Khắc phục hạn chế của BOT

Theo Anh Thảo/daibieunhandan.vn

8/11 dự án thành phần của Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được đầu tư theo hình thức BOT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Phiên thảo luận toàn thể chiều 14/11, một số Đại biểu Quốc hội đã đề nghị, ngay trong Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này phải có phương án, biện pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc của hình thức đầu tư BOT vừa qua, làm cơ sở minh bạch cho việc thực hiện.

Chỉ áp dụng với tuyến đường mới 

Hiệu quả mang lại từ Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) có lẽ không cần phải tranh luận thêm, như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ, muốn phát triển kinh tế thì phải có cơ sở hạ tầng hiện đại.

Thời gian qua, quốc lộ 1A mở rộng 4 làn xe, nhưng chỉ giải quyết được yêu cầu trước mắt, nhiều đoạn đã bắt đầu ùn tắc như Ninh Bình - Thanh Hóa, Giầu Dây - Phan Thiết, nên yêu cầu xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông lại càng cấp thiết, vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, chống lãng phí, lại hạn chế được tai nạn giao thông. Đây cũng là mong mỏi chung của các Đại biểu Quốc hội.

Nhưng nếu đặt Dự án trong điều kiện nguồn vốn có hạn, nhu cầu đầu tư lớn thì giải quyết bài toán này như thế nào?

Theo Tờ trình của Chính phủ, sẽ có 3/11 dự án thành phần được đầu tư hoàn toàn bằng vốn nhà nước, 8 dự án thành phần còn lại được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Lo ngại về các dự án BOT này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thẳng thắn, Quốc hội vừa thực hiện giám sát và chỉ rõ những hạn chế của hình thức đầu tư BOT.

Trong điều kiện Nghị quyết giám sát mới ban hành, chưa thể hoàn thiện ngay về cơ chế, chính sách đối với các dự án BOT, đại biểu đề nghị, Chính phủ phải trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót, hạn chế mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra, đưa ngay vào Nghị quyết của Quốc hội về Dự án này để làm căn cứ thực hiện.

Theo đó, phải xác định rõ tiêu chí để lựa chọn dự án, đánh giá năng lực, lựa chọn nhà đầu tư… bảo đảm thu hút được các nhà đầu tư thực góp vốn. Cũng theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm, chỉ áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.

Thực hiện đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu. Quy định tham vấn và lấy ý kiến của người dân; quy định vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí để bảo đảm người dân chỉ phải nộp tiền khi sử dụng đường và đúng số km sử dụng.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng chỉ rõ, trong 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT đều trộn lẫn ngân sách trong chi phí xây dựng. Trong khi đó, lại chưa đánh giá hợp lý khả năng hoàn vốn, chưa có tiêu chí để xác định ngân sách sẽ đầu tư đoạn đường nào của dự án. Số liệu tính toán trong báo cáo của Chính phủ là chưa thuyết phục.

Riêng tổng số tiền thu hoàn vốn lấy bằng tổng mức đầu tư không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng cộng thêm 50% chi phí phải thu hoàn vốn chưa tính tổng mức đầu tư, chi phí vận hành, chi phí duy tu sửa chữa, lãi vay… Điều này cho thấy, nhiều dự án có thể thu hồi toàn bộ vốn trong thời gian ít hơn nhiều so với vòng đời trung bình của dự án là 24 năm, nhưng vẫn dự tính bố trí ngân sách là không hợp lý.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ cần rà soát, xác định các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn, làm cơ sở bố trí phân bổ ngân sách, minh bạch giữa ngân sách và thu phí. Theo đó, các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng trái phiếu, các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng. Riêng chi phí xây dựng thì nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ sau đó thu phí hoàn vốn.

Cam kết không phát sinh “điểm nóng”

Tranh luận lại với quan điểm nêu trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho biết, không thể quy định nhà đầu tư phải bỏ 100% vốn xây dựng còn Nhà nước chỉ đầu tư khâu giải phóng mặt bằng. Chỉ nhìn phụ lục 2 bảng phân bổ nguồn vốn giữa Nhà nước và tư nhân được gửi kèm theo Dự án thì thấy, Nhà nước bỏ ra 55 nghìn tỷ đồng bao gồm cả giải phóng mặt bằng, trực tiếp đầu tư và đầu tư từ phần xây lắp, còn nhà đầu tư là 63 nghìn tỷ đồng.

Nhưng hiện nay, giới đầu tư và cả Nhà nước cũng đang lo ngại vấn đề đấu thầu, chọn nhà đầu tư là khó khăn. Đơn cử, Bộ Giao thông - Vận tải đã từng đấu thầu dự án Dầu Giây - Phan Thiết và Tân Vạn - Nhân Trạch nhưng không thành công. Bây giờ, Đại biểu Quốc hội yêu cầu nhà đầu tư bỏ 100% vốn xây dựng còn Nhà nước chỉ bỏ kinh phí giải phóng mặt bằng là không khả thi, Đại biểu Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.

Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 dự án được thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước là những dự án thật sự cần thiết đã được Bộ cân nhắc lựa chọn, để tạo đột phá cho phát triển.
Đối với 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT, Bộ sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục các khiếm khuyết bằng cách đấu thầu toàn bộ, lựa chọn kỹ lưỡng các nhà đầu tư… Tha thiết đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cam kết sẽ không để tạo ra những điểm bức xúc về BOT như thời gian qua.