Quảng Ngãi đưa nông sản hữu cơ vươn ra thị trường quốc tế

Trang Nguyễn

Tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh Kon Tum cũ) chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đến nay diện tích cây trồng theo hướng hữu cơ trên địa bàn ngày càng tăng.

Nâng cao hiệu quả giá trị sản phẩm sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt.
Nâng cao hiệu quả giá trị sản phẩm sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt.

Định hình hướng đi triển vọng cho ngành nông nghiệp địa phương. Năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum cũ đã phê duyệt Đề án phát triển Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những quan điểm quan trọng của Đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các quy mô, cấp độ từ hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ, môi trường an toàn cho người nông dân và sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Đề án hướng tới mục tiêu chung phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, góp phần ổn định đời sống, thu nhập cho một bộ phận lao động, dân cư trên địa bàn tỉnh. Hình thành các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ của tỉnh. Phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum  (cũ)  nay là tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, trong đó thế mạnh là phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ.

Thực hiện mục tiêu của Đề án đã mở đường cho nông nghiệp hữu cơ của tỉnh phát triển. Các cấp, các ngành của tỉnh tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ, thay đổi tư duy canh tác của người nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ
Phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, sau gần 5 năm triển khai Đề án, địa phương đã hình thành nhiều vùng sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích ngày càng mở rộng, chủng loại cây trồng ngày càng đa dạng.

Toàn tỉnh hiện có hàng ngàn ha cây trồng sản xuất đạt các tiêu chuẩn chất lượng như GlobalGAP, hữu cơ, VietGAP, UTZ và Fairtrade. Nổi bật về vùng sản xuất theo hướng hữu cơ như: Vùng sản xuất lúa tại Đăk Hà, Sa Thầy; vùng rau tại Kon Plông; vùng cây ăn quả tại Kon Plông, Đăk Hà; vùng cà phê tại Kon Plong, Đăk Hà, Đăk Glei… Các sản phẩm hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, cả trong nước và thị trường quốc tế, đặc biệt, sản phẩm dứa, chè... đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuât nông nghiệp
Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuât nông nghiệp

Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ. Ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiềm năng từng địa phương. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, nông dân và các tổ chức liên quan về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu của Đề án đưa ra như: Ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ; ưu tiên lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi và giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ;

Hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ gắn với phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 03 sao trở lên.

Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở xây dựng, hình thành và đưa vào hoạt động các mô hình, các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tương ứng, đạt chứng nhận chất lượng sản phẩm, thương hiệu, áp dụng truy xuất nguồn gốc cho từng loại nông sản, sản phẩm hữu cơ...

 

Mục tiêu cụ thể của Đề án

Giai đoạn 2021 - 2025

-Diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1% tổng diện tích gieo trồng với một số cây trồng chủ lực, ở các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Tỷ lệ người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đạt trên 30%

- Hiệu quả giá trị sản phẩm sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ

- 100% sản phẩm hữu cơ được chứng nhận, tiêu thụ theo hệ thống và truy xuất được nguồn gốc.

- Mỗi huyện/thành phố có ít nhất 03 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.

Định hướng đến năm 2030

- Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

- Mỗi huyện/thành phố có ít nhất 05 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận.

- Tăng tỷ lệ người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, sản phẩm phân bón hữu cơ.

- Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

(Theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND, ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh Kon Tum  (cũ) về phê duyệt Đề án phát triển Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).