Quảng Ninh đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng

Nga Phạm

Trên cơ sở kết quả 30 mô hình điểm về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn từ 2015-2020 và 10 mô hình điểm năm 2021, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai đề án giúp các doanh nghiệp mới tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Sở KH&CN giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ mà UBND tỉnh Quảng Ninh giao về việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Dự kiến, trong năm 2022, Quảng Ninh sẽ thực hiện 11 mô hình điểm năng cao năng suất chất lượng. Hiện các doanh nghiệp vẫn đang duy trì và nỗ lực áp dụng các hệ thống và công cụ quản lý nhằm vươn tầm sản xuất kinh doanh đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài ra, để thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025, trước đó Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa góp phần phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo được ít nhất 20 chuyên gia năng suất chất lượng được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Khoảng trên 1.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý năng suất chất lượng của doanh nghiệp được đào tạo chuyên sâu các kiến thức về năng suất chất lượng. Giai đoạn đến năm 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%; có ít nhất 20 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Để hoàn thành tốt kế hoạch, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thành lập đoàn khảo sát tại chỗ các tổ chức, doanh nghiệp, lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện để tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về năng suất chất lượng và chuyển đổi số năm 2022.

Trong đó, nội dung khảo sát việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng hiện có hoặc nhu cầu áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong thời gian tới tại các tổ chức, doanh nghiệp…gồm: Tiêu chuẩn các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường, quản lý năng lượng, quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, Bố trí mặt bằng sản xuất Work Layout; Thực hành tiêu chuẩn trồng trọt theo VietGap/ GlobalGAP; Các công cụ thống kê và quản lý chất lượng - 7 Tools...

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp, tổ chức được khảo sát lần này có rất nhiều doanh nghiệp điển hình như Công ty Cổ phần giống cây trồng Quảng Ninh. Đây là một trong những doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của Quảng Ninh hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và chuyển giao dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Công ty đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 13 giống lúa quốc gia. Đây cũng là đơn vị trong toàn quốc cung cấp nhiều giống lúa nhất.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty, những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra nhiều giống lúa mới là yếu tố cần thiết nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, góp phần quan trọng cho sự nghiệp nông nghiệp nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, Công ty chưa từng áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nào. Vì vậy, đây là  lần đầu tiên Công ty đăng ký tham gia Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng với 2 hệ thống quản lý tiên tiến: ISO 9001, ISO 14001 và công cụ 5S.

Thời gian qua, nhận thấy những lợi ích thiết thực từ việc áp dụng các cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đang trở thành “phong trào” tại nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh. Công ty cổ phần Chế tạo máy (Vinacomin) cũng đã đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong các dây chuyền chế tạo, gia công thiết bị cơ khí. Cách làm này đã giúp Công ty nâng cao năng suất lao động, tiết giảm nhân công, chi phí, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm cơ khí phục vụ cho các đơn vị ngành than.

Theo đó, từ năm 2004, Công ty Chế tạo máy (Vinacomin) đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, hiện nay theo phiên bản mới nhất ISO 9001:2015. Nhiều sản phẩm của Công ty đã đạt giải chất lượng trong nước và quốc tế. Lãnh đạo Công ty khẳng định, việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đã làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, qua đó tạo việc làm, ổn định đời sống người lao động.