Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) với 92,91% đại biểu tán thành

Bảo Thương

Với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), chiều 19/6/2023.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Cần giữ quy định giá trần với dịch vụ vận chuyển hàng không

Trước khi các đại biểu bấm nút biểu quyết, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để trình thông qua. Đến nay, cơ bản ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý.

Phát biểu thêm một số vấn đề còn gây tranh luận, về đề nghị bổ sung mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” và “thịt lợn” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng 2 mặt hàng này chưa cần thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.

Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ là Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế, để một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, song vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Đây có thể coi là công cụ quản lý nhà nước về giá nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khắc phục hạn chế bất cập của luật hiện hành

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Luật Giá (sửa đổi) được thông qua gồm 8 chương, 75 điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá...

Nhiều ý kiến nhận định rằng, Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Về phạm vi điều chỉnh, Luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, theo đó, Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Bên cạnh đó, Luật Giá (sửa đổi) quy định, bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của Luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi giá biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Luật Giá (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.

Trong lần sửa đổi này, Luật Giá (sửa đổi) cũng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi…

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong việc đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá., bình ổn giá; đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định.

Luât Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về việc kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.

Về mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá, Luật Giá (sửa đổi) quy định giá hàng hóa, dịch vụ khác có biến động bất thường khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch bộ, UBND cấp tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành giá.

Đối với công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại pháp luật về thanh tra. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải đảm bảo đảm nguyên tắc: Thực hiện theo kế hoạch, hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm; Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra…