo:
1. Từ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Uyên Uyên. Mối quan hệ giữa quản trị vốn luân chuyển và khả năng sinh lợi: Bằng chứng thực nghiệm ở Việt Nam, Tạp chí Phát triển & Hội nhập, Số 14 (24) - Tháng 01-02/2014, 2014);
2. Afeef, M. Analyzing the Impact of Working Capital Management on the Profitability of SME’s in Pakistan, International Journal of Business and Social Science, Vol. 2 No. 22, 2011;
3. Deloof, M. Does Working Capital Management Affects Profitability of Belgian Firms?, Journal of Business Finance & Accounting, 30(3 & 4), 573-587, 2003;
4. Dong, H., & Su, J. The Relationship between Working Capital Management and Profitability: A Vietnam Case, International Research Journal of Finance and Economics, ISSN 1450-2887 Issue 49, 2010;
5. Doytch, N., & Uctum, M. Does the worldwide shift of FDI from manufacturing to services accelerate economic growth? A GMM estimation study, Journal of International Money and Finance, 30(3), 410-427, 2011;
6. Driffill, J., Psaradakis, Z., & Sola, M. Testing the expectations hypothesis of the term structure using instrumental variables. International Journal of Finance and Economics, 3(4), 321-325, 1998.