Xu hướng phát triển logistics tại Việt Nam trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động logistics xuyên suốt từ sản xuất tới tiêu dùng ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ nói riêng và của toàn nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội lớn mang lại, ngành Logistics Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp logistics phải nắm rõ để có giải pháp điều chỉnh phù hợp tình hình mới.
Thực trạng phát triển ngành Logistics Việt Nam
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, logistics là một “ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao” và phải “hiện đại và mở rộng” dịch vụ logistics. Để tận dụng các lợi thế, cơ hội và đưa lĩnh vực logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với hoạt động này.
Cụ thể, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó, đề ra mục tiêu từng bước giảm chi phí logistics xuống mức bằng khoảng 18% GDP; Cải thiện Xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về Logistics (LPI) thêm 10 bậc (hiện xếp thứ 64/160)...
Ngày 18/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới và khu vực; Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp (DN) trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) và các công nghệ mới...
Tại Việt Nam, việc thực hiện Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa Quốc gia đã được luật hóa tại Luật Hải quan 2014 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mang lại cho DN dịch vụ logistics nhiều lợi ích như: Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; Giảm số hồ sơ phải nộp cho các cơ quan quản lý; Đơn giản hóa quy trình giao tiếp với cơ quan quản lý... Với việc hàng loạt các chứng từ phải nộp, phải xuất trình được đơn giản hóa, thậm chí loại bỏ và kéo theo lợi ích mang lại cho dịch vụ logistics về mặt chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động logistics.
Năm 2018, dựa trên nền tảng từ những năm trước, đặc biệt là nhờ đà tăng trưởng cao của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng, ngành Dịch vụ Logistics Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng khoảng 12%-14%. Thống kê cho thấy, doanh số của các DN logistics niêm yết trên sàn chứng khoán có mức tăng trưởng 12,77%.
Theo Sách trắng Logistics 2018 vừa được Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) công bố, trong năm 2018, tất cả 6 thông số/tiêu chí đánh giá Chỉ số LPI 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ logistics (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Các tiêu chí đánh giá tăng rất tốt là Hải quan (xếp hạng 41, tăng 23 bậc), kết cấu hạ tầng logistics (xếp hạng 47, tăng 23 bậc). Các tiêu chí thời gian giao hàng (xếp hạng 40, tăng 16 bậc) và tiêu chí về các chuyến hàng quốc tế (xếp hạng 49 tăng 1 bậc so với năm 2016).
Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, Chỉ số LPI của Việt Nam tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp thứ 39/160 nước, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Với những xu hướng tích cực này, theo VLA ngành dịch vụ Logistics có thể đóng góp khoảng 5% GDP trong năm 2017 và sẽ đóng góp cao hơn nữa cho GDP vào 2025.
Đặc biệt, tiềm năng thương mại điện tử to lớn đang tạo ra cơ hội to lớn cho lĩnh vực E-Logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng khoảng 35%/năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử trong giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Như vậy, các nhà kinh doanh dịch vụ logistics phải mở rộng các kênh E-Logistics theo hướng chuyên nghiệp hóa để đáp ứng nhu cầu mua hàng điện tử. Các DN bán lẻ và DN thương mại điện tử đang từng bước tái cấu trúc hệ thống logistics của mình, để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. E-Logistics sẽ cải tiến hoạt động giao hàng để giảm thiểu chi phí cho hệ thống logistics nhằm tăng khả năng cạnh tranh về giá cho sản phẩm, thu hút người mua nhiều hơn do yếu tố giá rẻ. Khảo sát gián tiếp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) 2018 vừa qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát sẽ tăng từ 62% đến 200% trong giai đoạn 2018-2020...
Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến xu hướng phát triển ngành dịch vụ Logistics
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu được công bố tại Sách trắng Logistics 2018, trên 30% các ứng dụng CNTT hiện đang được sử dụng tại các DN logistics là các ứng dụng cơ bản như: hệ thống quản lý giao nhận, kho bãi, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý vận tải và khai báo hải quan (được ứng dụng nhiều nhất 75,2% đến 100%)... Trong khi đó, dự báo Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành Dịch vụ Logistics nói chung và công nghệ logistics mới nói riêng, từ đó tác động đến hình thái kinh doanh logistics của các DN cung cấp dịch vụ logistics, hướng đến tính khoa học và sáng tạo.
CMCN 4.0 với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối Internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới, với ước tính khoảng 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày. Đối với lĩnh vực logistics, cuộc cách mạng này sẽ ngày càng mở rộng việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. Tất cả các công ty logistics quốc tế lớn dự kiến sẽ sử dụng công nghệ IoT và dự báo trong vòng 3 năm tới, IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực logistics...
