Quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự đột phá của internet và trí tuệ nhân tạo làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp. Bên cạnh những cơ hội to lớn, cuộc cách mạng này sẽ tạo ra rất nhiều thách thức, tác động đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và quản trị doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần thay đổi và áp dụng giải pháp quản trị doanh nghiệp mới để tận dụng tốt cơ hội và giải quyết những thách thức mới đặt ra.
Yêu cầu từ thực tiễn
Quản trị doanh nghiệp (QTDN) là hệ thống các quy tắc, cơ chế, quy định mà thông qua đó DN được điều hành và kiểm soát. Về cơ bản, QTDN liên quan đến việc cân bằng lợi ích của các bên liên quan, chẳng hạn như cổ đông, người quản lý, khách hàng, nhà cung cấp, nhà tài trợ vốn, chính phủ và cộng đồng.
Cơ cấu QTDN xác định quyền hạn và trách nhiệm giữa những thành viên khác nhau trong công ty, bao gồm các cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát và những người liên quan khác của công ty. QTDN tập trung xử lý các vấn đề thường phát sinh trong mối quan hệ ủy quyền trong công ty, ngăn ngừa, hạn chế những người quản lý lạm dụng quyền và nhiệm vụ được giao sử dụng tài sản, cơ hội kinh doanh của công ty phục vụ cho lợi ích riêng của bản thân hoặc của người khác hoặc làm thất thoát nguồn lực, do công ty kiểm soát. Các quy định của QTDN chủ yếu liên quan đến Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và Ban giám đốc, chứ không liên quan đến việc điều hành công việc hàng ngày của công ty.
Quản trị trong DN phải đảm bảo được 4 chức năng cơ bản: Kế hoạch và dự báo; Tổ chức thực hiện; Lãnh đạo, chỉ đạo; Kiểm tra kiểm soát và ra các quyết định điều chỉnh (xem Bảng 1). Trong QTDN, các chức năng này cần được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và phù hợp tạo ra sự cộng hưởng nhằm đảm bảo DN hoạt động liên tục và không ngừng phát triển, đạt được những mục tiêu chung đã đề ra.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Làn sóng công nghệ mới từ CMCN 4.0 sẽ giúp các DN nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất của DN và giúp DN tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như khu vực.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các DN Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, do áp dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công nên chi phí sản xuất cao, khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa thấp. Tuy nhiên, một khi các DN Việt Nam đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, theo định hướng 4.0 thì vị thế DN sẽ được khẳng định và nâng cao. Trong quá trình đó, QTDN cần lấy khách hàng làm đối tượng/mục tiêu cao nhất để phục vụ. Đặc biệt, các xu thế công nghệ đang mở ra nhiều cơ hội cho DN, đặc biệt đối với DNNVV, DN khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội thâm nhập thị trường ngách với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mang tính đột phá. Có thể nói, trong CMCN 4.0, công nghệ số trở thành nền tảng cốt lõi của DN, từ đó tạo thành chuỗi giá trị có quy luật hoàn toàn khác.
QTDN tốt là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của các DN. Thực tiễn trong và ngoài nước cho thấy, các DNNN và DN gia đình đạt được thành công lớn trong dài hạn nhờ hệ thống quản trị công ty tốt. Ngược lại, QTDN kém, thiếu minh bạch đã là nguyên do dẫn tới phá sản của nhiều công ty cổ phần lớn ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Sự sụp đổ của một số công ty lớn trên thế giới như Enron, Tyco International, Daewoo, WorldCom hay những vấn đề lãng phí, tham ô, đầu tư thua lỗ tại các DNNN ở Việt Nam... đều có nguyên nhân từ việc thực hiện QTDN không hiệu quả.
Tuy nhiên, trên thực tế, QTDN vẫn là yếu điểm của DN Việt Nam. Thống kê cho thấy, hàng năm, có hàng nghìn DN tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa hoặc thua lỗ; nhiều start-up biến mất chỉ sau vài năm khởi nghiệp, mà một trong những nguyên nhân chính là do năng lực quản trị của chủ DN kém. Thiếu kỹ năng quản trị chiến lược, quản trị tài chính, quản trị nhân lực, quản trị sản xuất và marketing, quản trị công nghệ… khiến cho DN không có cơ hội cạnh tranh hoặc nâng cao cạnh tranh, từ đó chấp nhận cuộc thua và rút khỏi thị trường.
Thách thức quản trị doanh nghiệp từ Cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc CMCN 4.0 với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, song cũng đang đặt ra những thách thức rất lớn cho vấn đề QTDN. Trong đó, thách thức trong QTDN trong bối cảnh CMCN 4.0 được nhìn nhận trên các vấn đề như:
Một là, nhận thức của cộng đồng DN về CMCN 4.0 và QTDN vẫn chưa còn thấp. Nhiều DN chưa hiểu về bản chất của CMCN 4.0, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, quy trình không sẵn sàng, không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng được với xu thế công nghệ. Theo kết quả một cuộc khảo sát về quan điểm với cuộc CMCN 4.0 được Hiệp hội DNNVV Hà Nội thực hiện với 2.000 hội viên chính thức tại 19 chi hội, câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội mới đây cho thấy, về chiến lược, có đến 79% DN được khảo sát trả lời rằng, họ chưa làm gì để đón sóng cuộc CMCN 4.0; 55% DN cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% DN đã xây dựng kế hoạch, chỉ có 12% DN đang triển khai.
