Phát triển nhờ áp dụng công cụ cải tiến năng suất

Nga Phạm

Nhờ kiên trì áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, đến nay nhiều doanh nghiệp không chỉ tăng doanh thu, lợi nhuận mà còn tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Là doanh nghiệp “địa phương” ở Đồng Nai chuyên sản xuất các sản phẩm cao su và nhựa kỹ thuật phục vụ cho các ngành ôtô, xe gắn máy, thực phẩm, y tế, giống như nhiều doanh nghiệp khác, những năm đầu thành lập, Công ty TNHH Tương Lai cũng “loay hoay” với bài toán năng suất, chất lượng.

Sau nhiều tìm tòi, học hỏi cuối cùng Công ty cũng đã áp dụng thành công các công cụ quản lý hệ thống chất lượng, công cụ cải tiến năng suất do Viện Năng suất Việt Nam chủ trì triển khai. Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực trạng sản xuất của công ty, các chuyên gia tư vấn nhận ra rằng, Công ty có chú trọng đầu tư công nghệ mới, đổi mới thiết bị nhưng hiện tại mới khai thác 60-70% thiết bị, do thiếu đầu ra, điều phối sản xuất chưa tốt và nhiều lãng phí.

Ngay sau đó, từng giải pháp được đưa ra. Theo đó, tính toán rất kỹ lộ trình áp dụng vừa phù hợp với lịch sản xuất, vừa phù hợp với mức tài chính của công ty. Con số sơ bộ sau 10 tháng áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất tổng thể, được thể hiện qua việc khảo sát nhanh với 10 khách hàng lớn, thân thiết của Công ty cho thấy sự phàn nàn của khách hàng về tiến độ giao hàng đã giảm xuống đáng kể.

Không chỉ năng suất lao động chung của Công ty tăng 20% mà riêng phân xưởng cao su, sản lượng đã tăng gấp 3 lần/lao động. Đặc biệt, trước kia, mỗi tháng Công ty có tới 1-2 vụ khách hàng khiếu nại về tiến độ giao hàng, về sai mã sản phẩm, thì nay vài tháng mới phát sinh một vụ. Chất lượng sản phẩm được cải thiện tốt hơn nhiều qua các đánh giá tích cực từ khách hàng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, trước dùng máy sản xuất khuôn nhỏ, một lần ra được 49 sản phẩm, nay nhờ đầu tư máy lớn, một lần ra 144 sản phẩm. Vì thế, năng suất tăng 300%, tỷ lệ hoàn thành lệnh sản xuất đã tăng từ 85-86% lên 98%.

Trong khi đó, nhắc đến Rạng Đông, người tiêu dùng đã quá quen với các sản phẩm thiết bị phục vụ cho gia đình. Rạng Đông được biết đến như một thương hiệu về đồ gia dụng được ưa chuộng của mỗi gia đình Việt. Các sản phẩm của Rạng Đông không chỉ thu hút người tiêu dùng bởi chất lượng mà còn ở giá cả cạnh tranh. Có được chỗ đứng như ngày hôm nay, Rạng Đông cũng đã trải qua nhiều khó khăn trước đó khi phải đối mặt với bài toán năng suất, chất lượng.

Năm 2016, Công ty đã tiếp cận và áp dụng các công cụ cải tiến vào sản xuất như 5S, Lean, Kaizen, 6 Sigmaz BSC, TPM. Nắm bắt tâm lý người lao động thường không muốn thay đổi, vì vậy Lãnh đạo Công ty đã đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền để người lao động hiểu rằng cải tiến là việc làm thường xuyên, liên tục và tất yếu của quá trình phát triển. Theo đó, Công ty thực hiện cải tiến nâng cao năng suất bằng cân bằng chuyền, giảm lãng phí, hợp lý hóa sản xuất, tối ưu hóa các thao tác, kết quả đạt được của giai đoạn này có những dây chuyền năng suất tăng tới 30%, trong khi trước đó chỉ tăng 5-7% cũng là rất khó. 

Trên cơ sở các bộ công cụ riêng lẻ, Rạng Đông đã xây dựng được bộ công cụ cải tiến tích hợp, tạo bước đột phá về năng suất, phá vỡ hiện trạng để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Một ví dụ điển hình là dây chuyền máng M36 trước kia năng suất dây chuyền: 3500 sp/21 người/11h, cải tiết tối ưu hóa giai đoạn 1, dây chuyền thủ công sau 1 tháng áp dụng giải pháp đã tăng: 5500 sp/21 người/10h (26.2): tăng 173%. Giai đoạn 2, tự động hóa dây chuyền: 10000 sp/17 người/10h (58.8) tăng 389%. Doanh thu SP bộ đèn LED M36 quý 2 và 3/2020: 74 tỷ đóng góp 15% doanh thu so với cùng kỳ.

Phong trào sáng kiến cải tiến đã được lãnh đạo Công ty chú trọng từ nhiều năm trước. Trong chiến lược phát triển của Công ty cho mục tiêu một doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ chiếu sáng thế hệ mới, thích ứng với CMCN 4.0 và chuyển đổi số, Công ty cũng dành rất nhiều sự đầu tư cho đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hướng tới một thương hiệu chiếu sáng tầm cỡ quốc tế trong tương lai gần.

Sau một loạt các giải pháp cải tiến, năng suất lao động tại các chuyền tăng bình quân 30-50%. Cá biệt có những dây chuyền tăng trên 200% năng suất. Thông qua các dự án cải tiến, các nhóm cải tiến đã có thêm các kiến thức và kinh nghiệm về các hoạt động cải tiến năng suất doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là xây dựng được văn hóa cải tiến để các hoạt động cải tiến, đổi mới được thực hiện liên tục. Điều này rất cần tinh thần, nhiệt huyết của cán bộ nhân viên trong Công ty, nhưng chỉ tinh thần, nhiệt huyết của các nhân thì chưa đủ, mà cần có một hệ thống khuyến khích tinh thần cải tiến, đổi mới.

Để huy động sự tham gia của người lao động trong các hoạt động cải tiến, Công ty đã xây dựng cơ chế khuyến khích cải tiến. Việc đánh giá các cải tiến, khuyến khích bằng tiền, khuyến khích bằng các phần thưởng cũng đã được đưa vào quy chế rõ ràng và được sự nhất trí của các cán bộ nhân viên.

Từ những ví dụ này có thể thấy vai trò và tầm quan trọng của việc doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đối với sự phát triển. Việc nâng cao năng suất chất lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận, từ đó tăng thu nhập cho người lao động.