Vấn đề quyết toán thuế khi có giao dịch liên kết
Quyết toán thuế khi có giao dịch liên kết là việc doanh nghiệp khi có phát sinh với các bên có quan hệ liên kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai cũng như nghĩa vụ lập hồ sơ trong giao dịch liên kết. Đây là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN giao dịch liên kết, các DN có quan hệ giao dịch liên kết phải nộp các tờ khai liên quan khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Tuy nhiên, hiện nay một số DN, đặc biệt là DN nhỏ, siêu nhỏ có quan hệ giao dịch liên kết theo kiểu gia đình chưa nắm được quy định này.
Do đó, khi quyết toán thuế các DN phát sinh giao dịch liên kết cần lưu ý:
Kê khai giao dịch liên kết
Xác định đúng các nghĩa vụ kê khai của DN khi có giao dịch liên kết. Việc này rất quan trọng vì không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ bạn có thể bị ấn định tỷ suất lợi nhuận. Với Thông tư số 66/2010/TT-BTC thì các DN phải kê khai giao dịch liên kết và nộp cùng với tờ khai quyết toán thuế TNDN năm.
Nhưng theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì sẽ có một số trường hợp được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết, hoặc phải kê khai nhưng được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Doanh nghiệp cũng cần có tờ khai giao dịch liên kết nếu doanh nghiệp có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Theo đó, DN có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 132 và nộp cùng tờ khai quyết toán thuế thu nhập DN.
Chi phí lãi vay
Đối với chi phí lãi vay thì đây là chi phí các DN hầu như đều có. Vậy chi phí này khi có giao dịch liên kết thì được tính vào chi phí được trừ như thế nào?
Một quy định khác, đó là các DN có giao dịch liên kết chỉ được tính chi phí lãi vay không vượt quá 30% lợi nhuận thuần, nếu vượt quá thì phải chuyển sang kỳ sau. Những nội dung này hầu hết các DN của Việt Nam, nhất là các DN nhỏ, DN siêu nhỏ có quan hệ liên kết theo kiểu gia đình đang rất thờ ơ.
Vì thế, các DN cần chú ý để khi khai thuế phải nộp tờ khai tính toán tỷ lệ lãi vay, cũng như các biểu mẫu xác định các thông tin về giao dịch liên kết để tránh rủi ro trong quyết toán thuế. Căn cứ theo mục a và b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết thì:
Tổng chi phí tiền lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;
Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Từ quy định trên, ta có công thức tính tổng chi phí lãi vay được trừ như sau:
Tổng chi phí lãi tiền vay được trừ = 30% * (Tổng lợi nhuận thuần + lãi tiền vay – lãi tiền gửi/tiền cho vay + chi phí khấu hao)
Trong đó:
EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) =Tổng lợi nhuận thuần + lãi tiền vay – lãi tiền gửi/tiền cho vay + chi phí khấu hao)
Như vậy: Tổng chi phí lãi tiền vay được trừ = 30% * EBITDA
Chuyển chi phí lãi vay
Với việc chi phí lãi vay nếu vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao thì phần chi phí lãi vay này sẽ cần được theo dõi cho các năm kế tiếp. Đồng nghĩa với đó là việc phải theo dõi và kết chuyển chi phí lãi vay để tính chi phí được trừ nếu đủ điều kiện.
Hồ sơ chuyển giá
Với nhưng DN khác nhau thì các quan hệ liên kết hay các phát sinh liên kết cũng không giống nhau. Đặc biệt, các DN phải lập hồ sơ giao dịch liên kết cần chú ý vấn đề sau:
- Lập hồ sơ xác định giá trong giao dịch liên kết: sử dụng cơ sở dữ liệu so sánh không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai; không nêu được rõ nguồn gốc số liệu để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận để kê khai giao dịch liên kết; các doanh nghiệp lấy dữ liệu so sánh không tương đồng với DN của DN...
- Không có cơ sở dữ liệu để so sánh;
- Sử dụng sai phương pháp xác định giá giao dịch liên kết khi kê khai, lập hồ sơ;
- Rủi ro khi giải trình với cơ quan thuế: Không đồng nhất giữa kê khai và lập hồ sơ giao dịch liên kết.