Quảng Nam: “Bấm nút” vì tương lai số bền vững
Ngày 18/4, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với nền tảng số quốc gia tiềm năng One Touch tổ chức Lễ phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”.
Khởi đầu hành trình làm chủ tri thức số
Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” tại Quảng Nam không chỉ là cột mốc quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng số cho người dân mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương. Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ số do Thủ tướng Chính phủ phát động, cũng như triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh: phong trào sẽ tập trung vào các nội dung thiết thực như hướng dẫn sử dụng thiết bị thông minh, Internet an toàn; giới thiệu ứng dụng phục vụ đời sống, sản xuất; kỹ năng an toàn thông tin, phòng tránh lừa đảo số; xây dựng tinh thần học tập suốt đời trong môi trường số hóa.
Chương trình đào tạo được tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai cùng nền tảng số quốc gia One Touch (onetouch.mic.gov.vn) – một trong ba nền tảng tiên phong trong phong trào Bình dân học vụ số, do Công ty CP Công nghệ và Truyền thông VTC NetViet (thuộc Tổng Công ty VTC, Bộ KH&CN) phát triển và vận hành. Chương trình xây dựng lộ trình bài bản, tổ chức các khóa học trực tuyến giúp người dân tiếp cận tri thức, kỹ năng số một cách linh hoạt, hiệu quả, góp phần hình thành công dân số toàn diện và thúc đẩy xã hội học tập trong thời đại số.
Ngay tại lễ phát động, các đại biểu đã trực tiếp trải nghiệm nền tảng học trực tuyến. Giai đoạn đầu tiên – “khai mở tư duy” – gồm 10 khóa học: 6 dành cho cán bộ, 1 cho doanh nghiệp và 3 cho cộng đồng.
Trong các giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ tập trung vào các mục tiêu chiến lược: nâng cao nhận thức cộng đồng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cải cách thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và mở rộng hợp tác quốc tế. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện thực hóa khát vọng phổ cập tri thức số
Chương trình dự kiến tiếp cận 14.700 người học trên địa bàn tỉnh: 5.700 cán bộ, 2.000 người từ khối doanh nghiệp và 7.000 người trong cộng đồng. Tất cả có thể truy cập vào hệ thống học trực tuyến của tỉnh để tham gia các khóa học phù hợp.
Khối cán bộ gồm lãnh đạo, cán bộ chuyên trách CNTT và chuyển đổi số sẽ học các nội dung về tư duy chuyển đổi số, quản trị dữ liệu, ứng dụng AI trong thực thi công vụ. Các khóa học còn chú trọng cập nhật định hướng theo Nghị quyết 57-NQ/TW và nâng cao năng lực tham mưu, triển khai chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
Với khối doanh nghiệp, chương trình thiết kế chuyên biệt cho từng vị trí. Lãnh đạo, quản lý sẽ được đào tạo về tư duy số, quản trị doanh nghiệp số, dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Nhân viên được tiếp cận các công cụ số, ứng dụng AI vào quản trị nhân sự, marketing… Các thành viên hợp tác xã sẽ được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh online, mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu.

Khối cộng đồng gồm tổ công nghệ số và người dân sẽ tham gia các khóa học phổ cập kỹ năng sử dụng nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân, ứng dụng AI trong truyền thông, trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân.
Sau 5 năm triển khai, nền tảng One Touch đã ghi nhận 50 triệu lượt truy cập, hơn 510.000 học viên từ 63 tỉnh, thành phố, hàng nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ năng số thông qua 100 khóa học đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.
Với kinh nghiệm và hệ thống đào tạo linh hoạt, nền tảng One Touch sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam hiện thực hóa phong trào Bình dân học vụ số, xây dựng xã hội học tập hiện đại, toàn diện trong kỷ nguyên số.