Quản trị rủi ro thanh khoản của ngân hàng thương mại và liên hệ thực tiễn ở Việt Nam


Ngân hàng thương mại là một loại hình trung gian tài chính với các chức năng chính là nhận tiền gửi, huy động vốn, cho vay và đầu tư, cung ứng các dịch vụ ngân hàng khác. Do tính chất hoạt động mà dẫn đến một đặc thù của ngân hàng thương mại, đó là thường xuyên phải nắm giữ một danh mục tài sản có và tài sản nợ có kỳ hạn. Trong quá trình vận động, giữa hai danh mục tài sản này có những thời điểm mà quy mô bị mất cân đối và mất tương xứng. Đây là nguyên nhân dẫn đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng thương mại.

Rủi ro thanh khoản là một loại rủi ro chủ yếu nhất của ngân hàng thương mại
Rủi ro thanh khoản là một loại rủi ro chủ yếu nhất của ngân hàng thương mại

Cơ sở lý thuyết của nghiên cứu

Có nhiều định nghĩa và khái niệm khác nhau về rủi ro thanh khoản, tuy nhiên, một cách chung nhất, rủi ro thanh khoản được hiểu là rủi ro khi ngân hàng thương mại (NHTM) không có khả năng thanh toán tại một thời điểm nào đó, hoặc phải huy động các nguồn vốn với chi phí cao để đáp ứng nhu cầu thanh toán; hoặc do các nguyên nhân chủ quan khác làm mất khả năng thanh toán của NHTM.

Rủi ro thanh khoản là một loại rủi ro chủ yếu nhất của NHTM, đó cũng có thể là tổng hợp của nhiều loại rủi ro khác nhau, nhưng là nguyên nhân trực tiếp có thể dẫn đến khủng hoảng thanh khoản, là nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng có thể dẫn đến phá sản tại thời điểm mặc dù khả năng tài chính của NHTM vẫn đảm bảo, kinh doanh không bị thua lỗ, nhưng tại một thời điểm nào đó NHTM bị mất khả năng thanh toán.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rủi ro thanh khoản có thể đến từ hoạt động bên nợ hoặc bên có, hoặc từ hoạt động ngoại bảng của bảng cân đối tài sản của NHTM. Cụ thể:

- Rủi ro thanh khoản đến từ bên tài sản nợ có thể phát sinh bất cứ lúc nào khi người gửi tiền rút tiền trước hạn và cả khi đến hạn, nhưng NHTM không sẵn có nguồn vốn để thanh toán, để chi trả. Với một lượng tiền gửi được yêu cầu rút ra lớn và đột ngột buộc NHTM phải đi vay bổ sung trên thị trường tiền tệ, phải huy động vốn đột xuất với chi phí vượt trội, hoặc bán bớt tài sản để chuyển hoá thành vốn khả dụng đáp ứng nhu cầu chi trả. Khi đó để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức NHTM có thể phải bán tài sản với giá thấp hơn thị trường rất nhiều để có lượng vốn khả dụng cần thiết.

Có nhiều định nghĩa và khái niệm khác nhau về rủi ro thanh khoản, tuy nhiên, một cách chung nhất, rủi ro thanh khoản được hiểu là rủi ro khi ngân hàng thương mại (NHTM) không có khả năng thanh toán tại một thời điểm nào đó, hoặc phải huy động các nguồn vốn với chi phí cao để đáp ứng nhu cầu thanh toán; hoặc do các nguyên nhân chủ quan khác làm mất khả năng thanh toán của NHTM.

- Rủi ro thanh khoản từ bên tài sản có chủ yếu phát sinh liên quan đến việc thực hiện các cam kết tín dụng, cho vay. Một cam kết tín dụng cho phép người vay vốn tiến hành rút tiền bất cứ lúc nào trong thời hạn theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Khi một người vay yêu cầu NHTM thực hiện cam kết tín dụng thì ngân hàng phải đảm bảo đủ tiền ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nếu không ngân hàng sẽ phải đối mặt với uy tín trên thương trường, thậm chí đối mặt với mất khả năng thanh toán.

- Rủi ro thanh khoản từ hoạt động ngoại bảng: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ tài chính phái sinh, rủi ro thanh khoản đến từ hoạt động ngoại bảng cũng ngày càng tăng. Khi mà các nghĩa vụ thanh toán bất thường xảy ra như cam kết bảo lãnh, nghĩa vụ thanh toán các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi hay hợp đồng quyền chọn. Các hợp đồng đó đến hạn thì sẽ phát sinh nhu cầu thanh khoản. Khi đó, NHTM có thể phải đối mặt với rủi ro thanh khoản nếu không có kế hoạch chuẩn bị nguồn thanh khoản kịp thời, không có những tài sản nhanh chóng hay dễ dàng chuyển thành tiền, những công cụ có thể giao dịch trên thị trường tiền tệ.

Nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam

Thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố tác động đến rủi ro thanh khoản của hệ thống các NHTM. Cụ thể:

Ảnh hưởng từ lạm phát cao

Lạm phát cao và vượt ra ngoài dự báo ảnh hưởng lớn nhất đến quản trị rủi ro thanh khoản của NHTM. Tại Việt Nam, ví dụ năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 12,6%. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2008 chỉ số CPI của cả nước đã tăng 15,96%, cao nhất so với mức tăng cả năm trong 15 năm kể từ năm 1993 đến thời điểm này.

Diễn biến chỉ số lạm phát ảnh hưởng đến quản trị rủi ro thanh khoản. Có thể khái quát một số tác động của lạm phát đến rủi ro thanh khoản giai đoạn 2007-2008 như sau:

Một là, NHNN phải thắt chặt tiền tệ và đồng thời đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để thắt chặt tiền tệ.

Hai là, lãi suất thị trường tiền tệ, lãi suất huy động vốn liên tục tăng cao. Lãi suất tăng cao về nguyên lý có thể tác động đến kiềm chế lạm phát nhưng kèm theo đó là chi phí quản lý thanh khoản cũng tăng mạnh. Tăng cường huy động vốn là phương pháp truyền thống để đảm bảo cung thanh khoản nhưng do NHTM nào cũng tăng lãi suất, cũng lo thanh khoản, nên tiền có thể huy động trong nền kinh tế để đảm bảo thanh khoản có giới hạn.

Ba là, lạm phát tăng cao, một bộ phận người dân rút tiền gửi hoặc không gửi tiền vào NHTM mà sử dụng tiền có thể tiết kiệm cuả mình chuyển sang mua vàng, ngoại tệ để cất giữ, nên càng tác động vào thanh khoản của NHTM.

Bốn là, lạm phát tăng cao, giá cả vật liệu xây dựng tăng mạnh, các doanh nghiệp và người dân phải sử dụng nhiều tiền hơn cho xây dựng, sửa chữa nhà ở, thi công công trình, dự án; nên một mặt rút tiền gửi, mặt khác giảm lượng tiền gửi và nhu cầu vay tăng lên. Tình hình đó càng gia tăng rủi ro thanh khoản cho NHTM.

Năm là, lạm phát tăng cao nhưng nhận thức và đánh giá về nguyên nhân lạm phát không đầy đủ khiến lĩnh vực chịu tác động đầu tiên là rủi ro thanh khoản của NHTM.

Sáu là, tính thanh khoản của NHTM gắn liền với tính thanh khoản của nền kinh tế. Song, do dư nợ tín dụng bị kiềm chế, một số chi nhánh NHTM theo cơ chế điều hành thì chỉ huy động được vốn mới được cho vay, thu được nợ mới được cho vay. Cá biệt có chi nhánh bị giảm dư nợ. Nhiều doanh nghiệp vừa khó vay vốn NHTM, vừa phải cân nhắc có vay hay không khi lãi suất lên quá cao.

Bảy là, do diễn biến lạm phát và một số chính sách vĩ mô nên một số lĩnh vực và thị trường trong nền kinh tế bị sụt giảm, điều chỉnh sâu, giá giảm mạnh có xu hướng đóng băng, ít giao dịch nên một số khoản dư nợ cho vay của NHTM đầu tư vào những lĩnh vực này bị ảnh hưởng lớn, khả năng trả nợ của khách hàng giảm, luồng tiền trở lại NHTM không như dự kiến, thanh khoản trở nên kém đi.

Thị trường tiền tệ chưa phát triển

Thị trường tiền tệ chưa phát triển có ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống các NHTM. Thị trường đấu thầu tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu NHNN, thị trường mở... trong thời gian dài hầu như chỉ có các NHTM nhà nước, một số NHTM cổ phần quy mô lớn, chi nhánh ngân hàng nước ngoài... tham gia, còn phần lớn các NHTM cổ phần quy mô nhỏ và trung bình đứng ngoài cuộc.

Cơ cấu tài sản có có nhiều bất hợp lý

Thứ nhất, cơ cấu tài sản có không sẵn sàng đáp ứng cung thanh khoản. Các NHTM nhà nước, một số NHTM cổ phần có quản trị điều hành khá, thường đầu tư một tỷ lệ vốn đáng kể vào giấy tờ có giá, mà những giấy tờ này có thể sẵn sàng tham gia nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, hoặc kênh khác của NHNN, của thị trường tiền tệ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời. Song, đối với nhiều NHTM cổ phần thì danh mục tài sản có hầu như không có loại này.

Thứ hai, trong cơ cấu dư nợ cho vay của danh mục tài sản có bất hợp lý. Tỷ lệ dư nợ cho vay vào những lĩnh vực thường có biến động lớn của thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản thời gian qua cũng như hiện nay, khách hàng sử dụng vốn vay đầu tư vào thị trường tài chính... Thứ ba, việc sử dụng quá nhiều vốn vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để mở rộng dư nợ cho vay trong danh mục tài sản có. Tỷ lệ này đối với một số NHTM cổ phần cao gấp 2-3 lần số vốn huy động trên thị trường I, nên khi tình hình chung các NHTNM đều gặp khó khăn về thanh khoản thì những NHTM cổ phần loại này bị gặp khó khăn lớn nhất.

