Thủ tướng Chính phủ:
Quan tâm đào tạo nhân lực nghiên cứu, sản xuất chip
Ngày 14/4, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc với trường Đại học FPT và Công ty TNHH Phần mềm FPT về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất chip (vi mạch tích hợp).
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng đã làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội về nội dung này, với yêu cầu đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội.
Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, tính đến nay, đã có 18.241 sinh viên tốt nghiệp đại học, 3.114 học sinh tốt nghiệp phổ thông (tính từ 2018 đến nay) trên tổng số 150.000 học sinh sinh viên theo học tại FPT.
Năm 2022, lần đầu tiên FPT đã ghi nhận 1 tỷ USD doanh số đã ký từ thị trường nước ngoài, tương đương doanh thu xuất khẩu hồ tiêu - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tăng trưởng cao ở tất cả các thị trường toàn cầu, đóng góp 7.112 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Trương Gia Bình kiến nghị, đây là thời điểm tạo ra sức hấp dẫn mới cho ngành công nghệ Việt Nam nói chung và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta nhờ nguồn lao động kỹ thuật có chứng chỉ, bằng cấp dồi dào.
"Với 100 triệu người ở thời điểm dân số vàng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo công nghệ của thế giới. Tiềm năng Việt Nam có thể đứng top 5 - top 10 thế giới về công nghệ thông tin, nông nghiệp và du lịch", ông nói.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Tập đoàn FPT cũng chia sẻ về việc thành lập Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) vào tháng 3/2022.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor, năm 2022 FPT Semiconductor thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024, 2025. FPT đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản.
Dự kiến 2023, FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới. Đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chip bán dẫn nói riêng và công nghệ trên toàn cầu, FPT kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tập trung phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực thiết kế chip bán dẫn.
Việt Nam cũng cần thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn để phát triển nguồn lực về lâu dài; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào việc xây dựng nhà máy, đào tạo nhân sự cho ngành này.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đào tạo nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược.
Thủ tướng cho rằng qua các bước thăng trầm và đột phá, việc FPT lựa chọn, tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, thiết kế, sản xuất phần mềm, chip là con đường đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của tập đoàn, xu thế thời đại và tiềm năng, lợi thế của đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục là quốc sách hàng đầu, góp phần hiện thưc hóa các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045. Nghiên cứu, tổ chức các trường đại học số.
Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về chuyển đổi số nói chung, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng năng suất lao động tổng hợp; phát triển thêm nhiều khu công nghệ cao trên cả nước, trong đó tập trung thu hút, đào tạo nhân lực.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm tốt chức năng quản lý nhà nước về đào tạo nghề, đẩy mạnh đào tạo nghề để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và quan hệ lao động quốc tế, đặc biệt quan tâm vấn đề kỹ năng nghề; phát triển thị trường lao động lành mạnh, bền vững, hội nhập, hiệu quả.
Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, các đề án, dự án cụ thể, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực… để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước một cách bài bản, lớp lang.
Hà Nội triển khai các thủ tục liên quan đất đai, thủ tục hành chính cho các cơ quan, đơn vị xây dựng trụ sở tại Hòa Lạc.
Chính phủ sẽ tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện trong đào tạo nhân lực, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Đào tạo nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực để chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu từng vùng miền, từng lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước tới năm 2030, năm 2045", Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.