Quảng Ninh phấn đấu 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử
Ngày 25/3/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trong năm 2022, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã được cơ quan thuế quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ...
Theo Cục Thuế Quảng Ninh, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới… ngày 25/3/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trong năm 2022.
Tại Kế hoạch này, UBND Quảng Ninh đặt mục tiêu 100% các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã được cơ quan thuế quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 35%...
Để hiện thực hóa kế hoạch này, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, Cục Thuế Quảng Ninh sẽ tăng cường quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử bằng cách thực hiện rà soát, phân loại, cập nhật thông tin các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ thương mại điện tử, tập trung vào nhóm doanh nghiệp có thu nhập từ tổ chức nước ngoài Google, Facebook, Amazone…; kinh doanh, bán hàng trực tuyến; cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng Booking, Agoda…; tổ chức điều hành sản giao dịch thương mại điện tử, điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán, vận chuyển… Thu thập thông tin doanh nghệp, cá nhân tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến, thu nhập, dữ liệu dòng tiền để xác định, quản lý trường hợp có nghĩa vụ khai thuế.
Bên cạnh đó, Cục Thuế Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai các đề án hiện đại hóa của ngành Thuế như: hóa đơn điện tử, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Đặc biệt, công tác đăng ký, khai, nộp, hoàn thuế điện tử của cá nhân đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ với dữ liệu dân cư và Cổng Dịch vụ công quốc qua, sử dụng tiện lợi trên mạng internet qua ứng dụng thuế điện tử và eTax - Mobile dùng trên thiết bị di động; đẩy mạnh các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế với thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển trong thời gian tới.
Quảng Ninh đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chiếm 10%; phấn đấu tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến đạt 40%; 100% sản phẩm OCOP và sản phẩm thuỷ sản, 80% sản phẩm nông sản được giao dịch trên sàn thương mại điện tử; 100% các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khối siêu thị trên địa bàn tỉnh có website thực hiện các giao dịch thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có website hoặc tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Quảng Ninh cung đặt mục tiêu 50% doanh nghiệp kinh doanh có website hoặc tham gia hoạt động trên các sàn thương mại điện tử bất động sản; trị giá giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu; 100% các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã được cơ quan thuế quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 35%...