Thứ tư, có sự bất cân xứng giữa nhiều khoản dư nợ cho vay trung dài hạn với thời hạn vốn huy động và vốn đi vay.

Cơ cấu tài sản nợ bất hợp lý

Vốn huy động từ tiền gửi thanh toán của các tổ chức kinh tế như: kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội, bưu chính viễn thông, bảo hiểm… có tỷ trọng lớn. Khi đến cuối năm, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các đợt chi trả đột xuất khác…, nếu NHTM không sẵn sàng nguồn lực sẽ bị động, gặp rủi ro về thanh khoản, phải vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao hoặc huy động vốn trên thị trường với lãi suất vượt trội thời điểm bình thường.

Một số nguyên nhân khách quan khác

Bên cạnh các nhân tố chủ quan và khách quan nói trên, thì rủi ro thanh khoản còn là tổng hợp của các loại rủi ro khách quan khác như:

- Rủi ro thị trường: Có 4 yếu tố của rủi ro thị trường có tính chất tiêu chuẩn đó là:

+ Rủi ro chứng khoán, hay rủi ro về giá cổ phiếu, trái phiếu thay đổi. Loại rủi ro này đang diễn ra lớn nhất trên thị trường Việt Nam từ đầu năm 2008 đến nay và các NHTM cổ phần đang phải đối mặt lớn nhất của loại rủi ro này đối với thanh khoản, đặc biệt là khi khách hàng “phó mặc” cổ phiếu cầm cố cho NHTM.

+ Rủi ro lãi suất: Nhiều trường hợp đã ký hợp đồng tín dụng theo lãi suất cố định, đến các kỳ giải ngân tiếp theo ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao hơn khi ký kết hợp đồng nhưng giải ngân cho vay vẫn theo lãi suất thấp đã cam kết.

+ Rủi ro tiền tệ: Yếu tố rủi ro do tỷ giá thay đổi.

+ Rủi ro thị trường hàng hoá: Giá cả một số mặt hàng nào xuống quá thấp, tiêu thụ khó khăn, người vay bị thua lỗ hay không tiêu thụ được hàng hoá, vốn đọng, không trả nợ đúng hạn được cho ngân hàng. Tình trạng này diễn ra đối với giá cà phê cách đây một số năm, hoặc giá cả một số mặt hàng khác trong các thời điểm khác nhau.

- Rủi ro chính sách: Các chính sách vĩ mô đột ngột thay đổi như: đóng cửa rừng, nguồn nguyên liệu gỗ thiếu hụt và tăng giá, các hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng tiêu thụ... không thực hiện đúng như cam kết, hoặc thua lỗ… khó khăn trong trả nợ ngân hàng.

- Rủi ro bởi thiên tai, rủi ro bất khảkháng: Những rủi ro bởi thiên tai, rủi ro khác của người vay… từ đó tác động đến rủi ro của NHTM.

- Rủi ro danh tiếng, rủi ro đạo đức, rủi ro công nghệ thông tin…

Bài học rút ra và khuyến nghị cho giai đoạn hiện nay

Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ chỉ đạo và quyết định nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế thông qua các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Đồng thời, một số yếu tố khác làm cho chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao. Giá nhiều mặt hàng trên thế giới và lạm phát tại nhiều nước có xu hướng tăng vọt. Tình hình đó dẫn đến một số lo ngại và dự báo lạm phát sẽ tăng ở Việt Nam trong thời gian tới. Diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các NHTM. Bài viết xin nêu một số khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro thanh khoản của các NHTM:

Một là, các NHTM cần rút ra bài học kinh nghiệm từ quản lý thanh khoản giai đoạn 2007-2008 để chủ động các biện pháp phòng ngừa rủi ro thanh khoản giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các NHTM không chạy đua tăng lãi suất trên thị trường.

Hai là, NHNN tiếp tục phân tích và dự báo sát các diễn biến kinh tế vĩ mô, chủ động và linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, chủ động đảm bảo nguồn tái cấp vốn và các kênh hỗ trợ khác theo kế hoạch đề ra và theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ba là, để quản trị rủi ro có hiệu quả thì cả NHTM và cơ quan quản lý, điều hành chính sách cần phân tích và xử lý tốt các vấn đề nói trên. Giải pháp nằm ở chính việc khắc phục một số bất hợp lý như đã đề cập khi đánh giá, phân tích nguyên nhân của giai đoạn 2007-2008, rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn hiện nay, 2021-2022 và các năm tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2007-2021), Số liệu thống kê kinh tế xã hội các năm 2007 - 2021, www.gso.gov.vn;

2. Ngân hàng Nhà nước (2007-2021), Thông cáo báo chí, diễn đàn trao đổi, www. sbv.gov.vn;

3. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2007-2021, www.vbna.org.vn.

Thông tin tác giả:

(*) ThS. Phan Hồng Hạnh; TS. Trần Thế Sao - Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng TCTC kỳ 1 tháng 11/2021.