Đối với nhóm các DN không quan tâm đến CMCN 4.0 thì có đến 67% DN cho hay, họ không thấy cuộc CMCN 4.0 liên quan hay ảnh hưởng nhiều đến DN của họ; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của DN không bị tác động nhiều; 76% cho rằng họ chưa hiểu lắm về bản chất cuộc CMCN 4.0; 54% nói rằng chưa có nhu cầu, chưa quan tâm.
Thứ hai, nền tảng cho hội nhập cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh mới của DN vẫn còn yếu. Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNNVV đang chiếm khoảng 97% tổng số DN của Việt Nam, với nhiều hạn chế cơ bản như quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, mức vốn chỉ ở mức từ 04 đến 07 tỷ đồng/DN; trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu... Cùng với đó, 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990; khoảng 75% số máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi đó, với những đòi hỏi về nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng những đổi thay hằng ngày về mặt công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, buộc các DN phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh (Thái Linh, 2017).
Thứ ba, kiến thức về QTDN cũng như thực tế triển khai QTDN trong các DN Việt Nam cần được cải thiện. Nhìn chung, các DN Việt Nam chưa có hệ thống QTDN tốt. Theo điều tra của các tổ chức quốc tế thì đa số các giám đốc được hỏi cho rằng, các DN ở Việt Nam hiện chưa thực hiện tốt công tác QTDN, trong đó thể hiện rõ nhất ở những vấn đề như: Vai trò của Hội đồng quản trị còn hạn chế; Chức năng của Ban kiểm soát trong một số công ty còn chưa rõ ràng, mang tính hình thức, đối phó; Sự minh bạch và công bố thông tin chưa được thực hiện tốt...
Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Các DN cần áp dụng giải pháp QTDN để giải quyết các thách thức trong cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, trong thời gian tới, DN cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:
Một là, trong bối cảnh CMCN 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng thì nhà QTDN phải là đối tượng đầu tiên và tiên phong trong đổi mới tư duy, nhận thức để nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi chính cuộc cách mạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của chính DN. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để DN nắm bắt và tận dụng lợi thế từ CMCN 4.0 do đội ngũ DNNVV đông đảo, nhiều doanh nhân trẻ, có trình độ công nghệ tốt và khát khao khám phá. Đặc biệt, Chính phủ hiện nay, rất coi trọng phát triển thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0. Các DN cần nhận thức rõ những lợi thế này để tận dụng và nâng cao hiệu quả QTDN.
Hai là, việc QTDN trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi các cấp quản lý phải nâng cao năng lực quản trị trên các lĩnh vực bao gồm: Quản trị chiến lược, tài chính, nhân lực, sản xuất và marketing. Trong bối cảnh CMCN 4.0 thì công nghệ số là yếu tố tác động lớn nhất. Các thách thức từ QTDN hoàn toàn có thể giải quyết nếu các nhà quản trị biết ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, điều hành, trong đó áp dụng phần mềm QTDN vào quá trình kinh doanh để tối ưu hóa nguồn lực và tiết kiệm chi phí...
Việc quản trị doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi các cấp quản lý phải nâng cao năng lực quản trị trên các lĩnh vực bao gồm: quản trị chiến lược, tài chính, nhân lực, sản xuất và marketing. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thì công nghệ số là yếu tố tác động lớn nhất.
Ba là, mỗi DN cần xác định mình đang ở đâu trong cuộc CMCN 4.0, qua đó xác định nguồn lực và chiến lược phù hợp. Đồng thời, cần có sự thay đổi về tầm nhìn, định hướng. Trong thời đại 4.0, DN muốn tồn tại và phát triển phải xây dựng cho mình hình ảnh ấn tượng để thu hút khách hàng...
Bốn là, nâng cao hiệu quả QTDN không ngoài mục tiêu nâng cao hiệu quả động của DN. Do vậy, DN không còn con đường nào khác ngoài việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào QTDN. CMCN 4.0 sẽ thúc đẩy nhanh quả trình đổi mới về công nghệ. Điều này xuất phát từ bản chất của cuộc CMCN 4.0 đó là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh. Do vậy, để thích ứng với đòi hỏi từ cuộc cách mạng này DN phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ, máy móc, tự động hóa trong sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Đức Nam (2018), Cách mạng công nghiệp 4.0: Đường ngắn nhất để doanh nghiệp bứt phá, Vietnamplus.vn;
2. Vân Anh (2018), Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cuộc “thay máu” khốc liệt của doanh nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam;
3. Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi cách quản trị doanh nghiệp, Truy cập ngày 10/4/2019, từ : http://izisolution.vn/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-su-thay-doi-cach-quan-tri-doanh-nghiep;
4. Quản lý doanh nghiệp là gì?, Truy cập ngày 12/4/2019 từ: https://luatminhkhue.vn/tu-van-luat-doanh-nghiep/quan-tri-doanh-nghiep.aspx.