Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật Giá (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét


Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 11/11/2022 về dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu, nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Giá (sửa đổi). Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại Hội trường, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu nêu về mối quan hệ của Luật Giá (sửa đổi) và các Luật khác, Bộ trưởng cho biết, hiện có 21 Luật có quy định về giá. Để khắc phục những chồng chéo giữa các luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá, Luật Giá (sửa đổi) được xây dựng theo hướng điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá; quy định thống nhất danh mục hàng hóa. Đối với một số mặt hàng đặc thù, chuyên ngành thì quy định rõ những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Bộ trưởng thông tin, thực tiễn khi thực hiện Luật Giá hiện hành cho thấy, việc bình ổn giá mang tính chất thời điểm khi hàng hóa có biến động thất thường ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Do đó, việc này giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định sẽ đảm bảo xác định danh mục kịp thời và chủ động hơn. 

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành đề xuất giữ Quỹ này. Vì giá xăng dầu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Do đó, Quỹ Bình ổn giá sẽ là một công cụ điều hành hỗ trợ giảm biến động giá xăng dầu.

Về hiệp thương giá, Dự án Luật lần này không xác định phạm vi và cho doanh nghiệp với doanh nghiệp hiệp thương giá với nhau, cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò là trọng tài.

Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, Bộ trưởng cho biết, ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Tài chính Ngân sách trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp.

Về vấn đề kê khai giá, Bộ trưởng cho rằng, giữa rất nhiều loại giá với những vai trò khác nhau, cần tập trung vào một số giá cụ thể để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh với nguồn lực hữu hạn. Bộ trưởng nhấn mạnh, kê khai giá là nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có thay đổi, đảm bảo không biến động giá đột ngột. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và quy định chi tiết hơn nữa về nội dung này.

Đối với các nội dung khác của Dự án Luật, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến các đối tượng tác động; tham vấn ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật này trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Trần Huyền