Bên cạnh đó, các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng này và cải thiện tỷ suất lợi nhuận, thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại như: Robot giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí lao động phổ thông; Xe chuyển hàng tự động (AGV) có thể thực hiện đơn hàng, tự bổ sung hàng trong kho bãi; Thiết bị theo dõi, định vị, dẫn đường và quan sát bằng các thiết bị sử dụng WiFi, Bluetooth; Ứng dụng Co-pilot trên Android của điện thoại di động được sử dụng trong hoạt động logistics quốc tế; Ứng dụng cung cấp định tuyến (mapping) và định hướng (direction routing), tạo điều kiện cho chuyển hướng thông qua việc theo dõi trực tuyến phương tiện vận tải; Ứng dụng quét mã vạch trực tuyến trong quản lý kho; Tối ưu hóa hàng tồn kho dựa trên điện toán đám mây; Ứng dụng kiểm soát lao động hàng ngày trong logistics (Ứng dụng Web fleet của Android); Tích hợp hợp đồng dịch vụ, quản lý đơn hàng, quan hệ khách hàng trong logistics trực tuyến...
Dịch vụ logistics là ngành mang tính quốc tế cao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động. Hiện nay, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logisitics, E-Documents... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain... Trong điều kiện CMCN 4.0, đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng vào container hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi...
Trong khi đó, hiện nay, các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng CNTT vào công việc hàng này còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản... Lý do chính là hiện nay các DN đều có quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chuyên sâu về CNTT còn yếu và thiếu, mặc dù, 96% DN được điều tra của VLA vừa qua đều cho rằng, công nghệ là nhân tố khác biệt tạo thuận lợi cạnh tranh cho DN.
Một số đề xuất, kiến nghị
Về phía Chính phủ
Hiện nay, ngành dịch vụ Logistics Việt Nam còn tụt hậu xa so với thế giới về việc ứng dụng công nghệ cao. Để ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, bắt kịp trình độ quốc tế, theo xu hướng hình thành ngành Logistics trong bối cảnh CMCN 4.0 Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho DN logistics và chính sách khuyến khích các DN công nghệ cao có hình thức cho thuê, để các DN logistics không phải đầu tư lớn ban đầu cho công nghệ.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, qua đó tạo thuận lợi cho DN trong việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, với cốt lõi là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân và DN.
Đồng thời, cân nhắc giao cho một cơ quan đầu mối Chính phủ như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải hoặc Bộ Khoa học Công nghệ, VLA nghiên cứu, triển khai giải pháp nền tảng công nghệ cho dịch vụ logistics phục vụ hiệu quả cho việc trao đổi dữ liệu giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, các hãng tàu biển, các công ty logistics… và cho quá trình "số hóa" ở phạm vi quốc gia.
Ngoài ra, xem xét các chính sách dành quỹ đất cho quy hoạch phát triển hạ tầng logistics, tránh chuyển đổi đất nông nghiệp thành bất động sản thu hẹp không gian hoạt động của các hạ tầng logistics.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động logistics. Hiện nay, VLA đang nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao như Blockchain vào một số hoạt động logistics. Trong đó, đang thực hiện việc nghiên cứu áp dụng đại trà e-DO (Giấy giao hàng điện tử) cho các lô hàng lẻ (LCL) và tham gia dự án e-B/L của Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế FIATA. Điển hình như Tân Cảng Sài Gòn đang áp dụng thử nghiệm e-Port, e-DO với một vài hãng tàu...
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng, công tác hợp tác quốc tế có một ý nghĩa quan trọng đối với phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Dịch vụ Logistics Việt Nam. Thông qua việc hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể tranh thủ nguồn vốn đầu tư vào ngành Logistics và mở rộng quy mô hoạt động của DN, học tập kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật trong điều kiện cuộc CMCN 4.0. Trong bối cảnh đó, vai trò kết nối, hợp tác quốc tế về lĩnh vực dịch vụ logistics của VLA là rất lớn, từ đó tiếp tục phát huy những kết quả và nền tảng tích cực mà VLA đã gây dựng trong nhiều năm qua.
Về phía các doanh nghiệp logistics
Các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics cần có nhiều đột phá và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường hợp tác, kết nối trong nước, khu vực và toàn cầu, quản lý tốt chuỗi cung ứng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa. Cụ thể, các DN logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành Logistics trong cuộc CMCN 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ. Sớm hình thành ngày càng nhiều DN dịch vụ logistics có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong một môi trường cạnh tranh gay gắt của thị trường dịch vụ và yêu cầu nguồn nhân lực trong điều kiện CMCN 4.0 sắp tới ngày càng cao, ngành Dịch vụ Logistics Việt Nam cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao cả về kỹ năng thực tế, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành logistics.
Theo khảo sát của VLA, chỉ tính riêng nguồn nhân lực cho các công ty cung cấp dịch vụ logistics từ nay đến năm 2030 sẽ cần đào tạo mới và bài bản khoảng 250.000 nhân sự để không những đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn làm việc được ở nước ngoài, nhất là trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Tóm lại, để phương thức đào tạo phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0, ngoài việc tăng cường đào tạo tại chỗ, E-learning, cần tập trung nguồn lực đào tạo của các trường đại học và trung cấp nghề. Đào tạo tại trường lớp kết hợp với đào tạo thực tế, đưa các chương trình khoa học công nghệ cao về logistics vào đào tạo tại các trường đại học...
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014), Luật Hải quan 2014;
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
3. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;
4. Thủ tướng Chính phủ (2018), Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/07/2018 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông;
5. Chính phủ (2018), Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo;
6. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (2019), Sách trắng Logistics 2018.